Phạn ngữ Yoga, mà tiếng Tây Tạng đọc là Rnal-ḥbyor, có nghĩa là ‘tương ưng’, tức là dùng phương pháp điều hòa hơi thở để nhiếp tâm khiến cho đạt được trạng thái tương ưng với chánh lý.
Yoga là một danh từ nam tính phái sinh từ gốc động từ √yuj, bao hàm các nghĩa liên tiếp, tiếp hợp. Thuật ngữ này được tìm thấy trong các sách thuộc thời đại Lê-câu-phệ-đà (Ṛg-Veda) và Áo nghĩa thư (Upaniṣad), nó ám chỉ phương pháp điều hòa hơi thở và quán sát nhằm đạt đến lý tưởng ‘Ngã Phạm nhất như’ (hiệp thông với Phạm thiên). Như vậy, trong tôn giáo và triết học Ấn Độ xa xưa, việc tu tập nhằm kết hợp với Phạm thiên hoặc sẽ cộng trú với Phạm thiên được gọi là Yoga.
Trước khi Siddhārtha thành Phật, Ngài đã từng thực tập phương pháp này với các bậc thầy Yoga như Ārāḍa Kālāma, UdrakaRāmaputra. Sau khi thành Phật, Ngài cũng sử dụng phương pháp này làm tiền đề cho các pháp môn tu tâm, tu tuệ mà Ngài đã khám phá ra, nhưng Đức Phật sử dụng phương pháp điều hòa hơi thở không nhằm đến chứng đắc các tầng thiền và càng không phải để cộng trú với Phạm thiên mà hướng tâm đến tuệ quán duyên khởi nhằm chứng các thánh quả vượt ra ngoài ba cõi.
Đến thời kỳ Phật giáo bộ phái, ở Ấn Độ có ra đời trường phái Du-già hành, sau truyền sang bên Trung Hoa hình thành tông Duy thức. Tông phái này sử dụng từ Yoga để chỉ cho sự tương ưng của tâm. Có thể nói, đến thời kỳ Phật giáo bộ phái, đặc biệt là trường phái Du-già hành, từ Yoga đã không còn mang ý nghĩa là phương pháp điều hòa hơi thở nữa mà nó chỉ cho sự ‘tương ưng của tâm’. Nói khác đi, trong quá trình phát triển, Phật giáo đã định nghĩa lại khái niệm Yoga trong tư tưởng tôn giáo Ấn Độ cổ xưa, đưa vào trong nó những khái niệm mới, mà chủ yếu là kỹ năng luyện tập và chuyển hóa tâm chứ không phải là những kỹ thuật uốn nắn thân thể như là những bài tập thể dục thể hình mà ta thấy và ngộ nhận về Yoga hay thiền Yoga như xưa nay!
Theo kinh Giải thâm mật, quyển 3, phẩm Phân biệt Du-già giải thích thì chủ thể của Du-già là Chỉ (Samatha) và Quán (Vipaśyanā). Trong đó, Samatha lấy sự không phân biệt ảnh tượng làm sở duyên khiến cho tâm đạt đến cảnh giới hoàn toàn tịch tĩnh, bình đẳng; Vipaśyanā lấy sự có phân biệt ảnh tượng làm sở duyên để quán sát cùng khắp nhằm đạt được sở tri nghĩa. Mặt khác, về phương diện Kiến đạo, Chỉ Quán phải song vận, lấy sự biên tế của tất cả pháp làm sở duyên để chứng đắc; về phương diện Tu đạo thì phải tiến đến sự tu tập Chỉ Quán bình đẳng; đến quả vị Phật thì lấy sự thành tựu viên mãn Sở tác trí làm sở duyên để bắt đầu chuyển đắc Pháp thân thanh tịnh. Như vậy, Chỉ và Quán làm chủ hết mọi quán hạnh, và vì vậy mà gọi là Du-già.
Trong cuốn Du-già sư địa luận thích, giải nghĩa từ
Yoga là bao gồm các pháp cảnh, hành, quả của tất cả các thừa, nó cũng bao hàm ý nghĩa phương tiện thiện xảo, tương ưng với các pháp. Theo đó, Viên trắc, trong cuốn Giải thâm mật kinh sớ, quyển 6, đã phân biệt thành bốn nghĩa Du-già, là cảnh, hành, quả và giáo:
1. Cảnh Du-già: là hết thảy cảnh không có tính điên đảo, không có tính chống trái nhau, mà nó có tính hay tùy thuận, tính xu hướng cứu cánh, cùng hợp với lý giáo chân chính. Nó tương ứng với chính, lý, giáo, hành, quả, cho nên gọi là Yoga.
2. Hành Du-già: là hết thảy các hành tướng đều hỗ tương, hòa thuận với nhau, hợp chính lý, thuận chính giáo, hướng đến chính quả.
3. Quả Du-già: là hết thảy các quả chứng đều hỗ tương, hòa điệu với nhau, hợp với chính lý, thuận với chính giáo, xứng chính nhân.
4. Giáo Du-già: là Tam thừa thánh giáo là hợp chính lý, thuận chính hành, dẫn tới chính quả.
Trong cuốn Thành duy thức luận thuật ký, quyển 2, giải thích từ Yoga mà có nghĩa là ‘tương ưng’ là bởi vì nó có 5 nghĩa tương ưng sau đây:
1. Tương ưng với cảnh: là bởi vì tự tính của tất cả các pháp không trái nghịch nhau.
2. Tương ưng với hành: là vì các hành tướng cùng tương ưng với định, tuệ…
3. Tương ưng với lý: là lý của nhị đế, gồm an lập và phi an lập.
4. Tương ưng với quả: là có khả năng đạt được quả vị Vô thượng bồ-đề.
5. Tương ưng với cơ: là khi đã chứng đắc quả viên mãn rồi thì phải thực hiện lý tưởng lợi sinh, cứu người cứu vật tùy theo căn cơ, tùy bệnh cho thuốc.
Đối với Mật tông, mà Kinh Đại nhật v.v… là nền tảng, đã phân biệt Yoga thành hai loại, hữu tướng và vô tướng.
Du-già hữu tướng là phương pháp luyện tập tâm chuyên chú vào cảnh duyên có hình tướng (như thân tướng của bổn tôn chẳng hạn…), trong khi quán tưởng, hình tướng được quán tưởng hiển hiện rõ ràng trong ý thức, duy trì sự chuyên chú đó lâu dài mà không tán loạn thì đắc được định, và từ đó mà nhập vào cảnh giới định ‘vô phân biệt’, tức là thành tựu pháp tập Du-già hữu tướng.
Du-già vô tướng là phương pháp quán tưởng ‘tâm chân thật’, lìa ngôn ngữ, không hình tướng, từ sự liễu ngộ tâm chân thật và trên cơ sở định tâm với tâm chân thật ấy mà đạt được ‘vô tướng tam-muội’, tức là thành tựu Du-già vô tướng.
Kinh luận của Mật tông nói rằng từ cánh cửa ‘Du-già hữu tướng’ có thể tiến vào ‘Du-già vô tướng’, và khi thành tựu ‘Du-già vô tướng’ là đạt tới cứu cánh giải thoát. Kinh Đại nhật, quyển thứ 7, ghi rằng: ‘Pháp vô tướng rất thâm sâu, kẻ liệt huệ không thể nào kham nhậm được, nhưng vì muốn cho kẻ ấy cũng được pháp bình đẳng nên đã phương tiện mở bày Pháp hữu tướng’. Đoạn kinh này, như vậy, đã minh thị Hữu tướng du-già chỉ là phương tiện dành cho những người trí tuệ kém cỏi, không đủ khả năng tiếp nhận trực tiếp pháp tu Vô tướng du-già.
Một số người cho rằng, thành tựu pháp Hữu tướng du-già chỉ có khả năng trị liệu được một số bệnh, đánh đuổi ma quỷ… tức là những thành tựu khiêm tốn. Nếu như có thể tiến xa hơn, thành tựu được pháp Vô tướng du-già thì mới có khả năng kéo dài tuổi thọ, chứng đắc thần thông…
Những hành giả Du-già như Nhất Hạnh (Trung Hoa), tác giả cuốn Đại nhật kinh sớ,Tsoṅ-kha-pa (Tông-khách-ba), tác giả cuốn Mật tông đạo thứ đệ luận… đều nhấn mạnh sự tu tập tuần tự, tiệm tiến, trước hết phải tu Hữu tướng du-già, cho đến khi được thành tựu rồi thì ở trong định tâm mà khởi tu quán, quán ngược trở lại tự tâm thì sẽ thấy, cái thấy đó sẽ là sự ngộ ra rằng tự tính vốn không, ngay đó là chứng nhập Vô tướng du-già.
Trong Mật giáo họ cũng nói đến thuyết ‘tam mật Du-già tương ưng’. Theo đó, họ cho rằng, ‘tam mật Du-già tương ưng’ cũng giống như ‘tam-muội tương ưng’, tất cả đều thuận với chánh lý. Đại nhật kinh sớ, quyển 3, ghi rằng: “Khi vị giáo thọ (a-xà-lê) đã chứng đắc pháp Du-già thì bất cứ việc làm gì cũng đều tương ưng với tam-muội. Chẳng hạn, khi vị ấy dâng hoa cúng Phật, thì việc dâng hoa ấy hoàn toàn ở trong định, cho nên gọi là ‘hoa tam-muội tương ưng’, trong trạng thái tương ưng với định ấy, vị Bổn tôn hiển hiện rõ ràng trước mắt. Nếu vị ấy cúng hương, đèn, nước… thì việc làm ấy cũng tương ưng với định, gọi là hương tam-muội, đèn tam-muội, nước tam-muội… Mỗi mỗi việc làm tương ưng với định thì vị Bổn tôn cũng theo đó mà hiển hiện rõ ràng trước mắt. Như vậy, trong mỗi một duyên, mỗi một điều kiện đều là cánh cửa để đi vào pháp giới, đều thấy được thiện tri thức, vận dụng xoay tròn như vậy đều cùng tương ưng với chánh lý, không cần phải đợi đến khi gặp sự mới bắt đầu khởi quán. Nên biết rằng, người ấy (tức vị giáo thọ đã chứng Du-già) đã có thể thực hành pháp bí mật của một A-xà-lê.
“Người nghiên cứu và thực tập pháp Du-già cũng là người khéo léo tu tập pháp tương ưng.Nghĩa là, đối với ba bộ chân ngôn, thượng, trung, hạ mỗi mỗi bộ đều thành tựu thông đạt, đều tương ưng với chánh lý, thì gọi là ‘Thiện tu du-già’.
“Lại nữa, trong pháp Tức tai (dứt trừ tai họa), có thể sử dụng pháp tu này để làm phương tiện tu tập pháp Tăng ích, Hàng phục. Hoặc trong pháp Tăng ích, cũng có thể sử dụng để làm phương tiện tu tập pháp Hàng phục, Tức tai. Trong pháp Hàng phục cũng có thể sử dụng để làm phương tiện tu tập pháp Tức tai, Tăng ích. Có nghĩa là, pháp này tương ưng với pháp kia, các pháp tương tức với nhau, nếu người nào có thể khéo léo phân biệt được thì gọi là ‘Thiện tu du-già’”.
Ngoài ra, chúng ta còn có khái niệm Du-già sư để chỉ cho những người tu tập, thực hành các pháp quán hạnh Du-già đã chứng thiền định tương ưng; phương pháp quán hạnh đó gọi là Du-già hành; giai vị tu hành mà hành giả tu tập quán hạnh Du-già chứng được gọi là Du-già sư địa. Mật giáo lấy tam mật Du-già làm tông, nên gọi một cách tổng quan là Du-già giáo.
Theo Ấn Thuận, từ Du-già sư vốn chỉ cho những thiền sư, là những đệ tử của Đức Phật thời cổ đại, chứ không phải để chỉ cho những giáo đồ Phật giáo thời kỳ sau này chuyên lo việc lễ bái, cúng kiếng, xem việc thực hiện nghi lễ như là phương pháp tu hành. Trong quá khứ, những bậc thầy Du-già là những người ngoài việc chuyên học kinh, luận, trì giới ra, họ chủ trương, đối với tự thân thì ‘tinh cần thiền quán’, đối với tha nhân thì ‘đem giáo pháp để giáo hóa’.
Thiền quán là sự tu tập quán chiếu ngay nơi thân tâm mình để thể nghiệm sự thật. Sự tu trì mà đạt đến cảnh giới Chỉ Quán tương ưng, tâm cảnh hoặc lý trí tương ưng, khế hợp nhau thì gọi là Du-già. Du-già như vậy có nghĩa là tương ưng. Mặc dù đây là một trong những pháp tu tất yếu của những đệ tử Đức Phật, nhưng vì căn tánh, sở thích… mỗi người khác nhau, cho nên thời xưa phân khoa từng ban giáo gồm có Kinh sư, Luật sư, Luận sư, Du-già sư… để giảng dạy cho phù hợp đối tượng. Ban Du-già sư là những thầy chuyên tu tập pháp Du-già, nhưng những thầy trong Ban Kinh sư không phải không tu thiền quán, thầy Du-già không phải không học kinh, luận.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU