Không ký hợp đồng người lao động vẫn được bồi thường
Trao đổi với PV Kiến Thức chiều 9/8, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, để xác định đơn vị phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho các nạn nhân vụ tai nạn sập giàn giáo trong quá trình thi công đổ bê tông tại cây xăng của Công ty CPTM Minh Tân cần căn cứ vào nội dung Hợp đồng đã ký giữa các bên liên quan.
Theo điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
|
Hiện trường vụ tai nạn lao động. |
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trongthời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;…
Bên cạnh đó, Điều 45 Luật này cũng quy định rõ, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn.
Trường hợp giữa người sử dụng lao động và người lao động không ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động vẫn được bồi thường khi bị tai nạn lao động.
Nếu đơn vị thi công công trình (nhà thầu xây dựng) không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, thi công không đúng thiết kế tiêu chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình, an toàn và vệ sinh môi trường… thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại đối với tai nạn lao động do phần lỗi của đơn vị này gây ra, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Hợp đồng thi công công trình đã ký với chủ đầu tư.
Dấu hiệu về trách nhiêm hình sự
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, đây là một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, thương tâm và luật sư cũng xin gửi lời chia buồn và động viên tới các nạn nhân và người thân của họ.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, phải xác định đây là vụ tai nạn nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn lao động do không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện sai các quy định về an toàn lao động trong xây dựng.
Theo Chỉ thị số 03/CT-BXD ngày 11/11/2013 của Bộ Xây dựng quy định về việc tăng cường quản lý chất lượng đảm bảo an toàn hệ thống giàn giáo sử dụng trong thi công công trình xây dựng thì các chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình và các nhà thầu thi công xây dựng thực hiện tốt các việc sau:
Đối với các nhà thầu thi công xây dựng phải Thiết kế, tính toán kết cấu giàn giáo theo đúng qui định tại Qui chuẩn xây dựng Việt Nam và các tiêu chuẩn: TCXDVN 296:2004 - Giàn giáo - Các yêu cầu về an toàn, TCVN 4055:2012 - Tổ chức thi công và các tiêu chuẩn khác có liên quan đến giàn giáo; phê duyệt thiết kế và biện pháp lắp đặt;
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Lắp đặt và khai thác, sử dụng giàn giáo tuân thủ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật và các yêu cầu khác của chủ đầu tư theo nội dung của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan, trong đó lưu ý: Chỉ sử dụng những giàn giáo được chế tạo đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật qui định; Các cột hoặc khung chân giáo phải được đặt trên nền đã được tính toán đảm bảo chịu lực và ổn định cho giàn giáo;
Trong quá trình thi công đổ bê tông phải đảm bảo các điều kiện an toàn, ổn định cho giàn giáo, cụ thể như: không tập kết khối lượng lớn bê tông tại cùng một vị trí trên giàn giáo, không để các thiết bị gây tải trọng động ảnh hưởng đến sự làm việc ổn định của giàn giáo, ...
Phải có biện pháp nghiêm ngặt đảm bảo an toàn về điện khi lắp dựng, sử dụng giàn giáo ở gần đường dây tải điện; Thường xuyên kiểm tra an toàn của giàn giáo (đặc biệt là tại những thời điểm thời tiết xấu và có những hoạt động thi công ảnh hưởng đến an toàn, ổn định của giàn giáo) và ghi lại kết quả kiểm tra trong nhật ký thi công; Huấn luyện cho các cán bộ kỹ thuật và công nhân trực tiếp tham gia lắp dựng, tháo dỡ giàn giáo.
Đối với chủ đầu tư xây dựng công trình: phải tổ chức kiểm tra công tác lắp đặt giàn giáo của nhà thầu theo thiết kế đã được phê duyệt. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc lắp dựng giàn giáo trong quá trình thi công xây dựng.
Nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình (trong trường hợp được chủ đầu tư thuê) có trách nhiệm giúp chủ đầu tư trong quá trình kiểm tra nêu trên; Kiên quyết tạm dừng thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định làm mất an toàn của giàn giáo, xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo qui định tại Điều 24, Điều 29, Điều 46 Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng; Điều 5 và Điều 8 Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình và tại các qui định hiện hành.
Đối với tai nạn sập giàn giáo khiến 8 người thương vong tại công trường xây dựng cây xăng của Công ty CPTM Minh Tân, Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ phải nhanh chóng vào cuộc, điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến sập giàn giáo, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công đến đơn vị tư vấn giám sát. Từ đó xem xét các dấu hiệu về trách nhiêm hình sự đối với các chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng của giàn giáo.
Điều 295 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở nơi đông người nêu rõ, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; …thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200% …thì bị phạt tù từ 3-7 năm;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;…thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Trường hợp vi phạm
Trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Còn trong trường hợp hành vi vi phạm đủ dấu hiệu cấu thành Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 - BLHS 2015 thì người thực hiện hành vi có thể bị xử lý về tội danh này.
Ngoài ra, trường hợp công trình xây dựng cây xăng này chưa được cấp giấy phép xây dựng thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Cụ thể luật xây dựng quy định Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng. Khi kinh doanh xăng dầu thì cần đăng ký kinh doanh và xin phép xây dựng cây xăng theo đúng những tiêu chuẩn chất lượng an toàn của pháp luật vì đây là lĩnh vực sản phẩm có độ nguy hiểm cao nếu ko đảm bảo được an toàn sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trong.
Luật sư cũng cho rằng, việc kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam phải thực hiện theo Nghị định số: 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh xăng dầu. Trường hợp có vi phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.