Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Yên Bái có gần 1000 học viên cai nghiện mỗi năm. Tất cả họ phải ra một hòn đảo nằm giữa lòng hồ thủy điện Thác Bà để thoát khỏi sự ám ảnh của “nàng tiên nâu”, chính vì thế, nhiều người đã gọi Trung tâm này là “đảo sinh tồn”.
“Đảo sinh tồn”
Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Yên Bái trước đây gọi là Trung tâm cai nghiện tỉnh Yên Bái. Được xây dựng cách đây mấy chục năm, Trung tâm này là nơi giúp hàng ngàn người đoạn tuyệt với ma túy. Trung tâm cai nghiện được chia thành 4 khu, trong đó, khu hành chính nằm trong đất liền, 3 khu còn lại nằm trên một hòn đảo giữa lòng Hồ Thác Bà, là nơi điều trị của hàng ngàn học viên cai nghiện. Vì là nơi giúp hàng ngàn người đoạn tuyệt với ma túy, trở lại cuộc sống bình thường, cho nên nhiều người gọi hòn đảo này với cái tên là “đảo sinh tồn”, đấu tranh để sinh tồn.
|
“Đảo sinh tồn” rộng đến 20 héc ta nằm giữa Hồ Thác Bà. |
Khu vực cai nghiện của Trung tâm này rộng đến 20 héc ta, là nơi cách xa đất liền nên học viên khi đã ra đảo cai nghiện thì không thể trốn trại. Trước năm 2015, đối tượng đến Trung tâm chủ yếu thuộc diện tự nguyện. Từ năm 2015 đến nay, học viên đến Trung tâm chủ yếu thuộc diện bắt buộc, nghĩa là họ bị công an, chính quyền bắt, sau đó tòa án ra quyết định đưa đi cai nghiện.
Để đến được khu vực đảo sinh tồn, viễn khách phải đi ca nô mất khoảng 30 phút. Từ xa nhìn vào, hòn đảo xanh tươi với những rừng cây keo, xà cừ, bạch đàn... do học viên cai nghiện trồng. Ẩn khuất dưới những tán cây rừng là khu sinh hoạt của học viên cai nghiện. Xung quanh đảo có các bến thuyền để học viên tắm, giặt và để... đưa, đón học viên, cán bộ ra – vào đảo.
Theo anh Phạm Ngọc Anh, cán bộ Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Yên Bái thì trung tâm cai nghiện trên đảo được xây dựng từ năm 1992. Thời điểm đó quy mô của trại còn hạn chế, số lượng học viên ít. Thế nhưng sau đó, do số lượng học viên cai nghiện tăng lên nhanh chóng nên Nhà nước đã mở rộng quy mô đến các khu khác trên đảo nhằm đáp ứng nhu cầu chữa trị của người dân. Đến nay, số lượng học viên đến trung tâm đang có dấu hiệu giảm dần số lượng.
Một số thống kê tại Trung tâm này cho thấy, số lượng học viên cai nghiện ngày càng giảm mạnh: Cụ thể, năm 2013, Trung tâm có 800 người, năm 2014 có 700 người và đến 2015 quân số này còn trên 200 người. Sở dĩ số người đến đây có chiều hướng giảm là do quy định mới của Nhà nước khi đến Trung tâm phải qua nhiều thủ tục hành chính khác nhau, đồng thời phần lớn đối tượng cai nghiện bắt buộc mới được đến đây.
“Đặc khu” kinh tế trên đảo
Mỗi người khi đến Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Yên Bái sẽ thấy sự đặc biệt trong cách thức tổ chức đời sống cho học viên cai nghiện tại đây. Để đảm bảo cuộc sống cho hàng trăm, thậm chí có thời điểm lên đến hàng ngàn người, Trung tâm đã tổ chức thành công mô hình kinh tế khép kín, tự cung, tự cấp.
|
Cán bộ và học viên cùng nhau làm bánh chưng đón tết. |
Ông Lê Công Huấn, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: Mỗi học viên, thời gian đầu mới đến đây phải mất khoảng nửa tháng... ngồi một chỗ để cắt cơn nghiện. Sau khi cắt cơn, học viên phải tham gia vào các tổ lao động, sản xuất. Theo đó, Trung tâm tổ chức chăn nuôi lợn, gà, dê quy mô lớn. Ngoài ra còn có trồng rau, sắn, ngô và một số cây lương thực khác để đảm bảo đủ lương, thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Với chính sách trên, trong chuồng trại của Trung tâm lúc nào cũng có 50 - 70 con lợn thịt. Năm 2013, 2014 mỗi ngày thịt 2 con lợn, hiện nay 2 ngày thịt 1 con do số lượng học viên còn ít. Ngoài thịt lợn ra còn có thịt gà, thịt dê và đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vô cùng dồi dào của Hồ Thác Bà. 1 học viên chỉ cần dành 1 giờ đi đánh cá quanh đảo đã có thể thu về gần 10kg cá các loại.
