Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017, một số độc giả thắc mắc câu hỏi số 22 ở mã đề 302 môn Lịch sử (tương đương câu hỏi số 14 ở mã đề 316) có sự thay đổi về đáp án.
Câu hỏi này như sau:
“Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất khi thực hiện chiến lược chiến tranh nào ở Miền Nam:
A. Chiến tranh cục bộ
B. Đông Dương hóa chiến tranh
C. Việt Nam hóa chiến tranh
D. Chiến tranh đặc biệt
|
Ảnh chụp sự khác biệt giữa đáp án trước và sau khi được Bộ GD&ĐT cập nhật. |
Đáp án đăng trên các phương tiện truyền thông và website của Bộ GD&ĐT trong chiều 24/6 là A. Chiến tranh cục bộ.
Sau đó, Bộ GD&ĐT đăng tải phần đáp án (có in dấu đỏ) là phương án D. Chiến tranh đặc biệt.
Trả lời Zing.vn chiều 26/6, TS Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, khẳng định không có chuyện thay đổi đáp án môn lịch sử so với ban đầu. Cụ thể, đáp án chính thức của Bộ GD&ĐT ở câu 22 trong mã đề 302 môn Lịch sử là phương án D. Chiến tranh đặc biệt.
Vậy tại sao đáp án ban đầu của Bộ GD&ĐT công bố ngay sau khi kết thúc kỳ thi, được đăng tải trên các phương tiện truyền thông lại ghi phương án A?
Ông Hồng cho biết đáp án chính thức của các môn thi là bản cứng có chữ ký của Tổ trưởng tổ ra đề thi của các môn thi, có ký duyệt của Chủ tịch hội đồng ra đề thi.
Sau khi kết thúc kỳ thi (chiều tối 24/6), Hội đồng ra đề thi tiến hành in sao đáp án và đóng dấu treo để đảm bảo tính pháp lý của các đáp án khi chuyển hội đồng thi của các địa phương để tổ chức chấm thi.
"Khi cung cấp bản mềm các đáp án bằng đĩa CD cho các báo rất có thể do lỗi kỹ thuật, nên đáp án bị nhảy từ A sang D. Một số đề thi được sao chép cùng các đáp án của môn thi trong cùng đĩa CD này, khi mở ra cũng bị mất không còn trong dữ liệu", ông Hồng cho hay.
Cũng theo ông Hồng, đây là kinh nghiệm quý báu cho những năm sau khi công bố đáp án chính thức thì nên công bố bản gốc có dấu đỏ của Bộ GD&ĐT để đảm bảo tính pháp lý và tính chính xác.
Đề thi chưa chặt chẽ?
Liên lạc với tòa soạn, nhiều học sinh băn khoăn về câu hỏi số 22 ở mã đề 302 môn Lịch sử (tương đương câu hỏi số 14 ở mã đề 316).
Thầy Mai Thanh Sơn - giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk, cho rằng câu 22 ở mã đề 302 "có vấn đề trong việc đặt câu hỏi".
“Đặt câu hỏi như Bộ GD&ĐT sẽ là đánh đố học trò”, ông Sơn nêu.
Theo thầy giáo này, câu hỏi có thể đặt là: "Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân trong loại hình chiến tranh xâm lược nào?" nếu đặt câu hỏi để hợp với đáp án Chiến tranh đặc biệt.
Cái khó ở đây là đề thi nêu: "Mỹ chính thức tiến hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt" thì lấy mốc là ngày 7/2/1965, sau vụ quân giải phóng tấn công quân Mỹ ở Pleiku.
Thực chất, Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại lên tầm mới để cứu vãn chiến lược Chiến tranh đặc biệt trong nguy cơ thất bại hoàn toàn, đồng thời để chuẩn bị hỗ trợ việc thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Thời điểm này bắt buộc thay thế bằng cuộc chiến lược mới, không thể để Chiến tranh đặc biệt ngày càng sa lầy và thất bại nằm trong tầm tay.
