Tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi, theo tinh thần của Nghị quyết 86, thành phố đang khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch đến 15/9.
"Dự kiến, chủ nhật này (15/8 ) thành phố công bố kế hoạch này theo hướng thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16", ông Phan Văn Mãi thông tin.
Theo Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, thực tế, thành phố đã nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Từ nay đến ngày 15/9 là mốc thời gian ngắn, toàn địa bàn cần cố gắng để từng bước chuyển biến tình hình.
“Ngay cả khi kiểm soát được tình hình trước ngày 15/9, chúng ta vẫn cần thêm một khoảng thời gian nữa tập trung phòng, chống dịch bệnh. Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần khó khăn sẽ kéo dài hơn nữa, sau ngày 15/9. Từ nay đến 30/8, thành phố cố gắng sàng lọc, đánh giá địa bàn để xác định các vùng xanh, vùng đỏ. Từ đó áp dụng các biện pháp giãn cách cho phù hợp.
Đối với vấn đề điều trị, thành phố sẽ có 2 trụ cột chính trong hơn 30 ngày tới. Trụ cột đầu tiên là tăng cường việc chăm sóc các F0 tại nhà, tại cộng đồng.
Theo đó, mỗi phường, xã, thị trấn sẽ nắm chắc danh sách người mắc Covid-19 đang thực hiện điều trị tại nhà. Lực lượng tư vấn viên, y, bác sĩ sẽ hỏi thăm, theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với nhóm F0 này. Bên cạnh đó, những trường hợp điều trị tại nhà sẽ được cấp thuốc và nhận được sự phản ứng nhanh của cơ sở y tế khi có triệu chứng hay phát sinh những vấn đề dịch tễ.
Một vấn đề được Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM đặt ra là việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân khi thời gian giãn cách kéo dài. Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM đã đánh giá và có giải pháp cụ thể thời gian tới.
"Thành phố vừa triển khai gói an sinh xã hội lần 2, cùng việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho bà con trên địa bàn. Thành phố sẵn sàng triển khai gói 3, gói 4 và nhiều gói khác để đảm bảo chăm lo đời sống người dân trong thời gian giãn cách", ông Mãi nói và mong muốn tiếp tục lan tỏa tinh thần chung sức, đồng lòng từ các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để địa phương sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Số ca nhiễm đang đi ngang nhưng chưa bền vững, số tử vong cao
Tại cuộc họp báo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, vấn đề phải quan tâm nhất hiện nay là tỷ lệ tử vong đang ở mức cao, trung bình 241 ca/ngày.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, ông Đức thông tin, trong 7 ngày (từ 5/8 đến nay), trung bình thành phố ghi nhận 3.687 ca nhiễm/ngày, trong đó 78,6% ở khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% qua sàng lọc tại bệnh viện. Như vậy, số lây nhiễm chủ yếu được ghi nhận trong khu phong tỏa.
Thành phố hiện có 1.558 bệnh nhân nặng và 16 bệnh nhân đang ở mức độ nguy kịch, phải sử dụng ECMO. 10.421 F0 không triệu chứng đang điều trị tại nhà. 12.290 F0 đã điều trị trên 7 ngày và có tải lượng virus CT>=30, đủ điều kiện về cách ly, theo dõi tại nhà.
Theo ông Đức, thành phố đã tập trung để nâng cao hiệu quả điều trị, đặt mục tiêu cao nhất là giảm số lượng tử vong tại 22 địa phương. Để làm được, một trong những yếu tố tiên quyết là giảm được ca bệnh chuyển nặng từ tầng 2-3 để giảm áp lực ở tầng trên và có biện pháp giảm tử vong.
Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương, các bệnh viện tuyến đầu của cả nước, TP.HCM đã đưa vào hoạt động 4 trung tâm hồi sức tích cực 1.750 giường, nâng cao năng lực Trung tâm 115, lập 5 trạm cấp cứu vệ tinh, kiện toàn tổ phản ứng nhanh, bố trí taxi chuyển đổi công năng để cấp cứu...
