Chưa gây hậu quả… có cấu thành tội
Thông tin về vụ lập khống 57 hồ sơ án dân sự tại tòa án nhân dân huyện Đắk Song tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Đắk Nông sáng 17/6, ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông cho biết, việc tạo lập 57 hồ sơ khống làm ảnh hưởng rất sấu đến uy tín của tòa án, giảm lòng tin của nhân dân.
Tuy nhiên, ông Thọ khi trả lời về việc làm khống 57 hồ sơ có cấu thành tội phạm hay không? đã cho rằng, việc kết luận có vi phạm pháp luật hình sự hay không thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao. Nêu quan điểm cá nhân, ông Thọ cho rằng, không đủ yếu cấu thành tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 375 BLHS. Hành vi của bà Dung là không thêm, không bớt mà là làm khống, không gây hậu quả.
“Không có người khởi kiện, không có người bị kiện thì không ảnh hưởng đến ai; bà Dung tự đóng án phí rồi đưa ra xét xử nhưng tất cả 57 hồ sơ vụ án lại bị đình chỉ nên chưa gây ảnh hưởng hay thiệt hại tới tài sản nhà nước cũng như cụ thể cá nhân nào” - ông Thọ nói.
|
Ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Zing
|
Về trách nhiệm của người đứng đầu, với vai trò là Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh, ông Thọ nhận trách nhiệm về sự việc xảy ra tại TAND huyện Đăk Song. Ban cán sự Đảng TAND tỉnh đã có báo cáo gửi ban cán sự đảng TAND tối cao. Ông Thọ cho rằng, vi phạm của thẩm phán nêu trên là do chưa làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh chính trị đối với cán bộ tòa án vì thế đó là lỗi của lãnh đạo TAND tỉnh.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cần phải làm rõ động cơ, mục đích việc lập khống 57 hồ sơ vụ án dân sự, dù là sai phạm như thế nào cũng phải xem xét những chế tài mà pháp luật đã quy định để xử lý công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, để thụ lý đến 57 vụ án “giả mạo”, tòa phải ban hành các quyết định về việc thụ lý, quyết định phân công thẩm phán thụ lý giải quyết, quyết định đình chỉ... nộp tạm ứng án phí, phải có đơn thư, chữ ký, chữ viết của đương sự. Đồng thời, để có một hồ sơ vụ án sẽ bao gồm rất nhiều tài liệu, chứng cứ trong đó có các giấy tờ của các cơ quan, tổ chức...Những vụ án này đã được cơ quan chức năng xác định là không có thật nên các giấy tờ làm căn cứ để thụ lý, giải quyết và đình chỉ sẽ được xác định là các giấy tờ, tài liệu giả.
Do đó, những người làm giả các giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức là cá nhân, tổ chức không có chức vụ quyền hạn sẽ bị xem xét xử lý hình sự về Tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng giấy tờ tài liệu giả theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015. Những người có chức vụ quyền hạn mà lại làm giả các giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức sẽ bị xử lý hình sự về Tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015.
Ngoài ra, hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật, không theo đúng trình tự thủ tục luật định, không có căn cứ thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội ra bản án trái pháp luật hoặc tội ra quyết định trái pháp luật... thuộc nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng, sự việc này là nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự của nhiều tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 nên cơ quan chức năng cần chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét xử lý đối với sai phạm của một số cán bộ, cá nhân có liên quan trong vụ việc nêu trên.
Có nên bỏ chỉ tiêu xử án?
Tại buổi họp báo, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông Ngô Đức Thọ thông tin lại vụ việc cho biết, nhận thấy tỉ lệ án hủy trong nhiệm kỳ cao hơn mức quy định (1,16%), đầu năm 2016, bà Bùi Thị Dung khi đó là thẩm phán TAND huyện Đắk Song đã nhờ các cá nhân quen biết và bản thân tự nộp nhiều đơn khởi kiện không có bị đơn và tranh chấp trên thực tế tại TAND huyện Đắk Song.
