Thương hiệu, từ góc nhìn của báo chí và truyền thông

Google News

Trước khi trở thành chuyên gia truyền thông và quản trị thương hiệu, Phạm Sông Thu từng là nhà báo. Đối với một thương hiệu, ông có cái nhìn từ vai trò của nhà báo lẫn người làm truyền thông.

Không có sự chân thành, khó nhận được cái nhìn rộng lượng
Báo chí là ngành của truyền thông nên thật khó minh định tính tương đồng và nét dị biệt của hai khái niệm này. Song, về cơ bản nhất, ông nhận định như thế nào về tầm quan trọng của chúng đối với một thương hiệu?
Một khi sự cạnh tranh trong kinh doanh ngày càng khốc liệt, việc chuyển thông điệp đến với khách hàng mục tiêu sao cho hiệu quả cũng ngày càng khó khăn. Từ lập chiến lược truyền thông, xác định khách hàng mục tiêu đến sáng tạo thông điệp; từ chọn phương tiện chuyển tải thông điệp đến sử dụng ngân sách... là cả quy trình, đòi hỏi người làm truyền thông hiểu biết thấu đáo.
Để làm được những điều đó, người làm truyền thông cần kỹ năng đặc biệt, đào tạo chuyên nghiệp. Họ phải có ý tưởng, phương pháp khoa học và công cụ thực hiện hiệu quả, sử dụng các giải pháp truyền thông cho từng đối tượng để đạt mục tiêu như mong đợi. Đó là một tài nghệ.
Thuong hieu, tu goc nhin cua bao chi va truyen thong
 Chuyên gia Phạm Sông Thu.
Từ phân tích xu hướng, khảo sát thị hiếu, dự báo thị trường, dự báo và phòng ngừa khủng hoảng, đến đưa ra giải pháp đề xuất cho lãnh đạo và thực hiện chương trình hành động nhằm phục vụ quyền lợi doanh nghiệp đều cần có tài phối hợp một cách khoa học, nghệ thuật.
Nhưng như thế thôi chưa đủ. Thực hiện chiến dịch truyền thông, truyền tải thông điệp truyền thông, thông điệp của sản phẩm, doanh nghiệp, cần có sự “đồng hành trên tinh thần win - win” của báo chí.
Người đọc, trước hết là bạn đọc của báo, sau có thể là khách hàng của doanh nghiệp. Nên ví von một cách giản dị rằng, báo chí giúp sản phẩm truyền thông dễ dàng lan tỏa, thông qua đó, doanh nghiệp tìm kiếm thêm khách hàng, khách hàng mục tiêu…
Vậy, với một thương hiệu, ông có cái nhìn như thế nào trong tâm thế của nhà báo và người làm truyền thông?
Rõ ràng người làm truyền thông sẽ dành nhiều sự quan tâm và thời gian cho thương hiệu hơn. Như nói ở trên, người làm truyền thông phải trang bị nhiều kỹ năng, phối hợp những bộ phận khác trong doanh nghiệp để xây dựng chiến lược truyền thông.
Trong chiến lược ấy, người làm truyền thông phải xác định đâu là thông điệp chính, đâu là giá trị cốt lõi, đâu là sứ mệnh, đâu là tầm nhìn của thương hiệu… Từ đó, họ phác thảo kế hoạch, đưa ra lộ trình bài bản, liên tục.
Nhà báo thường không làm những việc này, mà phối hợp người làm truyền thông, để truyền tải sản phẩm do người làm truyền thông tạo ra đến công chúng. Hiểu nôm na là vậy!
Một sự cố không may xảy ra với thương hiệu, doanh nghiệp, ông ứng xử như thế nào trên tư cách người làm truyền thông và nhà báo?
Trong thị trường nóng bỏng và cạnh tranh hiện nay, khó có doanh nghiệp, tổ chức tự tin không bao giờ dính khủng hoảng. Bất cứ sự cố nào xảy ra, dù khách hay chủ quan, đều có thể trở thành ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng đáng sợ, một khi báo chí vào cuộc, thông tin lan rộng không kiểm soát được.
Nếu điều không may đó xảy ra, với tư cách người làm truyền thông, tôi sẽ chia sẻ kịp thời với khách hàng của mình; tìm hiểu, nắm kỹ những nguyên nhân xảy ra sự việc đáng tiếc đó để thông tin cho khách hàng, báo chí rõ.
