|
Trong lúc trang điểm, Hân vẫn không quên ngó nghiêng... tìm mẹ |
|
"Màu này có đẹp không nhỉ?" |
|
"Chú xem nơ hồng của con xinh không?" |
|
Còn quá nhỏ, Hân chưa biết điều mà mình đang phải đối mặt lúc này... |
Đứng nhìn con gái đang ríu rít đợi đến lượt mình được trang điểm, chị Trần Thị Kim Tuyến không sao kìm được nước mắt. Chị kể: Ngọc Hân là con gái lớn trong gia đình. Ngay từ nhỏ, cô bé đã được phát hiện mang các triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu. Tới đầu tháng 4/2022, các bác sĩ tiếp tục chuẩn đoán Hân mắc bệnh bạch cầu dòng tủy – một bệnh ung thư liên quan đến các tế bào máu và tủy xương. Kể từ đó, cô bé 5 tuổi quê tại xã Đạo Đức (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã buộc phải “chuyển nhà” vào Khoa Bệnh máu trẻ em cùng với mẹ.
2 tháng nằm viện, những đợt xạ trị liên miên đã vừa đủ khiến mái tóc Hân rụng dần và kịp để lại trên cánh tay trái em những vết tiêm truyền chằng chịt. Còn quá nhỏ để ý thức được căn bệnh của mình, bé ngây thơ hỏi: “Mẹ ơi, vì sao tóc chúng con lại thưa thế này?”
“Tôi chỉ biết nói dối cháu là mẹ cắt bớt tóc xấu đi cho mát. Đợi từ giờ tới Tết, tóc con lại mọc lên đẹp như thường”, chị Tuyến ngậm ngùi kể lại.
|
Mang theo kim truyền lên sân khấu, đó là dấu hiệu dễ nhận biết của đội văn nghệ đeo nơ hồng. |
Chị Tuyết đã phải tạm thời nghỉ làm công nhân, gửi lại con trai nhỏ ở quê nhà để đồng hành cùng Hân trong hành trình chống chọi lại bệnh tật. Ngọc Hân cũng rất ngoan ngoãn nghe lời và dường như không rời mẹ nửa bước.
“Con rất thích hát và nhảy múa. Ngày hôm qua con bị sốt nhưng khi nghe tin có tham gia văn nghệ con muốn đi. Ban đầu tôi cũng sợ sức khỏe không cho phép để con biểu diễn nhưng ngày hôm nay sau khi điều trị xong hóa chất tôi xin bác sĩ con được tham gia biểu diễn. Khi ở nhà con cũng hay tham gia các chương trình văn hóa văn nghệ tại trường lớp. Qua tới giờ con rất chăm chú tập luyện”, chị Tuyến cho hay.
|
Đội văn nghệ tay đeo kim truyền, đầu đội nơ hồng tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. |
Nhìn mẹ rưng rưng, Hân níu níu tay áo, bảo: “Mẹ đừng khóc nhè, xấu lắm. Con sắp lên hát rồi đây này”. Nói đoạn, cô bé nhanh nhảu kéo chị Tuyến lên hàng ghế đầu tiên, nơi dành riêng cho các thành viên của đội văn nghệ nhí.
Thấy bạn đến, bé Vũ Huyền Lương (11 tuổi) ngẩng lên cười rồi lại chăm chú nhìn chăm chăm vào xấp giấy in… kịch bản kịch để tiếp tục “nhập tâm” học thoại. Chị Vũ Thị Nhật Anh – mẹ bé Lương cho biết: Con gái chị bị chứng bạch cầu tủy cấp (ung thư máu dòng tủy).
“Trong quá trình điều trị con nhiều khi con mệt mỏi vì ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng con luôn cố gắng vượt qua được. Các bác sĩ cũng tận tâm với các con nên tôi cũng đỡ lo lắng đi phần nào. Nhiều lúc nhìn con ốm đau là người mẹ tôi đau lòng vô cùng. Dịp mùng 1/6 con rất háo hức tham gia văn nghệ cùng các bạn. Tôi chỉ mong ước sức khỏe con tốt, còn mình sẽ hết sức cố gắng vì con”, chị Nhật Anh xúc động nói.
Gần 1 năm qua, căn bệnh quái ác ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của Lương thế nhưng không thể ngăn nổi niềm vui và sự háo hức của bé với ngày Tết thiếu nhi đầu tiên trong… bệnh viện. Đúng 16 giờ, chương trình Tết thiếu nhi chính thức được bắt đầu. Ngọc Hân, Huyền Lương và gần chục thành viên khác của đội văn nghệ “mang kim truyền, đeo nơ hồng” tíu tít kéo nhau lên sân khấu. Và trên gương mặt của những thiên thần nhỏ lúc này chỉ còn lại là những nụ cười hạnh phúc….
|
Trước giờ lên sân khấu... |
|
Những khán giả đặc biệt của chương trình. |
Vẽ giấc mơ bằng những gam màu hy vọng
Khi tiếng nhạc nổi lên trên sân khấu, phía dưới hội trường, hàng chục bệnh nhân nhí vỗ tay phấn khích. Các em cũng chính là những khán giả có một không hai của buổi biểu diễn này.
|
Những khán giả nhí mang theo cả chai truyền dịch tới xem các bạn biểu diễn. |
|
...mang cả cây truyền dịch đi xem văn nghệ. |
Quang Nhật Tiến, mới 8 tuổi quê ở Tuyên Quang ngồi cùng đám bạn ở ngay hàng đầu. “Đạo cụ” đi xem hát là… một cây truyền cao gấp 3 lần chiều cao của Tiến. Trên ngọn của “đạo cụ” ấy lủng lẳng treo 4,5 chai dịch cùng hệ thống dây dẫn chằng chịt mà điểm cuối là đầu kim nối vào ven của những khán giả nhí trọc đầu. Ngay phía sau lưng, cha mẹ cùng các y, bác sĩ luôn sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp các tình huống bất ngờ xảy ra.
“Hôm nay các cô, các chú tổ chức văn nghệ. Được xem các bạn hát, múa, diễn kịch, con rất vui”, Nhật Tiến háo hức nói.
|
Sâu trong ánh mắt các khán giả đặc biệt ấy là sự mong chờ và cả niềm hạnh phúc. |
|
Một khán giả nhí của chương trình. |
|
Cũng giống như các thành viên "đội văn nghệ", khán giả cũng tay đeo kim truyền - Đó như một thứ hành trang đặc biệt tại Khoa Bệnh máu nhi này. |
Anh Hiếu – phụ huynh có con đang điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng không giấu nổi sự xúc động. Anh kể: Từ đầu giờ chiều, tại phòng điều trị, con gái anh đã rất mong chờ đến khi sự kiện chính diễn ra. Cháu liên tục hỏi: Bao giờ con được đi xem các bạn hát hả bố ơi? Sao lâu thế bố nhỉ?
“Tới khi các bác sĩ thông báo cho phép các bệnh nhân ra xem, cháu mừng lắm, cứ giục tôi cầm chai dịch truyền để đi. Nhìn con vui thế, bản thân tôi cũng rất mừng”, anh Hiếu nói.
|
Đôi mắt ngây thơ của các chiến binh nhí. |
Cũng trong khuôn khổ chương trình Tết Thiếu nhi cho em, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương còn tổ chức triển lãm tranh “Ước mơ hồng”. Đây là các bức tranh được chính các bệnh nhân vẽ trong những ngày điều trị tại Viện.
Bằng trí tưởng tượng phong phú và góc nhìn ngây thơ của mình, các họa sĩ nhí đã dắt người xem vào một thế giới tràn đầy hy vọng và ước mơ. Ở đó, có cảnh gia đình xum họp, có giấc mơ bay lên trời cao hay đơn giản hơn là một góc hoàng hôn trên dòng sông quê nhà của các bé. Điểm đặc biệt nhất là các em luôn sử dụng những gam màu nóng, tươi sáng trong các bức vẽ.
Là tác giả của 2 tác phẩm mang tên “ Lòng biết ơn” và “Niềm tin chiến thắng”, bé Trần Minh Trang (11 tuổi, ở Hà Nội) cho hay: Em đã dành hơn 1 tuần để hoàn thành hai bức vẽ này để gửi gắm thông điệp: Bệnh viện không chỉ là nơi chữa bệnh, mà còn là ngôi nhà thứ hai của nhiều bệnh nhân.
|
Bé Trần Minh Trang bên cạnh tác phẩm Lời cám ơn của mình. |
Chị Nguyễn Thị Hoa – mẹ của Minh Trang giải thích:
“Hầu hết bệnh nhi ở viện nhiều hơn ở nhà, con muốn bày tỏ lòng biết ơn, muốn cảm ơn bố mẹ đã mang đến cho con cuộc sống, y bác sĩ ngày đêm chăm sóc tận tình cho các con. Bức tranh thể hiện lòng biết ơn. Ngoài ra, bức tranh thứ 2 con vẽ được đặt tên là Niềm tin chiến thắng. Trung tâm bức tranh có em bé ngồi xe lăn với đôi cánh thiên thần. Bên cạnh có bố mẹ, các y bác sĩ và các bạn đã đồng hành cùng con trong cuộc chiến chống lại căn bệnh hiểm nghèo”, Minh Trang giải thích.
Không khí tại Khoa mỗi lúc một náo nhiệt hơn. Tiếng hát, tiếng vỗ tay không ngớt vang lên. Các bệnh nhân nhi thi thoảng lại chụm mái đầu lơ thơ tóc, bàn về một tiết mục hay vừa diễn ra trên sân khấu lớn. Trong thoáng chốc, những đớn đau của bệnh tật, sự mệt mỏi sau những giờ chạy hóa chất dường như tan biến đi hết sau từng tiếng cười…
|
Dòng sông quê nhà - một bức vẽ của bệnh nhân nhí những ngày nằm trên giường bệnh. |
|
Em bay vào không gian... |
|
Ước mơ của con là gia đình luôn hạnh phúc". |
|
Một tác phẩm dễ thương của các bệnh nhân nhí. |
>>> Mời quý vị độc giả xem thêm video: Tâm sự nghẹn lời của những đứa trẻ "đặc biệt" ngày Quốc tế thiếu nhi