Hiện nay, trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đang thông tin rầm rộ về vụ clip thân mật của cô giáo và học sinh ngay trong lớp học. Cụ thể, tối 30/9, mạng xã hội xuất hiện 1 clip quay cảnh một đôi nam nữ có cử chỉ thân mật, phản cảm ngay tại bàn giáo viên trong lớp học. Clip bị cộng đồng mạng chia sẻ nhanh chóng, gây xôn xao trong dư luận.
|
Ảnh cắt từ clip |
Nhân vật trong clip sau đó được cơ quan chức năng xác minh là cô giáo và một nam sinh lớp 10 của Trường THPT Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội.
Theo bà Bùi Thùy Linh - Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn, ngay khi clip giáo viên và học sinh thân mật trong lớp được đưa lên mạng xã hội tối 30/9, nhà trường đã làm việc với các bên liên quan. Bước đầu xác minh, sự việc không như mạng xã hội đồn thổi.
Theo đó, qua tường trình của giáo viên, học sinh, nhà trường xác định những hình ảnh không chuẩn mực trong clip xuất phát từ hành vi trêu đùa quá trớn của học sinh T.N.M.Đ.
Học sinh và giáo viên ở gần nhà nhau và có quen biết từ trước. Hôm xảy ra sự việc là sáng ngày 27/9, giáo viên có 2 tiết dạy liền nhau. Trong tiết 1, học sinh mất trật tự, không tập trung vào bài học khiến giáo viên không hài lòng. Do đó, vào giờ giải lao, thấy giáo viên ở lại lớp, em T.N.M.Đ. đã lên ngồi cạnh và trêu đùa với mục đích làm cô vui trở lại. Tuy nhiên, hành vi trêu đùa của em không đúng mực. Khi được quay lại ở góc quay ngang, hành vi đó gây phản cảm và hiểu lầm.
Trong buổi làm việc với nhà trường, em T.N.M.Đ. nhận sai khi không ý thức được hành vi của mình là không phù hợp. Phụ huynh của em T.N.M.Đ. cũng nhận thức được vi phạm của con, cam kết sẽ nhắc nhở, điều chỉnh hành vi của con để tránh những hậu quả đáng tiếc. Gia đình em T.N.M.Đ. không đặt ra bất kỳ nghi vấn nào về phía giáo viên. Đồng thời, gia đình đồng ý với hình thức xử lý của nhà trường.
Vị lãnh đạo nhà trường cũng khẳng định, góc quay chéo trong clip khiến mạng xã hội hiểu lầm về sự việc. Học sinh K.T.M (người quay clip) cũng nhận thức được hành vi của bản thân là sai do thời điểm đó, chỉ nghĩ rằng quay clip để trêu bạn.
Bà Bùi Thùy Linh cho biết, khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng, nhà trường giữ quan điểm luôn bảo vệ danh dự của học sinh và giáo viên.
Nhìn nhận về sự việc này, một tiến sĩ- chuyên gia về Tâm lý, Giáo dục của Trường ĐHSPHN cho rằng, lĩnh vực giáo dục đang bị soi quá khi hòa vào cuộc sống đại trà. Hiện nay, thói quen sử dụng điện thoại ghi âm, chụp ảnh... là rất phổ biến Tuy nhiên, chúng ta đang quá lạm dụng công nghệ, thiết bị... Thực tế, có giảng viên vừa dạy xong một tiết học, đã thấy ảnh mình bị sinh viên chụp đăng khắp facebook. Chính vì thế, giảng viên/giáo viên giờ lên lớp giảng dạy luôn sợ lời nói, tác phong, bài dạy… bị “phanh thây". Vì không biết sinh viên/ học sinh của mình có cắt đoạn nọ đoạn kia, hay chụp lại một tác phong không đẹp nào đó…rồi đưa lên mạng? Chính sự lạm dụng công nghệ ấy đã phần nào làm ảnh hưởng đến sự tự chủ của nhà giáo.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, ở các nước phát triển, học sinh/sinh viên bị cấm sử dụng điện thoại di động, đồng hồ thông minh và máy tính bảng tại trường nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học … Đã đến lúc chúng ta cần phải xây dựng lại văn hoá sử dụng công nghệ, văn hoá cho nhà giáo...
Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng, sự việc ở trường THPT Thạch Bàn cũng phải nhìn nhận cả trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường. Cha mẹ cũng cần phải kiểm điểm, giáo dục con cái để không xảy ra những hành vi phạm chuẩn. Hay nhà trường cũng cần trang bị thêm cho giáo viên trẻ những kỹ năng nghiệp vụ, hay văn hoá địa phương…
>>> Mời độc giả xem thêm video Đang quay clip, cô gái vô tình ghi được cảnh sét đánh ngay trước mặt: