Thông tin mới nhất về diễn biến cơn bão số 14, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vừa cho biết, vào hồi 10h sáng 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, ngay trên phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa-Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng 510 km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Bắc, 100km về phía Nam tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Bắc, 150 km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
|
Hướng di chuyển của bão số 14. |
Do ảnh hưởng của bão số 14, từ sáng sớm ngày 19/11, các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Từ đêm mai, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến Hà Tĩnh).
Để ứng phó với bão số 14, Văn Phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện ngày 17/11, gửi Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Cà Mau, Kiên Giang, Bộ GTVT, Quốc phòng, Ngoại giao, Công thương, Tài nguyên Môi trường; NN&PTNT.
Trong đó yêu cầu, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền để kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ; đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập, đê điều và các khu vực trũng thấp; tăng cường công tác thông tin hướng dẫn các tàu vận tải, tàu hàng; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc như trong cơn bão số 2 và 12 vừa qua…
Tại buổi giao ban sáng nay 17/11 Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã yêu cầu các đơn theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền và thuyền trưởng biết để chủ động phòng, tránh; Rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chiều 17/11, UBND TP.HCM cùng các sở ngành, quận huyện đã họp khẩn để triển khai phương án phòng tránh, ứng phó với cơn bão số 14.
Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM – ông Lê Thanh Liêm cho biết mặc dù theo dự báo, bão ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP HCM nhưng không được chủ quan vì bão thường khó lường, bất thường và diễn biến phức tạp. Thành phố HCM hiện đang có nhiều công trình xây dựng, cần trục, cây xanh… và đang trong đợt triều cường đỉnh triều đạt 1,6 m.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương theo dõi sát biễn biến của áp thấp nhiệt đới, triển khai các phương án đã được diễn tập từ trước. Huyện Cần Giờ phải sẵn sàng công tác di dời dân ở xã đảo Thạnh An và người dân có nhà tạm bợ vùng ven sông rạch.