Thương tâm những vụ đuối nước tại hồ tưới ở Tây Nguyên

Google News

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tại Tây Nguyên đã xảy ra hàng loạt vụ đuối nước làm hàng chục trẻ em tử vong.

Song một thực tế đáng lo ngại là mặc dù tình trạng đuối nước đang ở mức báo động song ao, hồ nhỏ phục vụ việc tưới cây trồng - nơi thường xuyên xảy ra những tai nạn đau lòng - lại không được quản lý.
Liên tiếp xảy ra đuối nước
Ngày 24.6, ba em gồm Sơ Nhi, Ma Lợi, Ma Như (cùng 9 tuổi, ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đi chăn thả dê cho gia đình đã rủ nhau đi tắm tại hồ chứa nước tưới hoa màu của một người dân trong vùng. Trong lúc tắm, cả ba em đều bị đuối nước và được người dân phát hiện. Em Ma Như được cứu kịp thời vì đang bám vào một cành cây ven hồ. Hai em còn lại là Sơ Nhi, Ma Lợi bị đuối nước, tử vong ngay dưới hồ.
Theo một số người dân trong vùng, trước khi xảy ra vụ việc đuối nước, người làm của hộ dân có hồ chứa nước đã nhắc nhở, yêu cầu 3 học sinh trên ra về, không được xuống hồ tắm. Tuy nhiên, các em đã bỏ qua cảnh báo và xuống hồ nước sâu tắm mát dẫn đến hậu quả thương tâm.
Cùng ngày 24.6, tại xã Đăk Ha, huyện Đăk G’Long (Đăk Nông), 3 cháu bé tuổi từ 10 đến 12 rủ nhau đi câu đã trượt chân xuống một cái ao nhỏ tử vong.
Thuong tam nhung vu duoi nuoc tai ho tuoi o Tay Nguyen
Do thiếu kỹ năng nên 3 đứa trẻ ở thông 13, xã Đắk Wer, huyện Đăk R’Lấp (Đăk Nông) đã tử nạn khi trượt chân xuống hồ nước này. ảnh: Duy Hậu 
Và cũng chỉ trước đó 2 ngày, tại Đăk Nông cũng xảy ra cùng lúc 2 vụ đuối nước làm 3 học sinh từ 9 đến 11 tuổi tử vong. Tuy hai vụ việc ở hai xã khác nhau là Quảng Sơn (huyện Đăk G’Long) và Quảng Phú (huyện Krông Nô) nhưng tính chất vụ việc lại giống nhau. Các em đều đi tập bơi dưới hồ nước khi không có sự giám sát của gia đình nên dẫn đến tai nạn.
Cũng trong tháng 6 này, tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai (Gia Lai) có 4 học sinh tuổi từ 9 đến 11 tử vong do đuối nước. Thông tin từ cơ quan chức năng, chiều tối 2.6, có 5 học sinh rủ nhau xuống hồ tắm. Trong lúc đùa giỡn, các em không may trượt chân xuống vũng nước sâu, rồi cả 4 em kéo nhau chìm xuống đáy hồ.
Báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Đăk Nông cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ đuối nước làm thiệt mạng 18 trẻ em. Nếu tính từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có trên 200 trẻ chết đuối, trung bình hàng năm có gần 40 trẻ em thiệt mạng vì sẩy chân xuống hồ đập. Ở Đăk Lăk, trong 6 tháng đầu năm nay cũng xảy ra gần 20 vụ đuối nước làm 20 trẻ tử vong và trong 2016, số trẻ em tử vong vì đuối nước cũng lên đến hơn 50 em…
“Bẫy” ở khắp nơi
Thống kê sơ bộ của UBND xã Ya Chim, thành phố Kon Tum, trong những tháng khô hạn vừa qua, người dân 11 thôn làng trong xã đã đào gần 200 ao, hồ, giếng nước để chống hạn. Không chỉ đào các hố nước dưới lòng sông, suối hay hồ đập thủy lợi, người dân còn đào ngay trong vườn cà phê sát với khu dân cư.
Trong báo cáo về tình trạng đuối nước ở trẻ em của Sở LĐTBXH tỉnh Đăk Lăk, ở phần ghi chú trong các vụ hầu hết đều ghi “đi tắm hồ”. Ông Nguyễn Duy Tuyết - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐTBXH tỉnh Đăk Lăk) cho biết, hầu hết các vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở những hồ đập nhỏ do người dân tự đào để lấy nước tưới. Đây là một thực trạng hết sức đau lòng nhưng gần như ngành chức chưa có phương án nào hiệu quả hơn việc tăng cường tuyên truyền cho người dân.
Theo ông Tuyết, hàng năm ngoài những chỉ đạo của tỉnh, Sở LĐTBXH cũng đã có nhiều chuyên đề, các lớp tập huấn về tận các cơ sở để nâng cao kỹ năng, ngăn ngừa tình trạng đuối nước. Song do nhiều lý do mà việc này chưa đạt được hiệu quả cao. Mấu chốt của vấn đề là giúp trẻ học bơi không giải quyết được dù người dạy bơi ở địa phương nào cũng có. “Thầy dạy bơi không thiếu nhưng cơ sở hạ tầng để dạy bơi không có. Toàn tỉnh Đăk Lăk hiện chỉ có 3 điểm dạy bơi ở TP.Buôn Ma Thuột”- ông Tuyết nói.
Tại Đăk Nông, hàng năm tỉnh đều có những văn bản chỉ đạo để phòng chống đuối nước, tuy nhiên, tình trạng này vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Trong khi hầu hết trẻ em, nhất là vùng sâu vùng xa thiếu kỹ năng bơi thì toàn tỉnh này chỉ có 2 cơ sở đủ tiêu chuẩn cho việc dạy bơi.
Ông Huỳnh Ngọc Anh - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đăk Nông thừa nhận, tình trạng trẻ em đuối nước trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay đang trở nên hết sức nhức nhối. Song để phòng chống, khắc phục việc này, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân, Sở LĐTBXH nói riêng và các ngành chức năng nói chung chưa có cách nào khác tốt hơn.
Theo đánh giá của Sở LĐTBXH tỉnh Đăk Nông, có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng đuối nước không thể suy giảm. Trong đó “thủ phạm” gây ra nhiều vụ đuối nước nhất chính là các ao, hồ ở hầu khắp các địa phương. Trong khi đó cũng như tỉnh Đăk Lăk và các địa phương khác ở Tây Nguyên, do điều kiện khó khăn chung mà nguồn kinh phí bố trí cho việc thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn hạn hẹp. Ngược lại, các gia đình nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn do điều kiện cuộc sống đã thiếu sự quan tâm, sâu sát với con em mình.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng đuối nước đó là ở các ao hồ nhỏ do người dân tự đào để sử dụng đa phần không được che chắn, cảnh báo. Ông Lê Viết Thuận - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đăk Nông cho biết, ngoài những hồ đập lớn được các cơ quan đơn vị quản lý bảo vệ, có hệ thống cảnh báo thì ở địa phương có hàng ngàn ao, hồ nhỏ không có người quản lý. Và vô tình những ao, hồ này trở thành những cái “bẫy” chết người đối với trẻ em. Ông Thuận cũng cho biết, hiện ngành thủy lợi tỉnh Đăk Nông đang có dự án để quản lý một cách hiệu quả, an toàn. Tuy nhiên hiện dự án vẫn đang ở giai đoạn chờ phê duyệt.
Theo Duy Hậu/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)