Chiều 14/8, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông”.
Đánh giá chung, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng SGK triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung SGK cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn...
Giá SGK theo chương trình mới tăng 2-4 lần
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới SGK giáo dục phổ thông. Đáng chú ý, theo đoàn giám sát, việc cung ứng, phát hành SGK còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: QUANG THẮNG
|
“Giá SGK theo chương trình mới tăng 2-4 lần giá SGK chương trình cũ” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát, cho biết.
Ông Nguyễn Đắc Vinh dẫn chứng mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 với SGK là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023, chiết khấu với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
“Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trực thuộc sự quản lý của Bộ GD&ĐT chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong việc biên soạn, in ấn, phát hành SGK, còn để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật, chi phí phát hành (chiết khấu) cao, giá SGK khá cao” - đoàn giám sát nêu.
Dẫn chứng với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, báo cáo giám sát nêu các bộ SGK lớp 1 mới có giá 179.000-194.000 đồng/bộ, tức là khoảng 19.000/cuốn. Trong khi đó, bộ sách cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn. Tương tự, các bộ SGK lớp 2 mới có giá 179.000-186.000 đồng/bộ, khoảng 18.000/cuốn; bộ cũ có giá 53.000 đồng…
Đoàn giám sát cho rằng giá sách cao đã gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, tình trạng bán SGK kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách.
“Dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm SGK, có nhiều bộ SGK nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá SGK môn tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần” - đoàn giám sát nhận xét.
Cũng theo đoàn giám sát, chi phí phát hành SGK cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.
Chi phí chiết khấu tác động lớn đến giá SGK
Tham dự phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói rằng: “Nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành, phải giảm giá SGK phù hợp với thu nhập của người dân hiện nay”.
Nêu quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng giá SGK, nhất là chi phí phát hành SGK cao, chưa thật hợp lý so với mặt hàng thiết yếu có số lượng phát hành cao và ổn định.
“Chúng tôi trước đây cũng viết sách, chi phí phát hành cũng được 25% nhưng đó là sách chuyên khảo, cả năm may ra bán được vài quyển. Còn đây là sách hàng triệu bản, tính chất gần như bắt buộc ai cũng phải mua, phát hành một lần với số lượng lớn. Với mức chiết khấu như thế, chúng ta xem đã hợp lý chưa?” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Người đứng đầu Quốc hội cho hay khi làm việc với đoàn giám sát, ông đã yêu cầu làm rõ chi phí chiết khấu này có cấu thành nên giá bán sách không? “Kết luận là không những cấu thành mà còn là yếu tố tác động nhiều nhất đến giá SGK, kể cả sách tham khảo” - ông Vương Đình Huệ nói và cho hay Bộ GD&ĐT đã có thời kỳ đề nghị mức chiết khấu chỉ khoảng 18%-20%.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sử dụng giấy tốt, mực đẹp… có làm tăng giá bán sách nhưng thực tế chi phí chiết khấu là yếu tố tác động lớn nhất đến giá sách. Ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành phương pháp định giá SGK, định giá tối đa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian. Đồng thời nghiên cứu giảm tỉ lệ chiết khấu đến mức hợp lý để giảm giá SGK theo yêu cầu của Luật Giá (sửa đổi). “Luật Giá đã đưa SGK vào danh mục bình ổn giá rồi, chúng ta phải thực hiện thôi” - lời Chủ tịch Quốc hội.
Thông tin sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thành Hưng cho biết thời điểm hiện tại, tỉ lệ chiết khấu của các nhà xuất bản có giảm dần theo thời gian. Đến năm 2022-2023, tỉ lệ chiết khấu chỉ ở mức 21%-22,5% chi phí.
Ở vị trí điều hành, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự để hoàn thiện báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản (có ý kiến của Chính phủ, Bộ GD&ĐT), sau đó trình ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề theo đúng quy định.
Ba kiến nghị của đoàn giám sát
Tại báo cáo, đoàn giám sát kiến nghị cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá SGK, định giá tối đa SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỉ lệ chiết khấu để giảm giá SGK.
Đặc biệt, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra/điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục; công tác in, phát hành SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các nhà xuất bản, việc xác định, sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) SGK; chuyển cơ quan điều tra khi xác định dấu hiệu vi phạm.