Việc này giúp người ta thấy được sự chân thành của mình. Không có sự chân thành, thật khó nhận được cái nhìn rộng lượng, càng khó nhận được sự cảm thông của khách đối với sự cố không hay.
Tôi luôn cho rằng, khách hàng tử tế là thượng đế! Chính những phản ánh của họ là đóng góp để một doanh nghiệp, thương hiệu hoàn thiện hơn.
Còn với tư cách người làm báo, tôi hiểu rằng, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, ai nhanh sẽ có ưu thế. Nhưng vụ việc liên quan nhãn hàng, thương hiệu, doanh nghiệp, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, xác minh thông tin xung quanh sự cố. Bởi bài mình viết, thông tin mình đưa ra đôi khi gây ảnh hưởng rất lớn đối với thương hiệu đó.
Như chúng ta biết, không dễ xây dựng, duy trì một thương hiệu, nên cẩn trọng trong trường hợp này, là không thừa.
Thuong hieu, tu goc nhin cua bao chi va truyen thong-Hinh-2
 Chuyên gia Phạm Sông Thu luôn khuyên sinh viên thay vì sợ AI, hãy tìm hiểu và “làm bạn” để AI trở thành trợ lý trong công việc.
Đừng sợ AI, hãy xem đó là trợ lý cho mình
Đầu năm 2024, ông ra mắt cuốn sách “A.I. Đánh cắp cảm xúc?”. Điều đó cho thấy sự quan tâm về AI đang “len lỏi” vào đời sống người làm báo, người làm truyền thông?
Đúng vậy! Trong một khảo sát, các chuyên gia công nghệ, nhà báo, truyền thông, marketing… đều bày tỏ hào hứng về triển vọng ứng dụng AI nói chung, Chat GPT nói riêng, trong tương lai. Song song đó, họ nhấn mạnh cần có biện pháp kiểm soát để công cụ AI phục vụ công việc, cuộc sống của chúng ta, thay vì phụ thuộc chúng.
Không ít lần, khi được hỏi, tôi đều trả lời sinh viên của mình rằng, đừng bao giờ sợ AI, hãy tìm hiểu, xem AI như người bạn, trợ lý cho mình. Nó sẽ giúp ích cho công việc rất nhiều.
Như trước đây, khi chuẩn bị chiến dịch truyền thông, chúng ta phải tự thực hiện khảo sát, gạch đầu dòng ý chính…, thì nay, AI có thể giúp làm việc đó. Tuy nhiên, nếu là người làm báo chuyên nghiệp hay làm truyền thông chỉn chu, chúng ta nên quan tâm nguồn AI trích dẫn. Cái này thuộc về phạm trù đạo đức, điều mà AI không thể “ý thức” được như chúng ta.
Với công việc truyền thông và báo chí, tôi càng nhấn mạnh, chỉ khi nào AI có được đầy đủ giác quan như con người, chúng ta mới bị AI thay thế. Bởi sản phẩm của báo chí hay rộng ra là truyền thông, ngoài nội dung, thông điệp được truyền đi, cần có cảm xúc được chia sẻ. Chỉ con người có được cảm xúc qua sự trải nghiệm. Điều đó rất quan trọng trong bối cảnh truyền thông cảm xúc đang được ưa chuộng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
 
Thuong hieu, tu goc nhin cua bao chi va truyen thong-Hinh-3
Chuyên gia Phạm Sông Thu ký tặng sách về truyền thông, thương hiệu. 
Phạm Sông Thu là tác giả của các đầu sách Truyền thông theo phong cách Win - Win; Cuộc chiến thương hiệu: Sáng tạo hay chịu chết; A.I. Đánh cắp cảm xúc?; Cẩm nang Quản trị thương hiệu.
Ông từng công tác tại các báo Người Lao động, Sài Gòn Giải phóng, Khám phá; Tạp chí Golf & Life; đồng sáng lập Tuần báo Nguồn Việc, chủ biên ấn phẩm Golf & Resort; đã xuất bản các ấn phẩm Golf & VIP; Golf & Travel…
Ông Phạm Sông Thu cũng từng công tác tại Tập đoàn Vingroup (2009-2019) và Novagroup (2019-2023). Ngoài ra, ông còn tư vấn truyền thông cho một số thương hiệu trong nước và quốc tế; tham gia công tác đào tạo tại các trường đại học trên cả nước.
Xuân Thọ thực hiện

>> xem thêm

Bình luận(0)