Không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
Sáng 13/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc tại Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).
Cùng dự có: ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương… Về phía lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam có: ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Dự buổi làm việc còn có các nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, các nhà báo lão thành, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; cùng lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí…
Thay mặt giới báo chí cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai nhiệm vụ của người làm báo thời gian qua, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Với vai trò là nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ hội viên nhà báo, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp phần tổ chức, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn và toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực.
“Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và quy định của Nhà nước về công tác thông tin, báo chí; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, với nhiều sự kiện nổi bật khẳng định được vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam trong đời sống xã hội”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Theo ông Lê Quốc Minh, để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam và nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo các cấp tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển theo định hướng mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam nhận thức sâu sắc trách nhiệm của người làm báo, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến. Tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Đặt hàng báo chí phải có cơ chế tài chính rõ ràng
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang cho biết: Các cơ quan báo chí hiện nay tuân thủ thực hiện theo đúng các quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, do đây là Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính chung cho các đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, hoạt động báo chí, xuất bản có tính đặc thù. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần được cho phép xây dựng cơ chế tài chính riêng để bổ sung nguồn thu nhập cho phóng viên, biên tập viên và người lao động trong bối cảnh nguồn thu từ hoạt động báo chí, truyền thông đang sụt giảm nghiêm trọng.
“Đối với các đơn vị làm công tác thông tin đối ngoại, đặc biệt là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia, có nhiệm vụ truyền tải thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế cần được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoặc được Nhà nước đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên”, bà Vũ Việt Trang nói.
Nhân dịp này, lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng phát biểu cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Hội Nhà báo nói riêng và báo chí nước nhà nói chung; khẳng định tiếp tục nỗ lực phấn đấu đồng hành cùng đất nước trong mọi hoàn cảnh; đồng thời cũng phản ánh những khó khăn trong công tác Hội và hoạt động báo chí. Các đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, tiếp cận thông tin, có cơ chế tài chính phù hợp, tạo điều kiện phát triển kinh tế báo chí; tăng biên chế, chế độ, chính sách cho người làm công tác Hội; triển khai Kế hoạch hành động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam…
Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao những kết quả Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Nội vụ cũng cho rằng, báo chí đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong xu thế của công nghệ 4.0, chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ Nội vụ bày tỏ sự trăn trở làm sao để đổi mới được cơ chế quản lý đối với các cơ quan báo chí. “Chúng ta cần đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí từ cơ chế tài chính rõ ràng, để phát huy vai trò của Báo chí Cách mạng Việt Nam”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
“Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ, đặc biệt là trên các diễn đàn Quốc hội, chúng tôi đang cố gắng làm sao đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp. Muốn đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp thì phải đổi mới các cơ chế tài chính”, bà Trà chia sẻ và bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương trong việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp nói chung, đặc biệt, đối với đơn vị sự nghiệp là các cơ quan báo chí.
Muốn báo chí cách mạng thì phải đầu tư công nghệ cho báo chí
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang sửa các văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là các nghị định, thông tư về nhuận bút, định mức kinh tế kỹ thuật sao cho phù hợp với thị trường.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng một số nền tảng công nghệ dùng chung cho các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí nhỏ đang gặp khó khăn, hạn chế về ứng dụng công nghệ. Báo chí cách mạng cần phải là dòng chủ lưu trên không gian mạng, dẫn dắt thông tin trên không gian mạng. Thay vì viết nhiều bài thì viết các bài để dẫn dắt. 5% tin bài của báo chí phải dẫn được 95% còn lại. Mỗi cơ quan báo chí phải là nền tảng số để người dân tham gia cập nhật thông tin. Trước đây đầu tư vào con người thì nay đầu tư vào công cụ, công cụ trước đây là cây bút trang giấy thì nay là công nghệ, các nền tảng ứng dụng kỹ thuật số, đầu tư vào nền tảng số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến đầu tư vào các nền tảng cho các cơ quan báo chí, tăng cường đầu tư cho các cơ quan báo chí. Không có vũ khí thì không thể chủ động, muốn báo chí cách mạng thì phải đầu tư công nghệ cho báo chí.
“Quan tâm đến báo chí nước nhà cần quan tâm đến yếu tố chính trị, cả về con người và cả về kinh tế báo chí. Chúng tôi mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí, hiện nay, mỗi năm đầu tư cho báo chí là chưa đến 0,2% tổng chi đầu tư của ngân sách…”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị.
Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí, truyền thông
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cuộc làm việc nhằm chia sẻ, lắng nghe các ý kiến để hành động nhằm tăng cường và đổi mới quản lý Nhà nước với báo chí, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi, điều kiện tốt nhất có thể, tăng cường sức mạnh tinh thần và vật chất để báo chí, đội ngũ những người làm báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tinh thần là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Thủ tướng khẳng định, báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, phương tiện thông tin thiết yếu, món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội. Trong đó, Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Thủ tướng cũng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp Hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là sự sụt giảm về doanh thu, thu nhập, sự cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng xuyên biên giới và mạng xã hội...
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Hội Nhà báo các cấp và các cơ quan báo chí tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí; bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội; làm tốt vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch; đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; lên án cái xấu, cái ác, cái tiêu cực; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; phản bác thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai lệch sự thật; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
“Tuyệt đối không để trống, không nhường mặt trận nóng bỏng này cho các thế lực thù địch, các tổ chức phản động chống phá trên mọi lĩnh vực truyền thông, nhất là truyền thông số, mạng xã hội”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, các công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông; bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các phóng viên, nhà báo; hoàn thiện và thực hiện nghiêm pháp luật về báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí mà pháp luật quy định, bảo vệ nhà báo, quyền hành nghề hợp pháp, các lợi ích chính đáng của người làm báo…
Về chế độ chính sách cho người làm công tác Hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ nghiên cứu thêm để tiếp tục tháo gỡ khó khăn. “Vừa rồi, Chính phủ ban hành chế độ chính sách mới cho người làm công tác cơ sở, phải lắng nghe những phản ánh từ cơ sở… Chính sách cho công tác Hội, đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Về triển khai kế hoạch hành động hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đề nghị có kế hoạch, báo cáo các cấp có thẩm quyền. Về phía Chính phủ, chúng tôi ủng hộ việc này. Về quản lý Nhà nước, giao cho Bộ Thông tin Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo xây dựng kế hoạch kỷ niệm bằng hành động một cách thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả”, người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tới những người làm báo trên cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đánh giá cao đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam và luôn tạo điều kiện để báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phát huy vai trò, vị thế, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được giao; những người làm báo ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố và tăng cường sự tin tưởng và niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho báo chí.