Tiền đâu sư Toàn mua hàng nghìn m2 đất?
Liên quan đến vụ việc Đại đức Thích Thanh Toàn xin xả giới, hoàn tục đồng thời giữ lại toàn bộ tài sản là trang trại, đất đai, vật dụng mang tên chủ sở hữu sau nghi án gạ tình nữ phóng viên, mới đây, UBND huyện Tam Đảo đã có báo cáo về các sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất đai, xây dựng trái phép tại chùa Nga Hoàng của nhà sư Thích Thanh Toàn.
Đáng chú ý, theo báo cáo, từ khi về trụ trì chùa Nga Hoàng năm 2008, sư Thích Thanh Toàn đã có hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai với người dân địa phương ở xã Hợp Châu không thông qua chính quyền địa phương, với tổng diện tích là 5.790,9 m2 (nguồn gốc đất là đất ruộng nhận chuyển nhượng của các hộ dân xã Hợp Châu, nhà chùa chưa xây dựng, hiện các hộ dân đang trồng lúa gồm 14 hộ, tổng diện tích 3.937,2 m2 và 1.853,7 m2 đất thủy lợi).
Do số diện tích đất trên hiện chưa được sang tên, do sư Toàn tự bỏ tiền ra mua, chuyển nhượng, nhưng không thông qua chính quyền địa phương nên UBND huyện Tam Đảo đã ra thông báo đề nghị giao lại toàn bộ diện 5.790,9 m2 đất nói trên cho UBND xã Hợp Châu quản lý.
|
Sư Thích Thanh Toàn. |
Báo cáo của UBND huyện Tam Đảo cũng cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2019, nhà sư Thích Thanh Toàn liên tục có những hoạt động sử dụng đất và xây dựng các công trình trái phép, gồm: 1 cổng tam quan bên đồi Phúc Hòa (xây dựng năm 2014); bệ, tượng Phật A di đà 4m2, cao khoảng 3m (xây dựng năm 2015); Đàn tế 1 bục diện tích khoảng 5m2, 1 nhà diện tích khoảng 20m2 (xây dựng năm 2015)...
Ngoài số diện tích đất trên, trong một clip được đăng tải trên mạng xã hội, sư Thích Thanh Toàn khoe mình có nhiều tài sản có giá trị, ước tính khoảng 200 - 300 tỷ.
Dư luận đặt câu hỏi về việc sư Thích Thanh Toàn lấy tiền từ đâu để mua tận 5.790m2 đất và sở hữu tài sản lên đến 300 tỷ? Tuy nhiên, câu hỏi trên hiện chưa có câu trả lời khi ngay lãnh đạo UBND huyện Tam Đảo khi trả lời báo chí cho biết: “Chúng tôi không rõ sư Toàn lấy tiền đâu mà mua, chuyển nhượng đất như vậy".
Cần làm rõ tiền, tài sản sư Toàn
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay, việc xác lập quyền sở hữu tài sản được bộ luật dân sự quy định rất cụ thể tại Điều 221 Bộ luật dân sự 2015.
Theo đó, quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây: Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác; Thu hoa lợi, lợi tức; Được thừa kế; Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này; trường hợp khác do luật quy định.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức được xác lập quyền sở hữu tài sản và có quyền định đoạt đối với tài sản đó.
Bên cạnh đó, pháp luật không hạn chế quyền tài sản đối với những thầy tu hoặc những người theo tín ngưỡng tôn giáo khác.
Tuy nhiên, đối với tài sản của nhà sư trong trường hợp này cần làm rõ căn cứ xác lập quyền sở hữu có phải do hoạt động lao động có thu nhập hay không? thu nhập đó có hợp pháp hay không hoặc từ đâu mà có, có thuộc trường hợp pháp luật quy định hay không?
“Đối với tài sản mà người dân cúng dường, công đức, dưới góc độ pháp lý là tặng cho tài sản thì phải làm rõ là tặng cho cá nhân sư thầy hay tặng cho nhà chùa thì mới có căn cứ xác định. Trong trường hợp khi người dân cúng cho chùa sẽ gửi nơi gọi là hòm công đức, khi đó có thể xác định là tài sản của chùa. Hoặc những giao dịch chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ nguồn tiền từ ngân quỹ của chùa thì đó là tài sản của nhà chùa. Mọi hoạt động giao dịch như trên sẽ phải chịu sự giám sát và cho phép của Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, hiện nay, nhiều người lợi dụng tôn giáo để trục lợi, thu lợi bất chính, do đó Giáo hội Phật giáo Việt nam cần phải có sự giám sát chặt chẽ tài chính tại các cơ sở tôn giáo, tránh việc lợi dụng lòng tín ngưỡng của người dân để trục lợi, kinh doanh tôn giáo.
