Thu phí ô tô vào nội đô: Quy định chưa cụ thể… dễ dẫn đến lạm thu

Google News

Thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội, TPHCM chưa quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật, có thể dẫn tới lạm thu, không công khai, minh bạch.

Đề xuất lập 87 trạm thu phí ô tô vào Hà Nội vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Mới đây, Sở GTVT TP HCM cũng vừa có ý kiến gửi UBND TP về việc nhà đầu tư đề xuất lập dự án "Thu phí hạn chế ùn tắc giao thông đối với xe ô tô lưu thông vào nội đô TP HCM".
Có thể dẫn tới lạm thu, không công khai, minh bạch
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho rằng, đối chiếu với quy định pháp luật, Phí được quy định là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này (Khoản 1 Điều 3 Luật Phí và Lệ phí 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017).
Tra soát theo danh mục đính kèm, “Phí vào nội đô”, “phí hạn chế phương tiện vào trung tâm thành phố” hay được một số người gọi là “phí ùn tắc giao thông” không nằm trong danh mục được quy định tại luật này.
Thu phi o to vao noi do: Quy dinh chua cu the… de dan den lam thu
Ảnh minh họa. 
Tuy nhiên, theo nội dung tại Nghị quyết 115/2020/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội thì HĐND thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố một số khoản phí phù hợp với đặc điểm của thành phố, trong đó có Phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.
Đối với TP HCM, tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 “về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh", cũng cho phép thành phố được áp dụng một số loại Phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục Phí và lệ phí.
Dù vậy, theo luật sư Tú, việc áp dụng thu thêm loại phí này có nguy cơ gây khó khăn cho nhu cầu đi lại của người dẫn cũng như loạn phí, phí chồng phí, làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho người dân bởi trước đó, người dân đã đóng rất nhiều các loại thuế, phí khác liên quan đến ô tô như: Thuế nhập khẩu ô tô, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ, đăng kiểm, phí giao thông đường bộ, phí cầu đường…. Đặc biệt là đối với những cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải, nên cần tính toán kỹ lưỡng mức phí sao cho phù hợp thực tế (nhu cầu đi lại, thu nhập…) cũng như phù hợp với quy định của pháp luật.
Hơn nữa, việc thu phí này do chưa được quy định cụ thể rõ ràng tại các văn bản pháp luật nên có thể sẽ dẫn tới việc lạm thu, không công khai, minh bạch.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, trên thực tế, việc thu phí này trong thời điểm hiện nay là không thực tế và thiếu tính khả thi bởi đề xuất trên được đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước ngoài, nhưng các nước này là những quốc gia có hệ thống giao thông công cộng phát triển và đồng bộ, người dân có nhiều sự lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp cũng như khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Nói đến Hà Nội, hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, còn nhiều bất cập, chưa được áp dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật mới nên việc áp dụng cùng một phương pháp vào hai điều kiện, cơ sở hạ tầng khác nhau thì khó mà khả thi. Do đó cần tiếp xúc xem xét, nghiên cứu toàn diện đưa ra những giải pháp khác thực tế hơn để giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông.
Thu phí phương tiện cá nhân thì phải phát triển phương tiện công cộng
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội việc dự kiến thu phí ô tô vào nội đô sáng 30/10, Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, ở các đô thị lớn, khi hạ tầng quá tải thì chuyện thu phí cũng là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề bàn đến là thực hiện ở thời điểm nào, trong bối cảnh nào.
Ông Cường dẫn ví dụ, khi thu phí thì phải phát triển hệ thống giao thông công cộng để cho người dân có lựa chọn tốt hơn. Thứ hai là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, cả doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng rất lớn, việc phải chịu thêm chi phí cho các khoản phí cần được cân nhắc kỹ.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, lâu dài cần phải thực hiện, cùng với thu phí phương tiện cá nhân thì phát triển hệ thống phương tiện công cộng. Hiện nay quỹ đất giao thông đô thị của Việt Nam đang thấp, kể cả đường giao thông, đặc biệt giao thông tĩnh nên cần phải đầu tư để mở rộng.
Dẫn ví dụ từ Hàn Quốc, quốc gia này quy định nếu người dân đăng ký khi ô tô đi trong nội đô thì phải đóng một khoản tiền, mua trái phiếu để cùng tham gia đầu tư xây dựng đường tàu điện ngầm, Đại biểu Cường cho rằng, việc này là phù hợp bởi với những người đi phương tiện cá nhân, cần phải đóng góp để có nguồn đầu tư cho người dân đi phương tiện công cộng. Đây được xem là phương thức huy động nguồn lực để mở rộng đầu tư cho các không gian giao thông công cộng. Ông Cường cho rằng, ngoài ngân sách của nhà nước đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông thì việc thu phí để tái đầu tư các hạ tầng giao thông khác cũng là một phương án khả thi mà chúng ta cân nhắc.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm, nếu Hà Nội đặt mục tiêu thu phí vào nội đô, thì tới nay đến năm 2025 là thời gian ngắn để nâng cấp, đồng bộ hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội.
Về mức giá thu phí vào nội đô, đại biểu Cường cho rằng, cần phải trên cơ sở nghiên cứu lợi ích của cá nhân sử dụng phương tiện cá nhân và người sử dụng phương tiện công cộng. Giá thu phí này thuộc về lĩnh vực dịch vụ công, sẽ được cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành phù hợp.
Tính toán để tránh việc phí trùng phí
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở (GTVT Hà Nội) cho biết, thu phí xe cơ giới đi vào một số khu vực hay ùn tắc giao thông là một loại phí người điều khiển xe cơ giới phải trả nếu cố tình đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc trong hoàn cảnh không thật sự cần thiết. Mức thu này nhằm điều chỉnh hành vi, để lần sau nếu không cần thiết thì họ không cần đi vào, hoặc nếu phải đi qua có thể chọn đường tránh.
“Chúng tôi xây dựng đề án thu không nhằm để tăng ngân sách mà là một biện pháp tài chính để tác động thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, góp phần giảm lượng xe đi vào khu vực trung tâm”, ông Viện nói và cho biết, việc thu phí thế nào cũng phải đảm bảo đủ chi cho việc vận hành các trạm thu phí, mức thu phí phải đủ điều kiện để tác động đến hành vi của người tham gia giao thông, nếu thấp quá thì không tác động đến hành vi.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, để xác định đối tượng thu phí, chúng tôi cũng tính toán làm sao để không tăng chi phí xã hội lên và tránh việc phí trùng phí.
Theo đó, đối tượng thu phí không bao gồm xe vận tải hàng hoá. Chỉ thu phí đối với vận tải hành khách; đặc biệt là xe cá nhân không cần thiết đi vào vùng thu phí. Đồng thời, phạm vi thu phí; nguyên tắc xác định mức phí, điều kiện triển khai thu phí và lộ trình thực hiện cũng được tính toán kỹ.
Theo tính toán từ cơ quan chức năng, 20% số lượng phương tiện có thể đi tránh, còn lại có thể thu phí được. Trên cơ sở này các đơn vị xây dựng đề án tính đưa ra mức sàn, còn mức trần đủ để thay đổi hành vi có thể từ 50.000đ-100.000đ và với mức 100.000đ trở lên, mới có tác dụng thay đổi hành vi. Khung mức phí này được tính toán làm căn cứ để xây dựng dự án đầu tư, song phải căn cứ vào thực tế thì mới có mức thu chính xác ở từng giai đoạn.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ Hà Nội:

Nguồn: PLO

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)