Thầy Sơn cho biết ông đã đi tập huấn về câu hỏi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia. Có hàng trăm nghìn cách hỏi khác nhau cho một câu trả lời nhưng hỏi thế nào cho học sinh thể hiện nhận thức về tri thức, lựa chọn được đáp án đúng mới là nhiệm vụ của người ra đề thi.
|
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đề thi có thể có nhiều đáp án đúng
Theo TS Nguyễn Khắc Thái - giảng viên ĐH Quảng Bình - đề thi Lịch sử chưa chặt chẽ, việc loại trừ kiến thức có vấn đề. Giáo viên này cho hay nguyên tắc trắc nghiệm là phải lập luận rõ ràng, trong khi đó, câu hỏi này có thể có 3 phương án trả lời đúng.
Cụ thể như sau, từ năm 1954, Mỹ liên tục tổ chức nhiều cuộc phá hoại miền Bắc như chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp biệt kích phá hoại cơ sở kinh tế, quốc phòng, nhưng chính thức gây hấn từ sự kiện 5/8/1964 và huy động lực lượng đánh giá từ ngày 7/2/1965. Đây là thời điểm đang trong chiến tranh giai đoạn đặc biệt ở miền Nam.
Đến ngày 18/8/1965, Chiến tranh cục bộ mới diễn ra với trận Vạn Tường. Kể cả việc lấy mốc thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 8/3/1965 làm mốc khởi đầu Chiến tranh cục bộ thì chiến tranh phá hoại miền Bắc cũng đã diễn ra trước đó.
Phóng viên đã gửi phản ánh của giáo viên và học sinh đến Bộ GD&ĐT. Đại diện bộ này cho biết đã chuyển thông tin đến ban ra đề thi để xem xét.
Tuy nhiên, Mỹ lại coi chiến tranh phá hoại miền Bắc là một bộ phận chính thức của Chiến tranh cục bộ. Vì thế, tính về thời gian, chiến tranh phá hoại diễn ra vào giai đoạn cuối cùng của Chiến tranh đặc biệt (nhằm chia lửa và cứu vãn tình thế của Chiến tranh đặc biệt) nhưng về chiến lược thì lại nằm trong Chiến tranh cục bộ.
"Như vậy, 3 phương án đều có câu trả lời đúng là: Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ. Phương án 3 đúng hơn cả nhưng lại không có trong đáp án", thầy Khắc Thái nêu quan điểm.
Đồng tình với ý kiến này, thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, cho hay: Với một đề thi trắc nghiệm khách quan, dữ liệu được chọn ra phải chính xác, chỉ có một đáp án đúng.
Điều tối kỵ của thi trắc nghiệm khách quan là rơi vào tình trạng một câu hỏi có nhiều phương án trả lời. Nói cách khác, xét về phương diện khoa học, đáp án đúng chỉ có một.
Nếu một câu hỏi có nhiều đáp án đúng sẽ tạo nên tâm lý hoang mang và gây thiệt thòi cho các em về mặt điểm số khi xét tuyển (0,25 điểm).
“Một học sinh đáng ra được điểm 10 nhưng ‘vướng’ vào câu hỏi này có thể chỉ được 9,75. Một học sinh có thể… trượt đại học khi thiếu 0,25 điểm (vì có tổng điểm có thể làm tròn)”, thầy Hiếu phân tích.
Theo thạc sĩ Trần Trung Hiếu, sau khi kỳ thi quốc gia kết thúc, nhiều ý kiến băn khoăn hay phản biện ở một vài câu hỏi và đáp án thi trắc nghiệm từ phía thí sinh và giáo viên, Bộ GD&ĐT nên rà soát và kiểm chứng, đối chất các thành viên của Ban ra đề thi để trả lời trước công luận.
Thầy Hiếu cho hay đây là kỳ thi đầu tiên thực hiện hình thức trắc nghiệm với 40 câu hỏi cho 24 mã đề ở mỗi môn, trong đó có môn Lịch sử, nên có thể có sự thiếu sót.