Do đó, nhà sư muốn chứng minh tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân mình thì phải chứng minh được nguồn gốc tài sản đó là được tặng cho, thừa kế riêng, hoặc tự mình lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp mà có.
Đối với diện tích đất mà sư Toàn mua của người dân thì đây là đất nông nghiệp trồng lúa nước, việc chuyển nhượng loại đất này chỉ được thực hiện giữa các hộ sản xuất nông nghiệp cùng địa phương và phải được cấp chính quyền cho phép, phải đăng ký sang tên theo quy định pháp luật.
Việc chuyển nhượng của sư Toàn với một số hộ dân không thực hiện theo đúng thủ tục luật định nên sẽ không được pháp luật thừa nhận.
Trong trường hợp người sử dụng đất đã sử dụng đất sai mục đích, vi phạm các quy định của luật đất đai thì có thể bị thu hồi đất theo quy định.
Bởi vậy, căn cứ vào các quy định của pháp luật về dân sự, luật đất đai thì chưa đủ cơ sở để xác định diện tích đất nông nghiệp nêu trên là tài sản thuộc quyền sử dụng hợp pháp của sư Toàn.
Trong trường hợp diện tích đất đó bị thu hồi hoặc hợp đồng bị hủy bỏ thì sư Toàn có quyền khởi kiện người chuyển nhượng đất để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong trường hợp này thì sư Toàn chỉ có thể yêu cầu những hộ đã nhận tiền trả lại số tiền đó cho sư Toàn theo quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự vô hiệu.
Đối với các công trình xây dựng trái phép, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy định về sử dụng đất đai thì ngoài việc xử phạt hành chính, chính quyền địa phương cũng có quyền yêu cầu sư Toàn và nhà chùa phải khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm. Trong trường hợp sử dụng đất sai mục đích thì con có thể bị thu hồi đất theo quy định pháp luật.
Nếu có tranh chấp liên quan đến số tiền mua đất của các hộ dân giữa nhà chùa và sư Toàn hoặc giữa tổ chức, cá nhân nào đó với sư Toàn thì sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Vị sư này có được số tiền đó có thể là do tổ chức, cá nhân biếu, tặng riêng hoặc do lao động, sản xuất... mà có.
Trong trường hợp, không phải do tổ chức cá nhân tặng cho riêng, không phải có nguồn gốc từ thừa kế hợp pháp hay từ lao động, sản xuất hợp pháp mà tài sản có nguồn gốc từ nhà chùa, cho người dân cúng tiến để xây dựng chùa chiền, đưa vào hòm công đức, vào quỹ của nhà chùa nhưng sư Toàn tự ý lấy ra để mua đất đứng tên cá nhân thì số tiền mua đất này phải trả lại nhà chùa.
|
Luật sư Trương Anh Tú. |
Nói về việc sư Thích Thanh Toàn xin giữ lại tài sản trị giá 200 - 300 tỷ đồng khi hoàn tục, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, bản thân ông không đồng tình.
“Sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra? Đi vào chùa với hai bàn tay trắng mà hoàn tục lại có tiền, thế thì phải chăng ở Giáo hội này là nơi kiếm tiền? Sư thầy không buôn bán thì chỉ có xác suất là tiền của chúng sinh đóng góp cho nhà chùa thông qua sư thầy. Không phải đóng góp cho sư thầy thì cái này là của Giáo hội, Giáo hội phải nhận lấy. Giáo hội không nhận thì trả lại nhân dân", Luật sư Trương Anh Tú nêu ý kiến.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, nếu nói là tài sản cá nhân sư Toàn, thì phải có các giấy tờ chứng minh. Sư Toàn phải chứng minh được có một khoản thừa kế, hồi môn chẳng hạn. Còn nếu khối tài sản 200 - 300 tỷ đồng có được từ việc Phật tử cung tiến cho nhà chùa, thì sư Toàn không thể giữ lại sau khi hoàn tục.