Siêu bão Rai có cường độ rất mạnh và rất hiếm gặp

Google News

Chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định bão Rai là cơn bão rất mạnh và là trường hợp hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), siêu bão Rai hiện đang tiến sát Biển Đông. Đây là cơn bão rất mạnh và hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây.

[Bão Rai mạnh lên thành siêu bão, gió đạt cấp 16-giật trên cấp 17]

Xung quanh nhận định trên, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã dành thời gian chia sẻ với báo chí về các diễn biến mới nhất của cơn bão, cũng như đưa ra các khuyến cáo giúp người dân có phương án phòng tránh kịp thời, để giảm thiệt hại do bão gây ra.

Cơn bão hiếm gặp trong nhiều năm

- Trước hết, xin ông cho biết cơn bão RAI đến thời điểm này, diễn biến như thế nào?

Ông Trần Quang Năng: Chiều nay (16/12), bão RAI tiếp tục mạnh thêm. Chúng tôi xác định đây là cơn siêu bão với cấp gió mạnh nhất vùng gần tâm bão ở cấp 16, giật trên cấp 17. Vị trí hiện tại, ngay lúc 16 giờ chiều nay đang ở trên vùng biển miền Trung và miền Nam của Philippines. Đây là cơn bão rất mạnh.

Bán kính gió mạnh của bão từ cấp 6 trở lên là 300km. Toàn bộ hoàn lưu của mây bão đang ảnh hưởng trực tiếp khu vực miền Trung và miền Nam của Philippines.

- Với mức độ cảnh báo trên, theo ông, cơn bão này sẽ gây ra nguy hiểm gì trên các vùng biển, thưa ông?

Ông Trần Quang Năng: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định từ chiều tối nay (16/12) cho đến tối mai (17/12), cơn siêu bão này sẽ suy yếu và đi vào Biển Đông. Khi đi vào Biển Đông, cường độ giảm khoảng hai cấp so với hiện tại, tức là khoảng cấp 14. 

Như vậy, có thể thấy mặc dù siêu bão có xu hướng giảm cấp khi đi qua miền Trung Philippines do ma sát với địa hình nhưng khi vào Biển Đông vẫn là cơn bão rất mạnh, cấp 13-14. Đây cũng là cơn bão hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây.

Vùng ảnh hưởng trực tiếp là vùng phía Đông của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Do vậy, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong khu vực này trong 24-48 giờ tới sẽ gặp nhiều nguy hiểm - nếu còn tàu truyền ở đây.

- Đến thời điểm này là cuối năm, vậy việc xuất hiện siêu bão như hiện nay có bất thường không, thưa ông?

Ông Trần Quang Năng: Theo thống kê của chúng tôi, trong khoảng 50 năm gần đây có 8 cơn siêu bão (tức đạt từ cấp 16 trở lên) xuất hiện trên vùng biển tây bắc Thái Bình Dương. Trong đó, năm 2016, có một cơn siêu bão cũng hình thành vào thời điểm tháng 12.

Như vậy có thể thấy đây là trường hợp hiếm gặp trong nhiều năm trở lại đây.

Sieu bao Rai co cuong do rat manh va rat hiem gap

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đối khí hậu hiện nay, các hình thái thiên tai dị thường, thiên tai lớn có thể sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Do vậy, chúng ta cần phải tập trung, nâng cao công tác ứng phó để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.

Rất nhiều kịch bản có thể xảy ra

- Thông thường bão lớn hay đổ vào phía Nam của Việt Nam, liệu cơn bão này có như vậy không, thưa ông?

Ông Trần Quang Năng: Theo tính toán mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng như các trung tâm dự báo bão lớn trên thế giới, có sự tập trung rất lớn là cơn bão Rai này sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc trong 24-48 giờ đầu.

Khi vào đến kinh tuyến 110-111 thì bắt đầu có xu hướng dịch chuyển lên phía Bắc, hướng về quần đảo Hoàng Sa và sau đó là về phía Trung Quốc.

Như vậy, có thể thấy nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực vùng biển phía Nam của Việt Nam (từ Bình Thuận trở vào) là chưa cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, có rất nhiều kịch bản có khả năng xảy ra.

Kịch bản lớn nhất mà chúng tôi dự báo hiện nay là cơn bão sẽ đi lên phía Bắc và chúng ta sẽ tập trung ứng phó với tình huống này. Nếu có những diễn biến có thể xảy ra trong thời gian tới thì chúng tôi sẽ cập nhật ngay lập tức.

- Từ những cảnh báo, nhận định kể trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia có khuyến cáo gì với người dân và cơ quan chức năng các địa phương, để kịp thời có phương án phòng chống, thưa ông?

Ông Trần Quang Năng: Đây là cơn bão rất mạnh và có xu hướng di chuyển nhanh. Do đó, các tàu thuyền, nhất là khu vực giữa và nam Biển Đông cần khẩn trương có phương án di chuyển tránh trú để đảm bảo an toàn./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hùng Võ/Vietnamplus

>> xem thêm

Bình luận(0)