Đóng góp của đội ngũ doanh nhân vô cùng quan trọng
Điểm lại những kết quả tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, sự khởi sắc tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân vô cùng quan trọng đối với việc góp ý xây dựng thể chế chính sách, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 - Ảnh: VGP
|
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Hiện Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ doanh nghiệp nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt qua khó khăn.
Bảo vệ doanh nhân chân chính, không dung túng hành vi sai trái, lừa đảo
Đề cập tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường, trong nước có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt do tác động của tình hình địa chính trị, khó khăn của kinh tế toàn cầu, Thủ tướng cũng nói rằng, xử lý những bất cập, tồn tại của thị trường tài chính nhất là trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, nhà đầu tư.
Thủ tướng khẳng định, sẽ không dung túng hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng niềm tin, tài sản của nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa.
"Chính phủ sẽ thực hiện nhiều giải pháp, như: điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp, bảo đảm tăng tín dụng hợp lý và hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng khẳng định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình kinh doanh.
Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát triển mạnh các loại thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp đặc biệt tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển; tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội theo hình thức hợp tác công - tư.
Phát triển, lành mạnh hoá, củng cố niềm tin nhà đầu tư với các thị trường trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ, bất động sản. Thông điệp rất rõ của Đảng và Nhà nước là không hình sự hoá các quan hệ dân sự và bảo vệ những doanh nhân kinh doanh chân chính nhưng không thể dung túng những hành vi sai trái, lừa đảo để ảnh hưởng niềm tin, tài sản của Nhân dân và văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân chân chính.
“Tôi kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân cùng nhau chia sẻ, bảo vệ cái đúng, xử lý cái sai. Việc xử lý người sai, người vi phạm để bảo vệ người làm đúng, bảo vệ sự công bằng, minh bạch và hiệu quả của những người làm theo luật pháp”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng yêu cầu VCCI phát huy truyền thống gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, đóng góp tích cực, hiệu quả và luôn đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các hiệp hội doanh nghiệp phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, vai trò trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp thành viên thích ứng với tình hình mới.
Doanh nghiệp sẽ đề cao, thượng tôn pháp luật
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, cả nước hiện có trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 15.000 hợp tác xã phi nông nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Số lượng doanh nhân tương ứng đã lên đến hàng triệu người. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 15 triệu lao động. Đội ngũ doanh nhân giữ vai trò là lực lượng chủ lực trong quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu quốc dân và xuất khẩu, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.
Doanh nhân Trần Bá Dương - một trong 10 doanh nhân tiêu biểu cho biết, khi đại đa số đã cùng chống dịch và phát triển, duy trì sản xuất, kinh doanh, cũng có doanh nghiệp đã trục lợi trong đại dịch, vượt quá quy định của pháp luật và lâm vào vòng lao lý. Là đại diện doanh nhân tiêu biểu, thời gian tới, ông Dương cam kết sẽ tập trung vào dự án, ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế chung của đất nước. Đồng thời khẳng định, doanh nghiệp cũng sẽ đề cao, thượng tôn pháp luật, nghiêm túc và gương mẫu thực hiện công bằng, minh bạch, liêm chính.
Nhân dịp này, VCCI cũng trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" năm 2022 cho 60 doanh nhân, trong đó có 10 người được vinh danh TOP10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu gồm: ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Trường Hải; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 11, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Cty Thành An, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty 789; Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO; bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Cty CP thực phẩm Sữa TH; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG - BRG GROUP; ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings; ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Lộc Trời; ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành Cty CP Tập đoàn Công nghệ CMC; ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Minh Long 1.
>>> Mời độc giả xem thêm video Doanh nhân Bỉ xây dựng sự nghiệp nhờ nước dừa Bến Tre: