Đừng để vấp lại “vết xe đổ” từ sự cố môi trường biển
Ngày 29/5, tại buổi làm việc với đại diện các Bộ, ngành T.Ư, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã phát biểu: “Sau sự cố môi trường biển, dư luận rất băn khoăn, lo lắng, không chỉ đối với Thạch Khê mà cả đối với các dự án lớn, có quy mô khác. Vấn đề ô nhiễm môi trường trở thành cấp bách. Đầu tư kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường”.
“Vì vậy, việc khảo sát vùng mỏ, đánh giá lại từ đầu một cách nghiêm túc, khách quan là yếu tố cần nhất để đưa ra quyết định có nên tái sinh hay dừng lại dự án mỏ sắt Thạch Khê. Điều này liên quan đến phát triển KT-XH, tác động môi trường nhưng cũng để nhân dân an tâm. Vì vậy, việc đánh giá tác động môi trường của dự án phải được xem xét một cách khoa học, kỹ lưỡng mang tính bền vững” – Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
|
Ô nhiễm nguồn nước nặng. |
Sau khi ngừng các hoạt động tại mỏ sắt, đã có nhiều đoàn khoa học về khảo sát địa chất. Đây là vùng mỏ nằm sát biển, khối lượng quặng phân bổ sâu, lớp đất phủ chủ yếu (cát, sét…), nhiều nước ngầm, diện tích dự án 4.821 ha, moong mỏ rộng 703ha, không chỉ ảnh hưởng 6 xã của huyện Thạch Hà mà còn ảnh hưởng đến các xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, TP.Hà Tĩnh.
Đặc biệt, khi đi vào khai thác, nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ trên các tuyến đường vận tải trong biên giới mỏ là hoàn toàn nằm trong khả năng. Mức độ tụt giảm mực nước ngầm là lớn dẫn đến sa mạc hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, xâm nhập mặn vào khu dân cư.
Trong báo cáo khoa học của GS.TS khoa học Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội địa hóa Việt Nam, ông quan ngại: Khối lượng đất thải rất lớn, hơn 194 triệu m3 đổ vào bãi thải đất liền phía Bắc của mỏ, hơn 262 triệu m3 đổ vào bãi thải phía Nam, tạo ra cao trình 90m. Bãi thải này chỉ cách khu dân cư hơn 200m. Đây là mối ẩn họa tiềm tàng về ô nhiễm vì bão cát, sạt lở.
Theo tính toán, với công suất 5 triệu tấn/năm, mỗi ngày TIC sẽ vận chuyển khoảng 17.000 tấn quặng đi tiêu thụ. Tuyến đường ven biển Thạch Khê – Vũng Áng sẽ nhanh chóng xuống cấp do phải chịu tải bình quân gần 1.000 lượt xe/ngày. Rồi ô nhiễm nguồn bụi bẩn từ các chuyến xe vận tải sẽ ảnh lớn đến người dân từ vùng mỏ lên đến TP.Hà Tĩnh.
Trong khi đó, với khối lượng dự kiến xấp xỉ 172 triệu m3 đổ lấn từ mép biển đến độ sâu âm -10m, TS Thuận lo ngại, bãi thải trên biển lớn nhất cả nước từ trước tới nay với cao trình bề mặt đạt độ cao +25m sẽ làm thay đổi cân bằng giữa quá trình tương tác giữa biển và đới bờ và gây ra nhiều hậu quả khác.
Đó là chưa nói đến việc tác động tổng hợp của thiên tai và động lực biển dễ dàng phá hủy bãi thải, gây ra nhiều hậu quả, như: Thay đổi nền đáy biển, xói lở bờ biển phía Bắc, phía Nam bãi thải, suy thoái môi trường nước biển, thay đổi hệ sinh thái ven bờ, làm biến dạng ngư trường – GS-TS Thuận nhấn mạnh.
Sau khi phân tích kỹ, GS-TS đã lo ngại vấn đề môi trường trong tương lai: “Khi hình thành và tồn tại bãi đổ thải biển quy mô lớn, từ đới bờ ra đến độ sâu -10m, vấn đề đổ thải đất đá mỏ ra biển không bao giờ là chuyện đơn giản, ngay cả đối với những nước giàu”.
Đó là chưa kể đến về mặt kinh tế sẽ mất cả khu du lịch biển Thạch Hải, tiềm ẩn ảnh hưởng rủi ro lớn đến cả dải du lịch ven biển của Hà Tĩnh. “Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải xuống cấp nhanh chóng. Ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, ổn định đời sống nhân dân, phát triển đô thị của cả khu vực Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh”, báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu.
Nghèo tái diễn
Gần 7 năm đại dự án mỏ sắt Thạch Khê dừng hoạt động, cuộc sống, sinh hoạt của hơn 25 nghìn hộ dân thuộc 6 xã của huyện Thạch Hà rơi vào cảnh “sống dở chết dở”, “đi không được, ở không xong”.
Sau khi nhường đất cho dự án, tiền bồi thường thấp, dân không có tiền mua đất, xây nhà. Dẫn đến nhiều hộ vẫn “cố thủ” nơi vùng quy hoạch, 3-4 thế hệ sống chung trong một mái nhà lụp xụp không được cơi nới, sửa sang. Cực đã đành, dân nông nghiệp mà lại không có đất sản xuất, thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật liên miên do ô nhiễm nguồn nước.
Gia đình ông Bùi Quang Mai (Thạch Bàn, Thạch Hà) có đến 3 thế hệ (9 con người) sống trong một căn nhà cấp 4, lụp xụp, mái nhà còn phải dựng bero. Mưa thì nước ngập dột, nắng thì nóng như lửa đốt. “Việc làm không có, đất đai khô cằn, trồng cây gì, nuôi con gì đều tự khắc mà chết vì thiếu nước” – ông Mai nói.
Còn tại xã Thạch Hải có 15 gia đình có 3 - 4 hộ cùng chung sống, hiện nay có đến 30 – 40 hộ dân đã phải tự di chuyển, tìm chỗ ở nơi khác, người thì đi xuất khẩu lao động, người thì ly hương khỏi xã. Hiện vẫn còn 200 hộ dân bí bách về đất ở, có người phải chuyển hộ khẩu về gia đình vợ để nuôi một hi vọng mong manh chờ… đất ở.
“Mùa nắng, đồng ruộng khô cạn, vườn tược cây cối tự khắc chết cháy, hoa màu không thể phát triển được, do thiếu nguồn nước tưới tiêu trầm trọng. Dân chúng tôi, hàng ngày tiện gì làm nấy miễn là có tiền chi tiêu hàng ngày. Trăm cái khổ đổ lên đầu dân. Đã thế, sức khỏe lại yếu dần, bệnh tật phát sinh. Vừa rồi tôi toàn thân lở loét, ra Bệnh viện Da liễu trung ương khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị nhiễm kim loại nặng” – ông Nguyễn Xuân Nghị (Thạch Bàn) cho biết.
Việc xây dựng hạ tầng các khu tái định cư (TĐC) thiếu đồng bộ như khu TĐC xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn không có nước sạch cho các hộ, khu TĐC Thạch Bàn còn dở dang. “Do nằm trong quy hoạch nên việc khai thác, sử dụng quỹ đất để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển mô hình kinh tế gặp nhiều khó khăn. Hiện số hộ nghèo của 6 xã vùng mỏ sắt lên tới gần 800 hộ, cận nghèo lên tới gần 700 hộ”, ông Nguyễn Quốc Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết.