Tối ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Mỹ Anh (SN 2003, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) để điều tra về hành vi Gây rối trật tự công cộng và Hủy hoại tài sản.
Trước đó, Mỹ Anh dùng gậy sắt đập phá xe máy sau va chạm giao thông với bà bầu ở đường Trường Chinh, Hà Nội khiến dư luận bức xúc.
|
Đối tượng Nguyễn Mỹ Anh đã bị tạm giữ để điều tra |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về mức án mà Mỹ Anh có thể đối mặt. Luật sư cho biết, với thông tin đăng tải trên mạng xã hội thì có lẽ ai cũng bất bình vì hành động Mỹ Anh dùng gậy sắt đập phá xe máy bà bầu sau va chạm giao thông côn đồ, coi thường pháp luật của một số thanh niên trẻ tuổi trên đường Trường Chinh, Hà Nội.
Hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Thanh Xuân đã làm việc với các đối tượng để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích. Tuy nhiên hình ảnh thể hiện qua clip đăng tải trên mạng xã hội còn cho thấy có đối tượng đã thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản cố ý làm hư hỏng tài sản.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ hành vi, làm rõ hậu quả những thiệt hại về vật chất, tinh thần, tài sản đã gây ra cho nạn nhân và xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm là gậy sắt tấn công, gây thương tích cho người tham gia giao thông thì dù thương tích dưới 11 %, đối tượng này vẫn sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự với tình tiết định tội và định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm.
Ngoài hành vi cố ý gây thương tích thì đối tượng còn la hét, chửi bới, đe dọa, cản trở người tham gia giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội... những đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với đối tượng vi phạm về tội gây rối trật tự công cộng.
|
Luật sư Đặng Văn Cường |
Cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành giám định giá tài sản bị hư hỏng là chiếc xe máy mà đối tượng đã cố ý đập phá, làm hư hỏng. Trong trường hợp thiệt hại được xác định từ 2.000.000 đồng trở lên thì đối tượng này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 bộ luật hình sự năm 2015.
Căn cứ vào diễn biến của vụ việc thì các đối tượng vi phạm pháp luật trong tình huống này có thể đối mặt với nhiều tội danh như tội cố ý gây thương tích, tội gây rối trật tự công cộng và tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật này nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội danh nào thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh đó.
Bộ luật hình sự quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 tuổi. Với người từ đủ 16 tuổi thì chịu trách nhiệm hình sự với mọi loại tội phạm. Theo thông tin ban đầu thì các đối tượng ở độ tuổi 17 tuổi nên đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng được xác định là người chưa thành niên phạm tội. Trong trường hợp bị khởi tố, bị kết tội thì các đối tượng sẽ bị áp dụng chính sách về người chưa thành niên phạm tội, theo đó mức hình phạt sẽ bằng ¾ mức hình phạt của người đã thành niên và tổng hợp hình phạt không quá 18 năm tù trong trường hợp phạm nhiều tội.
Hành vi của đối tượng trong clip cho thấy tinh thần bị kích động, biểu hiện bất thường bởi vậy cơ quan điều tra cũng sẽ kiểm tra xem đối tượng này có bị kích thích bởi chất ma túy hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy thì còn xem xét đến các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến ma túy. Còn trường hợp không bị kích thích bởi chất ma túy mà có hành vi như vậy thì sẽ được xác định là có tính chất côn đồ. Chế tài đối với các đối tượng này sẽ là bài học cho những thanh niên đua đòi, hư hỏng, thiếu hiểu biết pháp luật và coi thường tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Video: Nhóm thanh niên va chạm giao thông và đập phá xe người can ngăn
Bộ luật hình sự quy định về hình phạt với người chưa thành niên phạm tội như sau:
Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
6. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.