Khi ngày Tết đang cận kề, những người lao động nghèo ở xóm ve chai vẫn đang tần tảo mưu sinh. Với họ một cái tết đủ đầy là có thêm cành đào, cây quất, kiếm thêm ít tiền để lo cho bữa cơm ngày tết được tươm tất hơn.
Mặc cho thời tiết giá rét của những ngày này, từ sáng sớm, những người phụ nữ mua bán ve chai vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp cọc cạch khắp các con hẻm phố phường của TP Hải Phòng.
|
Những người lao động mua cơm trong giờ nghỉ trưa. |
Vào lúc 11h trưa, tôi gặp bà Nguyễn Thị Hương (60 tuổi, thôn Văn Hòa, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đang ngồi nghỉ bên ven đường, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi sau buổi sáng rong ruổi trên khắp các con phố để thu mua ve chai. Cầm những đồng tiền ít ỏi kiếm được, bà Hương vội vã đến tiệm ăn. Hôm nay, tiệm ăn được nhà hảo tâm tài trợ nên bà và những người dân lao động nghèo khác không mất tiền. Hộp cơm đầy ắp rau, đậu, thịt gà cùng tô canh nóng, đủ cho bà Hương và mọi người có một buổi trưa ấm bụng.
Bà Hương tâm sự, dù nắng hay mưa, sáng nào bà cũng dậy từ 6h sáng, đi 27km đến thành phố Hải Phòng thu mua ve chai, đồng nát. Dạo trước, sắt thép vụn được giá 7.000/kg thì một ngày bà cũng kiếm được đôi ba trăm, nhưng từ ngày giá sắt giảm xuống còn 3.000/kg thì thu nhập mỗi ngày của bà được một trăm nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn đồng. Giỏi chắt chiu lắm mới đủ tiền trang trải cho gia đình. Thời gian rảnh, bà tranh thủ đi lau dọn nhà cửa để kiếm thêm thu nhập. Bà Hương ao ước, nhân dịp xuân mới về sẽ có tiền mua cành đào để gia đình có thêm không khí tết chứ không như mọi năm.
Đi thu mua ve chai đã được 4 đến 5 năm nay, bà Nguyễn Thị Phúc (47 tuổi, huyện An Dương, Hải Phòng) đã quen với guồng quay của công việc, bà cho biết việc bán ve chai nhìn thì đơn giản vậy, nhưng thực chất phải tiếp xúc với nhiều thứ rác thải, độc hại. Thậm chí, chân tay bà đầy các vết sẹo ngắn dài, hậu quả của những lần thu mua, bê vác các loại sắt thép sắc nhọn. Mỗi khi trời đổ lạnh, các vết sẹo và căn bệnh đau lưng của cô lại tái phát.
Bà Phúc chia sẻ: “Kiếm tiền thì khó khăn, Tết nhất không có tiền để tiêu Tết. Trông thiên hạ sắm Tết, tôi cũng phát buồn. Con cái lúc nào cũng ao ước có cành đào chơi Tết, có bánh chưng để ăn. Chiều tối 30 Tết, tôi mới về đến nhà, người mệt mỏi rã rời”.
|
Cô Phúc tranh thủ nghỉ ăn cơm trưa. |
Cùng chung hoàn cảnh, cô Phạm Thanh Lương (57 tuổi, Tiên Lãng, Hải Phòng) tâm sự rằng, hàng ngày cô phải đạp xe hơn 20km để đi làm, khi con cái say ngủ thì cũng là lúc cô về đến nhà. Nhiều khi cô Lương cũng muốn tìm công việc khác, nhưng do tuổi đã cao, tìm được công việc ổn định rất khó nên cô vẫn thu mua ve chai. Bên cạnh đó, còn có những người bạn đồng cảnh ngộ luôn là chỗ dựa tình thần cho cô.
“Các cô trước kia cũng chẳng biết nhau, nhưng mà dần dần cũng quen biết vì hoàn cảnh giống nhau. Bọn cô mỗi người một hoàn cảnh, tuy ai cũng khổ nhưng khổ mới đi làm công việc này. Cô thấy nhiều người đi qua đi lại sung sướng, cô ước chỉ được như người ta 1 ngày thôi”- cô Thanh Lương chia sẻ.
Không biết từ bao giờ, vỉa hè đường Lê Đại Hành, Hải Phòng đã trở thành nơi nghỉ trưa của những người phụ nữ thu mua ve chai. Một gốc cây có tán lá rộng, đủ để cho 5- 6 người đàn bà ghé lưng qua buổi trưa mệt nhọc.
Đáng quý nhất là dù cuộc việc co nhiều mệt mỏi nhưng những người phụ nữ như cô Hương, cô Phúc lại vì thế mà đùm bọc nhau. Cứ mỗi buổi trưa, các cô lại quây quần cùng ăn cơm, cùng ngủ, chia sẻ cho nhau những câu chuyện cuộc đời.
Tết sắp đến gần, những người mưu sinh bằng nghề ve chai, thu gom đồng nát cùng nhau bươn chải khắp nơi để thua mua sắt vụn, giấy báo với mong muốn kiếm thêm vài đồng về quê ăn tết. Đó không chỉ là ao ước của cô Hương, cô Phúc mà còn là mong muốn của nhiều lao động nghèo sẽ có một cái Tết đủ đầy, có hoa có bánh.