“Bảo vật quốc gia Thăng Long - Hà Nội” là cuốn sách vừa được Sở VH-TT Hà Nội giới thiệu đến bạn đọc. Sách giới thiệu chi tiết về 12 bảo vật quốc gia của Hà Nội, trong đó có 4 bảo vật đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội và 8 bảo vật thuộc hệ thống di tích trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên có một cuốn sách song ngữ Việt- Anh được ấn hành nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử của Thủ đô nghìn tuổi.
Bảo vật Quốc gia được phát hiện tình cờ
4 nhóm bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội gồm: trống đồng Cổ Loa cùng bộ lưỡi cày đồng trong trống, được phát hiện ngay trong lòng tòa thành Cổ Loa lịch sử; chuông Thanh Mai đúc vào năm 798, phát hiện tại Bãi Rồng, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, là 1 trong 10 kỷ lục Văn hóa Phật giáo Việt Nam năm 2006. Hiện vật thứ ba là đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI của tác giả Đặng Huyền Thông, một tượng nhân gốm tài hoa tiêu biểu ở thời Mạc và cuối cùng là tòa long đình gốm Bát Tràng, một sản phẩm gốm thờ độc đáo của làng gốm Bát Tràng thế kỷ XVII.
|
Bìa sách Bảo vật Quốc gia Thăng Long Hà Nội. |
Cả 4 bảo vật quốc gia đều có những số phận bí ẩn và thăng trầm. Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng Đông Sơn nằm trong trống được phát hiện tại khu Mả Tre, xóm Chợ, xã Cổ Loa, nằm ở phía Tây Nam cửa Nam thành Cổ Loa, lọt giữa 2 vòng thành Trung và thành Nội. Tháng 7-1982, trống được UBND xã Cổ Loa bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội. Trống có kích thước lớn, hình dáng cân đối hài hòa thể hiện đỉnh cao của kỹ nghệ đúc đồng, đặc biệt là hoa văn phong phú, miêu tả chân thực, sống động sinh hoạt lễ hội của cư dân nông nghiệp thời dựng nước.
Cũng giống như trống đồng Cổ Loa, chuông Thanh Mai được phát hiện ngẫu nhiên ở Bãi Rồng, xóm Phú An, thôn My Dương, xã Thanh Mai năm 1986. Đây là quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam, tính đến thời điểm này. Chuông cao 60cm, tổng trọng lượng 35,5kg. Trong dòng lạc khoản khắc còn rõ ràng trên thân chuông, thì chuông được đúc vào năm 798. Trên chuông còn khắc bài minh văn với gần 1.530 chữ, là nguồn sử liệu chân thực, có ý nghĩa đặc biệt cho nghiên cứu tìm hiểu Phật giáo. Ngoài ra, minh văn còn nhắc đến nhiều địa danh hành chính và chức danh quan lại cùng những thông tin về đơn vị đo lường của người Việt thời bấy giờ.
Cây đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI của tượng nhân Đặng Huyền Thông được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2015. Đây là một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu và giá trị đại diện cho loại hình gốm thờ thời Mạc có minh văn, trong đó thông tin về thời gian tạo tác cây đèn vào năm Diên Thành 5, 1582 thời vua Mạc Mậu Hợp. Thông tin trên cây đèn là tài liệu quý về lịch sử và thời kỳ phục hưng Phật giáo thế kỷ XVI, trong số các tác giả lưu danh trên đồ gốm, Đặng Huyền Thông chính là người tiêu biểu, đỉnh cao của nghệ thuật gốm thời Mạc. Cũng giống như đèn gốm men lam xám, Long đình Bát Tràng là một loại gốm thờ đặc biệt, đây cũng là sản phẩm độc đáo duy nhất của làng gốm thủ công Bát Tràng còn lại đến nay.
Những tác phẩm tuyệt vời
Tính đến năm 2015, trên địa bàn Thủ đô đã thống kê được 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới; 11 di tích quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích cấp quốc gia; 1.202 di tích cấp thành phố. Đây chính là nơi còn lưu giữ bảo vật quốc gia của nhiều triều đại. Tại di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên đào tạo nhân tài của Việt Nam, còn lưu giữ 82 tấm bia đề danh Tiến sỹ triều Lê - Mạc (1442-1779) để nêu gương khuyến học cho các đời, để nhắc nhở “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Pho tượng Trấn Vũ ở di tích đền Quán Thánh, quận Ba Đình còn gọi là tượng Huyền Thiên đại đế - vị thần chủ linh thiêng của kinh thành Thăng Long xưa, là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị độc đáo, như một trường hợp “cá biệt” trong dòng chảy nghệ thuật tạo tượng giai đoạn thế kỷ XVII- XVIII. Cùng phong cách đúc đồng thể khối lớn tiêu biểu của thời Lê Trung Hưng, tượng Trấn Vũ ở di tích đền Trấn Vũ, quận Long Biên cũng là một pho tượng vô cùng hiếm hoi, tiêu biểu cho một trong những sản phẩm đúc đồng thể khối lớn của người Việt còn lại đến nay. Trong các ngôi chùa Phật giáo cũng có những bảo vật quốc gia đặc biệt. Tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Thánh Ân, thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm có niên đại thế kỷ XVI, được coi là một tác phẩm điêu khắc tuyệt vời của thời Mạc.
Bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, là bộ tượng Di Đà Tam Tôn sớm nhất hiện biết ở Việt Nam, đạt đến những chuẩn mực về tạo hình Phật giáo đầu thế kỷ XVII. 34 pho tượng Phật thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII) ở chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất … đều được các nhà nghiên cứu nghệ thuật đánh giá là những tác phẩm đỉnh cao của điêu khắc hội họa thời Lê Trung Hưng. Đặc biệt, ở chùa Đậu, huyện Thường Tín còn lưu giữ và thờ phụng hai tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Đây là hai trường hợp hiếm có trong lịch sử, phản ánh phong tục và trình độ kỹ thuật ướp xác giữa thế kỷ XVII.
Di tích tâm linh liên quan đến tín ngưỡng bản địa có đình Nội, Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Trong đền có thờ bức phù điêu chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và các nhân vật thời kỳ Hùng Vương. Đây là bức phù điêu chạm gỗ, sơn son thếp vàng, niên đại thế kỷ XIX-XX, xứng đáng được tôn vinh vào danh mục bảo vật quốc gia.
Để hoàn thành tập sách ảnh “Bảo vật quốc gia Thăng Long - Hà Nội”, Ban biên tập đã có rất nhiều nỗ lực đi điền dã, tập hợp, khảo cứu tư liệu với mong muốn đem đến cho người đọc trong và ngoài nước một sản phẩm văn hóa có chất lượng như một hành động cụ thể nhất, quảng bá và tôn vinh một phần những giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô đến với công chúng.
Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH- TT Hà Nội, đồng chủ biên cuốn sách cho biết, Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, mảnh đất kinh kỳ tinh hoa tụ hội còn tiềm ẩn nhiều hiện vật quý trong bảo tàng, trong các di tích và các sưu tập tư nhân. Đó là cơ sở để tin rằng danh mục bảo vật quốc gia của Thăng Long - Hà Nội sẽ còn được nối dài trong những năm tiếp theo.