Thủ tướng chỉ đạo tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

Google News

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành và lãnh đạo địa phương trực tiếp chỉ đạo, phụ trách công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 33/CĐ-TTg đánh giá một số ngành, lĩnh vực chưa quán triệt, ưu tiên nguồn lực triển khai, để xảy ra sự cố gây mất an toàn thông tin mạng và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn không gian mạng Việt Nam.
Trong khi đó tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền (ransomware) tăng mạnh gần đây và được dự báo có thể diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ TT&TT hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước trước ngày 11/4; hướng dẫn các cơ quan chủ trì các lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng tổ chức rà soát, đánh giá và báo cáo tình hình bảo đảm an toàn thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp trước ngày 20/4.
Thu tuong chi dao tang cuong bao dam an toan thong tin mang
Công điện của Thủ tướng cho biết, tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền (ransomware) tăng mạnh. 
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành và lãnh đạo địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, phụ trách công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng. Trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan quản lý, các đầu mối này phải tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, gửi kết quả về Bộ TT&TT trước ngày 30/4.
Các hệ thống thông tin do tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp có phạm vi, ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội phải được bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức độ cao nhất.
Thủ tướng lưu ý lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng nếu hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý không bảo đảm an toàn thông tin mạng, để xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Trường hợp xảy ra sự cố tấn công mạng, cần kịp thời báo cáo sự cố về cơ quan chủ quản, đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp và cơ quan điều phối quốc gia, các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng quản lý an ninh mạng.
Tuân thủ sự điều phối ứng cứu sự cố của cơ quan điều phối quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc: thu thập, phân tích thông tin; xử lý, khắc phục sự cố; xác minh nguyên nhân và truy tìm nguồn gốc; phát ngôn và công bố thông tin…
Báo cáo đầy đủ thông tin về sự cố, thiệt hại và các thông tin liên quan về cơ quan điều phối quốc gia, đồng thời tổng kết, phân tích, đánh giá, rút ra bài học và báo cáo về cơ quan điều phối quốc gia để tổng hợp, phổ biến.
Ngoài nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ Giao thông vận tải, Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng UBND TP HCM và Hà Nội thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương này phải hoàn thành phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn cho 100% hệ thống thông tin trong tháng 9, và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt.
 
Cảnh báo sớm và ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng
Công điện của Thủ tướng chỉ đạo: Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm và ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.
Tổng hợp kết quả phân tích, đánh giá, rút ra bài học từ hoạt động ứng cứu sự cố; công bố, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến kinh nghiệm, giúp các tổ chức, cá nhân nhận biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố tương tự và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng.
Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, tổ chức Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để xảy ra sự cố mất an toàn thông tin mạng.
Phát triển, vận hành, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin để quản lý và thực thi pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn thông tin mạng, nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Nguyễn Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)