|
Lúc nào trong trang trang trại của Trung tâm cũng có tới 50 con lơn thịt, chưa kể gà, dê, bò... |
Ông Huấn tiết lộ: Ngoài sản phẩm mà học viên cai nghiện tự tay làm ra, mỗi học viên thuộc diện cai nghiên bắt buộc còn được Nhà nước hỗ trợ 600 ngàn đồng/ người/ tháng, còn học viên tự nguyện thì phải nộp 1,1 triệu/người/ tháng. Số tiền này sẽ được dùng vào việc mua gạo...
Do đời sống tại Trung tâm cai nghiện này rất tốt, nên nhiều người, nhất là bà con dân tộc vùng cao sau khi đến đây thì không muốn về bản. Ông Giàng A Dê, người dân tộc H’Mông ở huyện Mù Cang Chải thành thật khi nói về cuộc sống trên đảo: “Ở đây có cơm trắng, thịt, cá để ăn. Ngày Tết còn có nhiều thịt lợn, thịt bò, thịt gà hơn nữa, ăn thỏa thích. Ở nhà thì phải lo lắng đủ thứ, giáp tết, cố gắng đi mót củi bán chỉ đủ tiền mua 5kg thịt. Thế là hết Tết”.
Có lẽ, do cuộc sống trên đảo tốt hơn nên sau gần 1 năm ở đây, anh Dê đã đoạn tuyệt được ma túy, tăng đến 11kg, béo trắng, hồng hào chứ không teo tóp như hồi còn ở bản. Ông Lê Công Huấn cho biết: Năm 2014, Trung tâm này còn có cả những gia đình người H’Mông, người Dao vì ý thức được tác hại của ma túy nên rủ nhau ra đảo cai nghiện.
|
Vườn rau xanh mướt mát trên “đảo sinh tồn”. |
Không gặp là vui
Ngày Tết, trong khi nhiều người gặp nhau cảm thấy vui, nhưng với những cán bộ và cả học viên cai nghiện nhiều người gặp nhau lại thấy buồn, day dứt không dám nhìn vào con mắt của nhau vì nhiều điều...
Ông Lê Công Huấn cho biết: Tỉ lệ tái nghiện của học viên sau khi trở về đời sống cộng đồng khoảng 70%. Điều đó có nghĩa là cứ 10 người xuất trại thì có 7 người trở lại. Tất nhiên là học viên sau khi rời trung tâm có đoạn tuyệt được với ma túy hay không còn phụ thuộc vào bản lĩnh, ý chí của người đó chứ các cán bộ công nhân viên của Trung tâm không thể theo mãi được. Nhưng sao vẫn thấy day dứt điều gì đó. Có những học viên đã 8 lần vào, ra Trung tâm. Nhiều lần nhìn đôi ánh mắt chạm nhau mà chẳng ai nói lời nào. Học viên thèn thẹn đưa ánh mắt liếc nhanh cán bộ rồi cúi mặt nhìn hồ nước sâu hun hút.
Vì những day dứt khó nói trong lòng đối với cả cán bộ và học viên cai nghiện, vì thế cái Tết trên “đảo sinh tồn” cũng mang nhiều sắc thái đặc biệt, có vui, có buồn và nhiều điều tiếc nuối.
Ông Huấn kể lại: “Ngày 30 tết hàng năm, cán bộ và học viên cai nghiện tại trung tâm lại quây quần làm bánh chưng, thịt lợn và đón giao thừa. Nhìn ánh mắt mỗi học viên hiện lên những nét buồn, họ nhớ nhà, nhớ người thân da diết. Nhưng được sự động viên của cán bộ trung tâm anh, chị em học viên lại tạm các lại niềm day dứt trong lòng để cùng nắm tay nhau đốt lửa trại, đón giao thừa, cầu mong sự đổi thay trong cuộc đời mỗi con người”.
“Gần như giao thừa năm nào các cán bộ Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Yên Bái cũng phải túc trực 24/24 giờ với 100% quân số. Một số cán bộ Trung tâm vì xa quê nên không về thăm gia đình trong nhiều năm liền”, Ông Lê Công Huấn, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết.