Tàu hỏa tông xe đầu kéo: Gác chắn đóng chậm, không ra hiệu dừng tàu?

Google News

Qua clip tai nạn tàu hỏa tông xe đầu kéo trên Quốc lộ 1A ở Hà Nội cho thấy, nhân viên gác chắn hạ barie chậm và không ra hiệu cảnh giới dừng tàu.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn phải chờ cơ quan chức năng kết luận, nhưng qua clip ghi lại cho thấy gác chắn đóng chậm khi tàu chuẩn bị chạy qua.

Trước đó, gần 9h sáng 28/1, tại đường ngang cảnh báo tự động, có lắp đặt cần chắn tại km 28+800 đường sắt Bắc - Nam (trên đường bộ là km 203+800 QL1A, đoạn thuộc địa bàn xã Văn Tự, huyện Thường tín, Hà Nội), đã xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe đầu kéo chở sắt.

Cụ thể, xe đầu kéo mang BKS 15C- 052.xx kéo theo rơ-moóc BKS 15R- 114.xx, trên xe chở theo nhiều bó sắt đang rẽ vào đường ngang thì va chạm với tàu khách SE5 số hiệu D19E- 908, di chuyển theo hướng Bắc - Nam.

Thực tế từ hình ảnh camera giám sát có thể thấy, xe đầu kéo khi qua đường ngang trên có người gác chắn, đã bị kẹt do xe quá dài và nặng.

Tài xế phải điều khiển mãi mới cho xe vượt lên được. Thế nhưng, khi xe đầu kéo mới ra khỏi đường ray được 2/3 rơ-moóc, thì tàu SE5 lao tới đâm rất mạnh vào đuôi xe.

Tau hoa tong xe dau keo: Gac chan dong cham, khong ra hieu dung tau?

Hiện trường vụ tai nạn giữa tàu thống nhất SE5 và xe đầu kéo chở sắt. Ảnh: HQ.

Điều đáng nói, trước khi xảy ra tai nạn, xe đầu kéo mắc kẹt khá lâu trên giao cắt đường sắt với đường bộ, nhưng nhân viên gác tàu không làm tín hiệu báo cho lái tàu dừng lại trước đường ngang giao cắt, mà vẫn đứng tại một góc giao cắt, sát với QL1.

Về vấn đề này, trao đổi với PV VietNamNet, một lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) thông tin, qua camera giám sát cho thấy thời gian đóng chắn chậm. Theo quy định, gác chắn phải đóng sớm không trước 3 phút, nhưng ở đây đóng chậm nên xe đầu kéo vẫn đi qua.

Trong tình huống xe đầu kéo mắc kẹt chưa thể qua đường giao cắt, theo nghiệp vụ khi tàu sắp đến nhân viên gác chắn phải chạy ngược lại hướng tàu để cảnh giới. Tuy nhiên, qua camera có thể thấy nhân viên gác chắn đã không làm tín hiệu dừng tàu mà vẫn chờ xe đi qua mới hạ barie.

“Ở đây có 2 vấn đề thể hiện nhân viên gác chắn nghiệp vụ yếu. Thứ nhất là đóng chắn chậm, thứ hai là không chạy ngược về hướng tàu để báo hiệu cảnh giới cho lái tàu dừng lại trước khi qua đường ngang”, đại diện Cục Đường sắt nói rõ.

Theo cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT với UBND TP. Hà Nội, nhân viên gác chắn do địa phương quản lý được đào tạo nghiệp vụ tại Trường Cao đẳng Đường sắt. Nhưng qua vụ tai nạn cho thấy, nhân viên gác chắn xử lý tình huống chưa chuẩn, thiếu kinh nghiệm.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vị trí xảy ra tai nạn là lối đi tự mở công cộng km 28+800 tuyến đường sắt Bắc - Nam, không thể thu hẹp do đi vào khu đông dân cư nên đành để tồn tại.

Vị trí là lối đi dân sinh chưa thể rào chắn. Do vậy, để tăng cường an toàn, TP. Hà Nội đã chi kinh phí tổ chức chốt gác, cử người cảnh giới 24/24h. Tại vị trí này, nhân viên cảnh giới do Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ Hà Tây quản lý.

Tàu chậm tổng thời gian 163 phút

Thông tin với PV VietNamNet, đại diện Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tàu SE5 do công ty quản lý. Tàu đâm phải xe đầu kéo biển kiểm soát 15C-052.xx chở sắt ở đường ngang có chắn.

Sau cú tông mạnh, đầu máy (908) kéo tàu bị bẹp phần đầu, hỏng không thể tiếp tục chạy được phải xin cứu viện.

Lúc xảy ra tai nạn trên tàu có 153 hành khách. Toa xe HC 61621 bị gẫy đường ống nước và bị sắt cà xước sơn thành, toa xe số 1 (31512) bị sắt cà xước thành về phía phải theo hướng tàu chạy.

Máy cứu viện 903 từ ga chợ Tía ra kéo đoàn xe và máy 908 về ga này. Tàu SE5 chạy lại ở ga chợ Tía lúc 12h07, chậm tổng thời gian 163 phút.


Theo Vũ Điệp/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)