Sáng 2/10, tại Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức lễ phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024. Với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời,” tuần lễ được tổ chức từ ngày 1 đến 7/10.
Với chủ đề thúc đẩy văn hóa đọc, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 của Hà Nội sẽ có nhiều hoạt động như tổ chức hội sách, thành lập câu lạc bộ đọc sách, đổi mới thư viện trường học...
|
Học sinh Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội tìm đọc những cuốn sách hay. Ảnh KTĐT |
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, đọc sách là cách học tốt nhất để tiếp thu nền văn hóa của thế giới. Đọc sách là biện pháp tốt nhất để thúc đẩy việc học tập suốt đời, từ đó xây dựng thành công xã hội học tập.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc đọc sách đã không còn giới hạn ở những cuốn sách bằng giấy mà người đọc có thể tìm kiếm tri thức ở những cuốn sách điện tử.
Qua 30 năm phát triển kinh tế thị trường, tỷ lệ đọc sách của người dân Việt Nam ngày càng giảm đi.
Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần,… Số lượng quyển sách đọc được khoảng 4 quyển/năm nhưng trong số đó đã có hơn 3 cuốn là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghĩa là người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/năm và thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ/ngày, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Theo ông Cương, đó là một thực trạng rất đáng báo động trong giới trẻ. Một phần nguyên nhân là do giới trẻ phải dành quá nhiều thời gian cho việc học nên những nhu cầu giải trí, trong đó có đọc sách, bị hạn chế. Mặt khác, văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc.
Theo đó, lễ khai mạc và phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời.
“Tôi kêu gọi các cấp lãnh đạo, các tổ chức và toàn xã hội cùng chung tay xây dựng một nền văn hóa đọc mạnh mẽ hơn, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài cho đất nước, cho Thủ đô ngày càng thịnh vượng và phát triển bền vững,” Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói.
Văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người. Cho đến nay đã có nhiều bài viết, nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của việc đọc đối với mỗi cá nhân và sự phát triển của xã hội. Bất cứ thời đại nào, cũng coi trọng việc đọc và đọc sách chính là phương pháp tự học hiệu quả nhất. Vì vậy, ngay từ khi ở bậc tiểu học, cha mẹ và thầy cô giáo hãy khuyến khích, hướng dẫn trẻ cách tìm kiếm sách, cách đọc sách sao cho hiệu quả. Điều đó sẽ giúp hình thành thói quen đọc sách và có thể khuyến khích giới trẻ đến với sách nhiều hơn.