Thời gian gần đây, nhiều vụ đuối nước liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước khiến nhiều người thiệt mạng. Gần đây nhất, trên địa bàn Lâm Đồng đã xảy ra 4 vụ đuối nước trong các ao, hồ trữ nước tưới nông nghiệp khiến 9 người tử vong, hầu hết là các cháu bé.
Tại Hà Nội, theo Công an thành phố cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra 8 vụ đuối nước làm 9 người tử vong. Cụ thể, ngày 29/4, nhóm 4 học sinh lớp 11 rủ nhau ra bãi sông Hồng (cầu Vĩnh Tuy) chơi và tắm. Trong lúc tắm, 2 học sinh bị nước cuốn mất tích.
Riêng hồ Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), tối 3/4 vừa qua, nhóm công nhân (nghề tự do) rủ nhau ra hồ Linh Đàm để tắm, sau đó một trong số những người này bị đuối nước.
Hồ Linh Đàm thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội từ nhiều năm trở lại đây là địa điểm lý tưởng của người dân “giải nhiệt” vào mùa hè, cơ quan chức năng đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm và cấm tắm dưới hồ nhưng nhiều người vẫn không tuân thủ quy định này.
Ghi nhận của PV, những ngày gần đây, nền nhiệt độ khoảng 32-33 độ C, trời nắng nóng, tại "hồ tử thần" này vẫn có hàng trăm người, từ già đến trẻ, nam đến nữ vô tư ra hồ tắm để “xả” nóng.
|
Nắng nóng gay gắt đầu mùa kéo dài cả ngày với nền nhiệt độ khoảng 32-33 độ C, nhiều người dân tìm đến các sông, hồ ở Hà Nội vào buổi chiều để giải nhiệt.
|
|
Ghi nhận của PV, tại hồ Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), nơi hay xảy ra nhiều vụ đuối nước, có đến hàng trăm người từ già đến trẻ, nam đến nữ vô tư ra hồ tắm để “xả” nóng.
|
|
Tuy có biển cấm bơi lội trên hồ nhưng người dân vẫn tụ tập để "giải nhiệt".
|
|
Một số người thản nhiên tắm hồ mà không có phao, không có đồ bảo hộ.
|
|
Một số trang bị chiếc phao tự chế như bình, can nhựa... buộc bên người.
|
|
Hồ Linh Đàm là hồ có mực nước rất sâu, có nơi sâu đến chục mét. |
|
Không mất chi phí nên nhiều người đến đấy để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng.
|
|
Nhiều người thản nhiên bơi ra giữa lòng hồ, nơi có mực nước sâu bất chấp nguy hiểm.
|
|
"Nắng nóng thế này có chỗ bơi là tốt, bể bơi cách xa nhà quá nên ra hồ luôn cho tiện. Hôm nào không mưa cũng ra đây bơi, bơi một tiếng rồi về", một người dân chia sẻ.
|
|
Người dân thản nhiên bơi hồ để "giải nhiệt" bất chấp nguy hiểm, lệnh cấm.
|
Theo Công an thành phố Hà Nội, đuối nước là một tình trạng rất thường gặp, nhất là vào mùa hè. Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả những người bơi thành thạo. Do đó, nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách có thể để lại các tổn thương nặng nề lên tim, phổi, thần kinh, thậm chí gây ngừng tim, ngừng thở và tử vong.
Để chủ động phòng ngừa đuối nước, cơ quan công an khuyến cáo người dân và cộng đồng cần trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước…
Đặt biển cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy.... Đối với các bể bơi, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ.
Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, chỉ nên bơi trong khu vực an toàn được chỉ định. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
"Phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân (nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt…cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào" - cơ quan công an khuyến cáo.