Mười năm trước, phương án đưa suất ăn vào giá vé từng được ngành đường sắt thực hiện nhưng rồi phải dừng vì không hiệu quả. Giờ đây, các đơn vị thuộc ngành đường sắt lại có ý định khôi phục lại bữa ăn trên tàu. Nhưng, người đứng đầu ngành đường sắt khẳng định, suất ăn trên tàu sẽ được phục vụ miễn phí (không tính vào giá vé tàu) và đạt tiêu chuẩn của hàng không. Việc thay đổi này nhằm thu hút khách quay lại với tàu hỏa.
Hành khách hoài nghi...
Không ít ý kiến cho rằng, việc ngành đường sắt bán suất ăn vào giá vé làm cho hành khách không có lựa chọn, thậm chí, có ý kiến bình luận, đường sắt đang lặp lại “nạn cơm tù” như xe khách trước đây. Một số băn khoăn vì một suất ăn như vậy sẽ là bắt buộc và chi phí được tính thêm vào giá vé.
|
Ngành đường sắt sẽ thí điểm đưa suất ăn theo tiêu chuẩn hàng không lên tàu.
|
Ủng hộ đưa suất ăn lên tàu, ông Phạm Văn Đoan (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, trước đây cơm nhà tàu bán bữa ngon, bữa không, không theo tiêu chuẩn chất lượng, định lượng nào cả. Nay nếu phục vụ suất ăn “hàng không” đảm bảo chất lượng, vệ sinh mà lại không tính vào giá vé thì cũng là việc tốt, thuận tiện cho hành khách.
“Nói thật là nhiều người bây giờ ít đi tàu, phần vì phục vụ, chất lượng kém, thời gian đi lâu hơn máy bay. Trong khi mua đồ ăn ở các ga dọc đường thì không yên tâm, mang thức ăn từ nhà theo cũng không bảo quản được lâu vì hành trình tàu dài. Nên tặng xuất ăn không tính phí cũng là hợp lý. Tôi ủng hộ”, ông Đoàn cho biết.
|
Quầy phục vụ ăn uống trên tàu trước đây.
|
Còn chị Nguyễn Minh Hiền (Đống Đa, Hà Nội) thẳng thắn: “Theo tôi, không nên dùng suất ăn hàng không. Trên trời, tiếp viên hàng không phục vụ gì thì ăn nấy, có được lựa chọn đâu. Còn đi tàu bây giờ, thích mua cơm suất, không thì ăn món khác, nhà tàu cũng bán. Quan trọng là chất lượng tàu sao cho cải thiện hơn”, chị Hiền nói.
Tạo dựng hình ảnh “đường sắt mới”
Về chủ trương đưa xuất ăn “hàng không” phục vụ trên tàu của ngành đường sắt, Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết: Chi phí suất ăn sẽ được tính vào giá vé nhưng ngành đường sắt sẽ chịu khoản chi phí này và không tăng giá đối với hành khách.
Theo ông Minh, suất ăn là một trong những nỗ lực của Tổng Cty ĐSVN nhằm tăng chất lượng dịch vụ nhưng vẫn giữa nguyên, thậm chí có thể hạ giá vé.
“Mục tiêu của chúng tôi là tăng thêm các dịch vụ để thu hút khách, tăng sản lượng. Lợi nhuận trên một khách có thể giảm đi nhưng khi khách đông, chúng tôi có thể có lãi hơn”, ông Minh nói.
|
Toa ghế ngồi với 56 chỗ và độ ngả của các ghế cũng có thể điều chỉnh để hành khách nghỉ ngơi.
|
Ông Minh lý giải, việc chấm dứt cung cấp suất ăn trên tàu vào năm 2007 không đơn thuần vì khách không muốn sử dụng dịch vụ này của đường sắt lúc đó mà một phần do ngành đường sắt muốn tăng lợi nhuận/vé.
“Đến nay, dù có nhiều cố gắng nhưng lượng khách vẫn giảm. Kể cả những cung đoạn từ 300km trở về vốn là ưu thế trước đây thì nay cũng tụt giảm. Chúng tôi nhận thấy rằng, cái cần nhất là đông đảo khách đến với đường sắt chứ không phải lợi nhuận tối đa trên một hành khách” – ông Minh nói.
Trả lời câu hỏi, vì sao không giảm giá vé rồi để hành khách dành tiền tự lựa chọn, có mua suất ăn hay không như hàng không giá rẻ, ông Minh cho rằng: Hàng không có thời gian di chuyển trong 1 vài giờ, có người có nhu cầu ăn, có người không. “Còn đi tàu mất thời gian dài, hầu hết các hành khách đều có nhu cầu ăn khi đến bữa. Đó là lý do chúng tôi thực hiện đại trà”, ông Minh phân tích.
Người lãnh đạo ngành đường sắt khẳng định, mục tiêu của việc đưa suất ăn hàng không lên tàu là nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đem đến dịch vụ tốt nhất cho hành khách. Nếu thực sự tốt mới nhân rộng.
Chủ tịch VNR cho hay, hiện tại đơn vị đã tiến hành xong quá trình đàm phán với đơn vị cung cấp là Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco). Theo đó, suất ăn sẽ được cung cấp thí điểm trên 6 đoàn tàu SE (loại tàu chất lượng cao nhất hiện nay) trên tuyến Bắc - Nam. Trong ngày, tuỳ vào thời điểm, hành khách sẽ được cung cấp bữa ăn chính (giá trị 35.000 đồng) và bữa ăn phụ (25.000 đồng/suất).
Thực đơn có tính đến yếu tố ẩm thực vùng miền, cho người ăn bình thường hoặc ăn chay. Ông Minh cho hay, do thời gian di chuyển trên tàu dài nên suất ăn cũng được tăng thêm khối lượng so với hàng không.
Cũng theo ông Minh, không thể vì ngày xưa thất bại một lần mà giờ không làm. Mức sống, nhu cầu, đòi hỏi của người dân tăng lên, chất lượng dịch vụ cũng phải tăng theo. Hơn nữa, việc mua suất ăn của hàng không là để tận dụng được thương hiệu sẵn có, đã được xã hội đón nhận và chứng minh qua thực tiễn.