Báo Lao Động số 93 ra ngày 24.4 có bài viết “Xem video kiếm tiền - trò lừa đảo mới” đề cập vấn đề, trong trong lúc nhàn rỗi vì giãn cách xã hội, nhiều người lên mạng, bị dụ vào trò mới: Chỉ cần nộp 250.000 đồng đăng ký tài khoản rồi cứ chỉ ngồi xem video, là tiền về “đầy túi”. Song, sau khi cày view, người chơi không rút được tiền, còn website, và admin mất hút. Báo Lao Động tiếp tục nhận được nhiều đơn tố cáo, phản ánh từ bạn đọc từ nhiều tỉnh thành về việc họ bị lừa dụ vào trò lừa đảo “xem video kiếm tiền”.
Bẫy lừa “ngồi mát ăn bát vàng”
Một ngày giữa tháng 4, từ lời giới thiệu của người bạn, anh Đỗ Minh Trung (sinh năm 1995, ngụ tại phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, TPHCM) biết tới website: videokiemtien.com. Theo đó, anh Trung mở tài khoản với phí 250.000 đồng, xem các video có sẵn trên trang web là sẽ được trả tiền. “Chỉ cần xem video là bên web sẽ trả tiền. Cứ 10 giây được 50 đồng. Mỗi ngày họ cung cấp khoảng 7 - 10 video cho mình xem. Bao giờ đủ 250.000 đồng thì được rút tiền” - anh Trung cho biết. Ngoài việc xem video, người dùng còn có thể kiếm tiền bằng cách mời thêm người vào hệ thống. Theo đó, cứ giới thiệu được thêm một người mở tài khoản thì người mới sẽ được 10 nghìn đồng và người giới thiệu được 70 nghìn đồng.
Nội dung các video theo chia sẻ thường là ca nhạc, tiểu phẩm hài hoặc phim truyện, thời lượng thường dăm bảy phút, có video lên tới hàng tiếng đồng hồ. Hầu hết người dùng như anh Trung đều không quan tâm đến nội dung, họ chỉ mở trang web lên, để tự động chạy rồi chuyển sang việc khác.
“Cày” video đến ngày thứ 4, thấy đủ 250.000 đồng tiền vốn, anh Trung quyết định rút tiền. Tuy nhiên, lệnh rút mãi không thực hiện được. Cố gắng liên hệ với số điện thoại 0343921xxx trên website cầu cứu sự hỗ trợ nhưng “thuê bao không liên lạc được”. Vài ngày sau, trang web cũng không còn hoạt động. Lên mạng tìm hiểu, anh Trung phát hiện, cả nghìn người cũng đang trong tình trạng như mình.
Đáng nói, không chỉ có website videokiemtien.com, nhiều website như tienvetienve.com, tienvedennha.com, kiemtienonl.com cũng đang bị tố cáo lừa gạt người tham gia. Các website này sau một thời gian dụ người dùng tích cực nạp tiền mở tài khoản, cày view cho video thì đến nay hầu hết đã ở trong tình trạng không thể truy cập được.
Chị Hoàng Phủ Ngọc Ánh (sinh năm 1992, Đồng Nai) đã sử dụng cùng lúc tới 3 tài khoản trên website videokiemtien.com, đồng thời chuyển 750.000 đồng phí dịch vụ nhưng sau đó cũng không rút được tiền về.
Trao đổi với phóng viên, chị Lâm Thị Ngọc Anh (sinh năm 1993, Mường Thanh, Điện Biên Phủ) - hiện đang ở trọ tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Tôi là nhân viên bán hàng, khi thực hiện giãn xã hội tôi được một người giới thiệu công việc có thể kiếm tiền trực tuyến trên website tienvetienve.com. Chúng tôi đăng ký tài khoản thành công và chuyển khoản 250.000 đồng phí để kích hoạt, số tiền này được gửi vào tài khoản: 19031526040019 - NH Techcombank Chi nhánh Vĩnh Phúc tên chủ tài khoản Nguyễn Thị Thanh Hoa”. Cũng như những nạn nhân trên, chị Ngọc Anh cày view và khi rút tiền ra thì tiền không đổ về tài khoản. Liên lạc với số điện thoại của Admin thì đã tắt máy.
Anh Nguyễn Việt Hoàng ở Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bị mất tiền oan. Anh Việt Hoàng cho biết: “Thời điểm tôi thành lập tài khoản thì ước chừng cũng có khoảng 10.000 người cùng bị lừa giống như tôi. Ban đầu, để lấy lòng tin của người dùng, họ tung ra chiêu thức có một vài người nhận được tiền từ quá trình xem video. Trong khoảng 10.000 người thì khoảng 1.000-2.000 người nhận được tiền, còn lại là mất trắng. Từ những người nhận được tiền tạo lòng tin cho người khác ồ ạt tham gia. Người giới thiệu cho tôi đã từng làm “chuột bạch” và nhận được tiền duy nhất 1 lần”.
Vẫn nhan nhản lời mời chào trên mạng
Cũng gửi đơn tố cáo đến Báo Lao Động, chị Trần Thị Bích Loan (Khu đô thị Hoàng Long, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) cho biết, sau khi tạo tài khoản xong, bước tiếp theo website này có sử dụng mục mã giới thiệu, mã giới thiệu này nhằm khi mình mời bạn bè vào và nhập mã ấy thì tài khoản của mình sẽ được cộng thêm 70.000 đồng.
“Tôi đã kiểm tra thử và đúng là ngày hôm sau có nhận được tiền, nhưng vài ngày sau khi lượt người truy cập tăng đột biến (hiện tại đã lên tới 20.000 người đăng ký), tôi nhận thấy website bắt đầu có dấu hiệu lừa đảo như: Chuyển tiền để đăng ký tài khoản nhưng không được xác nhận, rút tiền từ website nhưng không về, tạo lệnh rút tiền thành công nhưng không có lịch sử giao dịch và không có tiền về,...” - chị Loan cho biết.
Chị N.T.N (29 tuổi, trú tại Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương) cũng là nạn nhân của website kiếm tiền. Chị N cho biết, cách đây 1 tuần, trong bữa ăn giữa ca, chị được một đồng nghiệp cùng công ty giới thiệu hình thức kiếm tiền nhanh qua mạng. Người này khẳng định đã kiếm được rất nhiều tiền qua hệ thống videokiemtien.com. Bản thân chị N. đang một mình nuôi con nhỏ hơn 1 tuổi, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên khi được giới thiệu cách kiếm tiền, tăng thu nhập, chị N. rất hứng thú, mong muốn kiếm thêm tiền mua sữa, bỉm cho con. Chưa kể, website có đăng cả số điện thoại, địa chỉ facebook nên chị N. cảm thấy khá tin tưởng.
Một nạn nhân khác ở TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - anh Đỗ Quốc Trưởng cho biết, sau khi “cày” được khoảng 1.000.000 đồng, anh không thể liên lạc được với admin, trong khi các website xóa sạch các dấu vết, rồi lại xuất hiện các website lừa đảo khác. Theo anh Trưởng, với những gì mà các nạn nhân chia sẻ riêng trong nhóm của anh, thì số lượng nạn nhân lên tới ít nhất 13.000 người, bởi căn cứ vào các mã số khi đăng ký tham gia. Mã số của anh Trưởng là 8.561.
Việc yêu cầu người dùng chuyển tiền, xem video, mời thêm người tham gia hệ thống để hưởng lợi nhuận đặt ra nhiều nghi vấn về hình thức đa cấp ảo trên mạng. Ở đó, những người lập ra hệ thống sẽ thu hút lượng vốn trên quy mô rộng, tăng cường mạng lưới thành viên bằng các hứa hẹn về chiết khấu “hoa hồng” nhưng đến một ngày đột ngột “mất tích”.
Trao đổi với PV Lao Động, một đại diện Cục An ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho hay, theo diễn biến của sự việc thì đã có dấu hiệu lừa đảo.
Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), đầu tư trên những trang mạng không rõ nguồn gốc có thể trở thành công cụ để thực hiện hành vi rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài bất hợp pháp. Trong khi nhiều hoạt động huy động vốn có dấu hiệu lừa đảo và ngày càng biến tướng, luật sư khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, xem xét kỹ lượng trước khi bỏ vốn đầu tư vào bất cứ hoạt động nào trên mạng.
“Nhà đầu tư không nên tham gia những hoạt động như vậy, bởi nếu có rủi ro xảy ra thì không được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần xem xét, chú ý những giao dịch qua tài khoản đáng ngờ khi số tiền giao dịch quá lớn và phải báo cáo ngay cho ngân hàng nhà nước biết” - luật sư Lực cho biết.