Theo BHXH Việt Nam, hết năm 2022, cả nước có hơn 30.000 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN thuộc diện đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nên khó thu hồi. Tổng số tiền còn nợ hơn 4.048 tỷ đồng (cả gốc và lãi) của trên 213.300 người lao động.
Việc xử lý số tiền nợ BHXH kể trên để đảm bảo các quyền lợi cho người lao động gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có quy định trong các luật liên quan.
Đặc biệt, trong số tiền doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, có một phần được trích từ tiền lương hàng tháng của người lao động nhưng không nộp đầy đủ.
Tổng số tiền doanh nghiệp đã trừ lương hàng tháng của người lao động để đóng các khoản BHXH khoảng 10,5% trên tổng số lương tháng. Trong đó có 8% vào quỹ BHXH, 1,5% vào quỹ BHYT và 1% vào quỹ BHTN.
Do doanh nghiệp còn nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, nên khi lao động nghỉ việc không được chốt sổ để hưởng các quyền lợi bảo hiểm theo quy định như lương hưu, chế độ BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp...
Doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Ảnh minh hoạ: Trần Chung
Để ngăn chặn tình trạng nợ, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH một số giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị nợ BHXH, BHYT, BHTN nhưng doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn.
Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất, cho phép giải quyết chế độ lương hưu với người lao động có thời gian thực đóng BHXH từ 20 năm trở lên (không gồm thời gian đang nợ BHXH) và tới tuổi nghỉ hưu.
Trường hợp người lao động có phần đã đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên (không gồm phần còn nợ) đã tới tuổi nghỉ hưu, cho phép đóng BHXH tự nguyện một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Khi có phương án giải quyết số tiền còn nợ BHXH, sẽ tính bù thời gian tham gia BHXH cho người lao động và điều chỉnh mức lương hưu.
Về chế độ BHXH một lần, ốm đau, thai sản, tử tuất, BHXH Việt Nam đề xuất được giải quyết theo quy định hiện hành tính trên phần thời gian người lao động đã đóng BHXH (không gồm thời gian còn nợ).
Với thời gian người lao động bị nợ BHXH, khi có chính sách, hoặc nguồn tài chính khác để đóng bù sẽ giải quyết chế độ bổ sung.
Để tránh tình trạng nợ kéo dài, doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn khó thu hồi, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất ngoài chế tài thu hồi và tính lãi tiền chậm đóng BHXH, khởi kiện ra toà, khởi tố hình sự (như Luật BHXH hiện hành) thì cần bổ sung thêm một số chế tài như: Cơ quan có thẩm quyền có thể tuyên bố ngừng sử dụng hóa đơn (phong tỏa hóa đơn) với đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên (tương tự chế tài với doanh nghiệp nợ thuế); hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 12 tháng trở lên.