Bà Dung tự bỏ tiền đóng tạm ứng án phí. Sau đó, báo cáo lãnh đạo xin được xét xử nhiều án để nâng cao tỉ lệ xét xử, giảm tỉ lệ án hủy nhằm đủ điều kiện tái bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp. Các hồ sơ khống đã được TAND huyện Đắk Song thụ lý (57 hồ sơ) và giao cho một số thẩm phán, thư ký giải quyết theo hướng đình chỉ do đương sự rút đơn khởi kiện.
Dư luận đặt câu hỏi, có nên bỏ chỉ tiêu để giảm áp lực chỉ tiêu trong xét xử của tòa án?
|
Cán bộ TAND huyện Đắk Song lập khống 57 hồ sơ vụ án. |
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đã là công việc, nhiệm vụ cần có chỉ tiêu, nhưng phải tập trung vào chất, chứ đừng đi theo lượng.
“Với tòa án, mục tiêu cuối cùng là công lý. Để đảm bảo công lý đầu tiên cần phải xét xử công bằng, hợp lý, đúng luật. Yếu tố thời gian chỉ là phụ, góp phần đẩy nhanh đến công lý. Cứ bắt thẩm phán và chánh án lao vào cuộc chạy đua thành tích, thì không nên. Thà bỏ hẳn đi còn hơn” – luật sư Đức nêu ý kiến.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, Quốc hội có giao chỉ tiêu cho tòa án nhưng Nghị quyết của Quốc hội nói rành mạch xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, công tâm, khách quan và trung thực.
“Tòa án là một cơ quan tư pháp độc lập và có quyền tối cao trong xét xử và chịu trách nhiệm trong xét xử với cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu xử sai thì phải xử lý. Chỉ tiêu giao cho ngành tòa án từ cấp dưới đến cấp tối cao do tòa án Tối cao quyết định. Việc giao chỉ tiêu như vậy là để đến thời gian bổ nhiệm hàng năm, xét thành tích, bổ nhiệm lại thẩm phán, bổ nhiệm chức vụ các lãnh đạo của tòa án căn cứ vào những chỉ tiêu giao để bổ nhiệm. Có những trường hợp thẩm phán xét xử sai, xét xử chưa đúng bị cấp trên hủy hoặc sửa một phần quyết định của thẩm phán thì thẩm phán đó sẽ bị xem xét khi bổ nhiệm” – đại biểu Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng, cần xem xét lại quy định thực tế cho khách quan.
“Tòa trong thời gian qua có hạn chế, thiếu sót, cho nên cần có quy định như vậy để ràng buộc các thẩm phán tập trung trong công tác xét xử. Tòa án của ta cũng nên học tập kinh nghiệm quý của tòa án các nước tiên tiến để áp dụng. Tất nhiên, các nước trên thế giới thì tam quyền phân lập, tòa án là cơ quan tối cao trong xét xử. Tòa án ở Việt Nam không giống tòa án của các nước trên thế giới. Các ngành tư pháp, hành pháp, lập pháp dù độc lập nhưng có sự thống nhất, quan hệ mật thiết. Cho nên việc giao chỉ tiêu cho tòa án và các thẩm phán, tôi nghĩ rằng, việc này cũng cần thiết” - đại biểu Hòa nói.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, công tác kiểm tra, giám sát của tòa án cấp trên, của các cơ quan bảo vệ pháp luật là điều hết sức cần thiết để những thẩm phán thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ.
“Việc lập khống mấy chục hồ sơ vụ án, những cán bộ, thẩm phán đó là sự sa sút, mất phẩm chất đạo đức trong thực thi công vụ cần phải loại ra khỏi ngành và xử lý nghiêm theo quy định” - ông Hòa nêu ý kiến. Ông cho rằng, đến lúc đặt ra những quy định cần thiết đối với thẩm phán để ràng buộc thẩm phản trong xét xử, đồng thời cần có sự kiểm soát chặt chẽ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo mạo danh cán bộ Tòa án gọi điện tống tiền:
Nguồn: Truyền hình Cần Thơ.