Sau 15/4, tiếp tục gia hạn cách ly toàn xã hội... có nên?

Google News

(Kiến Thức) - Đại diện Bộ Y tế mới đây đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng giãn cách xã hội nếu thấy cần thiết bởi đây là chính sách có ý nghĩa quyết định của công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Vậy có nên tiếp tục gia hạn cách ly toàn xã hội?

Tại phiên họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét kéo dài thời gian áp dụng giãn cách xã hội nếu thấy cần thiết.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá kết quả khả quan bước đầu của công cuộc phòng chống dịch bệnh là nhờ vào vai trò rất quan trọng của hai giải pháp cách ly toàn xã hội và ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào. Ông Long cho rằng, đây là hai chính sách có ý nghĩa quyết định.
Thực tế, trong 1 tuần đầu cách ly toàn xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị hay nói cách khác là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị, hạn chế tử vong đã phát huy hiệu quả bước đầu khi những ngày qua, Việt Nam có ít ca nhiễm mới hơn.
Sau 15/4, tiep tuc gia han cach ly toan xa hoi... co nen?
 Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại TP HCM trong thời gian cách ly toàn xã hội. Ảnh: NLĐ
Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp chiều 6/4 đánh giá, việc triển khai Chỉ thị 16 rất hiệu quả, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chuyển động xã hội vừa qua rất lớn, có thể nói là thay đổi cả nếp sống để ngăn ngừa dịch bệnh.
“Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe của nhân đân”, Thủ tướng nói và cho rằng, nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam.
Nhìn rộng ra quốc tế, việc cách ly xã hội và hạn chế đi lại đã giúp giảm số ca nhiễm mới tại nhiều quốc gia. Cụ thể, các biện pháp cách ly xã hội đã giúp giảm một nửa số ca tử vong tại Anh từ 510.000 ca (trong thời điểm đại dịch chưa giảm và khi chưa áp dụng các biện pháp cách ly xã hội), xuống còn 250.000 ca khi mọi người thực hiện tốt yêu cầu ở yên một chỗ và tất cả bệnh nhân đều có khả năng được chữa trị. Ngay tại tâm dịch Trung Quốc, sau khi thực hiện các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ, dịch COVID-19 dần được đẩy lui, mọi hoạt động đang trở lại.
Tuy nhiên, cách ly toàn xã hội ở Việt Nam những ngày qua dù có hiệu quả về mặt quản lý con người, kiểm soát dịch bệnh nhưng về mặt kinh tế đã bị ảnh hưởng. Đại dịch mang đến nhiều thiệt hại, nhất là về kinh tế khi hàng loạt cơ sở kinh doanh buộc phải đóng cửa để tránh tập trung đông người, sản xuất của nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, nhiều lao động vì thế cũng lâm cảnh mất việc, đời sống người dân gặp khó khăn.
Do vậy, dư luận đặt ra câu hỏi có nên tiếp tục gia hạn cách ly xã hội sau 15 ngày theo Chỉ thị 16 như Bộ Y tế đề xuất hay không?
Thủ tướng mới đây nói rằng, chúng ta không thể chủ quan, không được say sưa với chiến thắng bước đầu mà bỏ lửng những nhiệm vụ trong thời gian tới. Dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia đang phải hứng chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2.
Do vậy, để bảo toàn lực lượng và kết quả chống dịch, ngăn chặn và xử lý từ xa và ngay trong cộng đồng, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, để giữ vững thế chủ động chống dịch.
Đồng thời, yêu cầu từ nay đến ngày 15/4, cả hệ thống chính trị bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm COVID-19 mà nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả tại nước mình, thậm chí họ phải tuyên bố biện pháp mạnh hơn. Kinh nghiệm từ những nước đó cũng là bài học cho chúng ta không được chủ quan, coi thường đối với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh.
Sau 15/4, tiep tuc gia han cach ly toan xa hoi... co nen?-Hinh-2
 
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, kể từ ngày 1/4 thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc đến nay được 1 tuần nhưng hiệu quả bước đầu mang lại rất lớn. Điều này được thể hiện ở các ca nhiễm được hạn chế rõ rệt, dịch bệnh không lây lan.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hòa, cách ly toàn xã hội có hạn chế khi ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đời sống nhân dân rất rõ.
Thậm chí một số nơi đã hiểu không đúng tinh thần của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ mà có những hành động “ngăn sông cấm chợ”, không cho người từ vùng dịch đến địa phương của họ. Do vậy, các địa phương cần làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Nói về việc có nên gia hạn thời gian cách ly xã hội sau ngày 15/4 theo đề nghị của Bộ Y tế, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Thủ tướng Chính phủ cần hết sức cân nhắc.
“Việc đề nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội hiện mới là Bộ Y tế đề nghị, Thủ tướng cần xem xét cân nhắc thời gian tới có nên cách ly nữa hay không. Bởi cách ly xã hội đến 15/4 nhưng nay mới 6/4, còn 9 đến 10 ngày nữa. Chúng ta cần theo dõi tình hình dịch bệnh khi đó theo đánh giá của Chính phủ, Bộ Y tế, mức độ lây lan như thế nào. Tùy theo tình hình nên hay không nên kéo dài thời gian cách ly xã hội”, Đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phân tích, cách ly xã hội có hiệu quả về mặt quản lý con người nhưng về mặt kinh tế sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Do vậy, nên cân nhắc thận trọng và khách quan.
“Người dân hiện nay đã có ý thức rất cao về dịch bệnh cho nên dù cách ly xã hội hay không người dân đã có nhận thức là nên hay không nên đi ra ngoài đường, nên hay không nên tụ tập đông người. Khi ra đường người dân đã mang đầy đủ khẩu trang, nói chuyện cách xa, giữ vệ sinh cá nhân. Cho thấy người dân đã hiểu và chấp hành tốt các quy định”, ông Hòa đánh giá.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trường hợp thời gian tới, dịch bệnh không thuyên giảm mà có chiều hướng gia tăng thì mới tính đến việc tiếp tục gia hạn cách ly xã hội.
“Hiện nay các ca nhiễm mới rất ít. Chúng ta đã khống chế được sự lây lan tập trung và quản lý được. Hiện giờ lo ngại là sự lây lan cộng đồng sẽ hết sức nguy hiểm. Sau ngày 15/4 sự lây lan ngoài cộng đồng không phát triển nữa thì chúng ta cũng không quá quan ngại và không nên gia hạn cách ly xã hội để đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cuộc sống người dân”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng- Cách ly xã hội chưa phải là phong tỏa xã hội

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)