"Nhận định chung, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, có thể kéo dài, số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, số tử vong cao", ông Đức nói.
Không thực hiện triệt để, khó giữ vững thành quả đã đạt
Theo ông Đức, dự kiến sau 15/8, F0 vẫn ở mức khoảng 3.000 ca/ngày. Nếu chúng ta không thực hiện triệt để, quyết liệt các biện pháp chống dịch mạnh mẽ thì rất khó giữ vững những thành quả đã đạt được, thậm chí tình hình xấu đi nếu không đồng lòng, quyết liệt, quyết tâm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15/8 đến 15/9. Trong đó phân thành 2 giai đoạn, quyết tâm đến 15/9 kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Các kế hoạch này sẽ được công bố trong thời gian ngắn sắp tới.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, thời gian tới cần giữ vững thành quả chống dịch bằng cách giữ vững vùng xanh, chuyển hóa các vùng vàng, vùng đỏ thành vùng an toàn.
Về công tác bóc tách F0 thì xét nghiệm cũng rất quan trọng, cần thực hiện theo chiến lược có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo khoa học, không lãng phí nguồn lực, tài nguyên, và là căn cứ quan trọng mở rộng vùng xanh, đưa các vùng xanh về trạng thái bình thường mới. Ở các khu phong tỏa phải xét nghiệm thực sự khoa học, sớm bóc tách F0 giảm nguồn lây, kết hợp với cách ly gia đình với gia đình, người với người. Nếu làm tốt, sẽ giảm mạnh F0 trong khu phong tỏa.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng khác để giảm tử vong là phải sàng lọc, phân loại, tổ chức điều trị hiệu quả ở tất cả các tầng điều trị. Việc phân loại, điều phối hiệu quả của Trung tâm 115, khai thác tốt nguồn lực và năng lực điều trị thì tình hình sẽ được cải thiện.
“Hiện TP.HCM đã mạnh mẽ nâng cấp bệnh viện tầng 2-3, như các bệnh viện dã chiến thu dung từ tầng 2 được nâng lên thành tầng 3. Củng cố khả năng cung cấp oxy cho các trường hợp nhiễm bệnh, song song đó là tư vấn sức khỏe, hỗ trợ tốt công tác cách ly F0, F1 tại nhà về tâm lý, lương thực, điều trị, củng cố sức khỏe của F0,… thì sẽ giúp các F0 có tinh thần tốt, hạn chế tối đa việc trở nặng”, ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, thành phố vừa qua đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, trong đó ngày cao nhất đạt trên 318.000 liều. Đến nay, hầu như toàn bộ nguồn vaccine Bộ Y tế cấp cho TP.HCM đã được tiêm hết. Hiện có 87 bệnh viện tham gia tiêm vaccine và 1.200 đội tiêm tại các quận huyện. Ngoài điểm tiêm cố định còn có các điểm tiêm di động, xe lưu động len lỏi đến với những người không thể đi tiêm được. Ngoài ra, TP.HCM cũng tổ chức tiêm cho người nước ngoài đang sinh sống tại thành phố.
“Đến nay, TP.HCM đã tiêm được 456.391 người (khoảng trên 70%) người có bệnh nền và người trên 65 tuổi. Trên toàn địa bàn TP.HCM, riêng trong đợt 5-6 đã tiêm được 3,2 triệu liều. Cộng với các đợt tiêm trước, đến nay TP.HCM đã có hơn 4,3 triệu người đã được tiêm, trong đó hơn 100.000 người đã tiêm đủ hai mũi”,ông Đức cho biết.
Trước đó, từ 0h ngày 9/7, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trên toàn thành phố, thời gian áp dụng 15 ngày. Ngày 22/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ký chỉ thị 12 tăng cường một số biện pháp thực hiện chỉ thị số 16.
Đến ngày 23/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký công văn số 2468 tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. UBND TP.HCM có văn bản tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo tinh thần chỉ thị số 16 thêm 14 ngày, kể từ 0h ngày 2/8 cho đến nay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp