Thông tin mới nhất về tình hình thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, báo cáo nhanh của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên, thống kê tình hình ngập lụt và thiệt hại bước đầu tính đến ngày 04/11/2016 cho thấy:
Mưa lũ đã làm 6 người chết (Quảng Bình: 3 người, Quảng Trị: 2 người, Đắk Lắk: 1 người), 7 người mất tích (Quảng Bình: 1 người, Phú Yên: 6 người). Thiệt hại về tài sản: 35 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, 45 nhà bị hư hỏng, 1.793 nhà bị ngập nước (Hà Tĩnh: 80 nhà, Huế 13 nhà, Quảng Ngãi 19 nhà, Bình Định 1.450 nhà, Gia Lai 186 nhà).
|
Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã để lại những thiệt hại nặng nề. Ảnh: Đậu Thành Trung. |
Khoảng 1.920ha lúa và 1.370ha hoa màu, cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm, cây ăn quả bị ngập, hư hỏng, 243 con gia súc, 29.120 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Thống kê cũng cho thấy, 1.450m đê dưới cấp IV, 874m kè, 29 đập, cống và một số đoạn đê bao ngăn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp bị xói lở, hư hỏng. Một số đoạn thuộc các tuyến đường quốc lộ/ tỉnh lộ: QL 15, ĐT 559, ĐT 564B (Quảng Bình); QL29, ĐT.641, ĐT.642, ĐT.644, ĐT.650, ĐT.647 (Phú Yên); ĐT.676, ĐT.673 (Kon Tum); QL 25 đoạn qua xã Ia Sao, đỉnh Đèo Tô Na (Gia Lai) hiện vẫn đang bị ngập, giao thông chia cắt. Một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã thuộc các huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), T.P Nha Trang (Khánh Hòa); huyện M’Drak, Krông Bông; Thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa, huyện Ia Pa, huyện Kbang, thị xã An Khê (Gia Lai) hiện vẫn bị ngập cục bộ sâu từ 0,4 – 1,5m.
Riêng tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 4/11/2016, tình hình mưa lũ đã gây thiệt hại về người và tài sản như sau: Về người: 3 người chết, 1 người bị mất tích, 14 người bị thương; Về nhà ở: 4 nhà bị sập đổ, 7 nhà bị hư hỏng; 35 điểm trường bị ảnh hưởng; 500m đê cấp IV bị sạt lở, hư hỏng; Về thủy lợi: 3 đập và 2 cống bị hư hỏng; Về giao thông: 2300m đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ bị hư hỏng; 4 tàu đánh bắt cá bị chìm, ước tính thiệt hại 55 tỷ đồng.
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, trước diễn biến phức tạp của đợt mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, từ ngày 3/11 đến ngày 4/11, đoàn công tác của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Ủy viên thường trực – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đề nghị Hà Tĩnh cần khẩn trương khắc phục hậu quả của 2 đợt mưa lũ vừa qua đồng thời lưu ý địa phương sớm xây dựng bản đồ ngập lụt, kịch bản xả lũ Thủy điện Hố Hô, khi xả lũ các hồ chứa phải có sự giám sát của chính quyền địa phương và người dân.
Về công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả mưa, lũ khu vực miền Trung, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương, ban ngành tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người chết, bị thương theo quy định. Tổ chức hỗ trợ nước uống, lương thực, chăn màn và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác, kiên quyết không được để người dân bị khát, đói, rét. Tổ chức dọn dẹp bùn đất, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước đối với những khu vực nước đã rút (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT. Huế). Khẩn trương khắc phục các sự cố giao thông, thủy lợi,… để sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Hồ chứa thủy lợi, thủy điện: Các chủ hồ theo dõi sát diễn biến mưa, lũ để thông báo, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp nhằm đảm bảo thông tin kịp thời khi điều tiết xả lũ. Tiếp tục thực hiện nội dung Công điện 1925/CĐ-TTg, số 34/CĐ-TW ngày 01/11/2016.