|
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế sơ tán người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn. |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; trong đó, chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình và phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt. Tiếp tục chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời ngay người và phương tiện (bao gồm cả các hộ dân và các cơ quan, đơn vị) ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Cùng với nhiệm vụ trên, các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan. Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, quyết định việc cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố phối hợp các cơ quan liên quan chủ động chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; triển khai công tác bảo đảman toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, hạn chế tối đa thiệt hại.
Tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm đối với các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là những hộ dân buộc phải sơ tán do ngập lụt, sạt lở, các hộ dân ở khu vực bị ngập sâu chia cắt, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở. Kịp thời tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để hỗ trợ người dân sơ tán và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống. Chỉ đạo công tác khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường, khôi phục các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, học tập của học sinh ngay sau khi lũ rút…
|
Ngày 15-11, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kịp thời cứu sống vợ chồng một gia đình ở thị xã Hương Trà sau vụ sạt lở đất vào nhà. |
Cập nhật về thiệt hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 17h ngày 15-11, mưa lũ đã làm 2 người chết, 3 người mất tích. Trong đó, tỉnh Quảng Trị 1 người chết, 2 người mất tích; tỉnh Thừa Thiên - Huế 1 người chết và 1 người mất tích.
Về tình hình ngập lụt, tỉnh Quảng Bình còn 6 thôn, bản (thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) bị chia cắt. Tỉnh Quảng Trị còn 3 huyện bị ngập từ 0,2 đến 1m, bao gồm Đắk Rông, Triệu Phong, Hải Lăng. Tỉnh Thừa Thiên - Huế còn 8 huyện, thị xã, thành phố bị ngập từ 0,3 đến 1,5m, bao gồm: Huế, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Nam Đông, Phú Lộc…