Gần 10 năm qua, hàng trăm hộ dân đã phải gánh chịu hậu quả từ chính nhà máy Thép Hòa Phát khi môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn, không khí và nước thải. Họ nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng tình trạng không thay đổi.
Đeo khẩu trang trong nhà vì bụi khủng khiếp
Theo ghi nhận của PV Kiến Thức, hàng trăm nóc nhà dân dù mái ngói, mái tôn đủ các màu nhưng đều bị nhuộm kín một màu xám đen do bụi. Người dân cho rằng đó là những ảnh hưởng từ hoạt động của Nhà máy Thép Hòa Phát dễ quan sát thấy bằng trực quan. Bụi phủ kín mái nhà, bụi loang lổ trên tường, trước sân nhà, bụi bám đen trên các cây trồng trong vườn nhà. Bụi là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân nơi đây.
|
Hình ảnh cột khói đen sì từ nhà máy Thép Hòa Phát được người dân ghi lại. |
|
Nhà máy Thép nằm quá gần khu dân cư. |
Một người dân sống sát cạnh nhà máy thép Hòa Phát cho biết: “Bụi và tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước khiến môi trường sống của chúng tôi trở lên ngột ngạt với những nỗi lo bệnh tật. Cứ mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên tôi làm là quét bụi trên trần nhà, dưới sân. Những hạt bụi chứa mạt sắt thành lớp, dù quét cũng không thể hết được”.
Dẫn PV lên nóc trần nhà, những lớp bụi từ nhà máy thép Hòa Phát phủ kín xếp lớn dày đặc. Quan sát xung quanh, nhiều mái nhà của các hộ dân cũng trong cảnh tương tự. Những quả bưởi bằng nắm tay xám đầu rồi rụng dần, nhiều cây trái không ra được quả. Ở ngay trong chính căn nhà, trẻ em người lớn đều phải đeo khẩu trang.
Ông Nguyễn Thắng Đây (người dân xóm 4, thôn An Cường, xã Hiệp Sơn) từng là Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn nhiều năm qua rất bức xúc trước việc môi trường sống của người dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ khi nhà máy Thép Hòa Phát đưa vào hoạt động.
|
Bụi phủ lớp trên nóc nhà một hộ dân gần nhà máy Hòa Phát. |
“Điều chúng tôi lo lắng nhất là ô nhiễm không khí khi bụi bao trùm khu dân cư. Có thời điểm, cách đây mấy năm, người dân thu được hơn 70 kg mạt sắt. Khi đó, Công an Môi trường tỉnh Hải Dương đã về chuyển đi và Hòa Phát bị phạt hơn 200 triệu.”, ông Nguyễn Thắng Đây cho hay.
|
Bụi bao phủ khắp nơi. |
Trước tình trạng đó, tại hội nghị tiếp xúc cử tri, người dân chúng tôi cũng phản ánh bởi chúng tôi lo lắng cho những con trẻ mắc bệnh tật. Nhiều người địa phương chết do bệnh ung thư mà càng trẻ càng chết nhiều. Tuy nhiên, các ngành chức năng trong báo cáo của mình đều cho rằng “các chỉ số vẫn ở ngưỡng cho phép”, ông Nguyễn Thắng Đây chia sẻ.
Clip ông Nguyễn Thắng Đây nói về môi trường bị ô nhiễm.
Người dân xã Hiệp Sơn còn phản ánh việc vị trí nhà máy Thép đặt quá gần khu dân cư có nơi chỉ cách gần 100 mét dẫn đến việc người dân phải chịu khói bụi dày đặc, tiếng ồn quá lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng...
Bụi trong ngưỡng... cho phép
Đem nỗi thống khổ của người dân xã Hiệp Sơn, PV đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn - ông Trần Văn Chương. Theo lời ông Chương, người dân họ có phản ánh về việc Nhà máy Thép Hòa Phát trực tiếp lên Hội đồng nhân dân huyện Kinh Môn và trong các buổi tiếp xúc cử tri tại địa phương.
“Tuy nhiên các đoàn về kiểm tra đều trong ngưỡng hết” - Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn – Trần Văn Chương cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn – Lê Văn Bí, năm 2017, UBND huyện Kinh Môn đã đưa công ty Hòa Phát vào danh sách các cơ sở có phản ánh, kiến nghị của nhân dân, các cơ sở có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, Sở TNMT tỉnh Hải Dương kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thanh tra, xử lý.
“Mới đây, tại Nhà máy Thép Hòa Phát đã xảy ra sự cố bục ống dẫn của hệ thống lọc bụi do vậy đã xả ra môi trường khoảng độ gần 3 phút. Tuy nhiên, việc người dân phản ánh là có. Hiện Hòa Phát đã dừng toàn bộ nhà máy đó để tiến hành sửa chữa. Còn việc xả ra đó, Phòng Cảnh sát điều tra về môi trường đã về làm rõ và những bụi đó vẫn nằm trong ngưỡng cho phép”, ông Lê Văn Bí nói
Theo báo cáo của UBND huyện Kinh Môn, khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát tại xã Hiệp Sơn (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) từ khi đi vào hoạt động đã xảy ra nhiều sự cố về môi trường. Thế nhưng, báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hải Dương lại khẳng định Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương trong quá trình hoạt động đã cơ bản chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, thực hiện đầu tư các công trình xử lý chất thải cũng như thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý chất thải trong quá trình hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, người dân xã Hiệp Sơn không có niềm tin từ những báo cáo mang tính chất điệp khúc “các chỉ số vẫn ở ngưỡng cho phép” được nhắc đi nhắc lại, bởi hàng ngày họ vẫn phải chịu đựng tiếng ồn và mạt thép bao phủ khắp không khí.
Năm 2011, Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường đã xử phạt 210 triệu đồng do đưa công trình vào sử dụng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận, không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc với chất thải khác, không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại, không dán nhãn theo quy định.
Năm 2015, Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp tục xử phạt 270 triệu do hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường và yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục hậu quả.