Do khối không khí lạnh cường độ mạnh và hội tụ gió trên cao 5.000 m, thời tiết tại các tỉnh, thành phía Bắc chuyển rét đậm, rét hại, có mưa.
Trong ngày 20/2, miền Bắc bước vào ngày rét nhất từ đầu năm khi nhiệt độ ở đồng bằng không quá 10 độ C. Vùng núi cao khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá. Thậm chí, sáng cùng ngày, với mức nhiệt dưới 0 độ C, băng giá phủ trắng đỉnh Lảo Thẩn (Lào Cai), Phia Oắc (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn).
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhiều địa phương đã đưa ra văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục cho trẻ nghỉ học khi nhiệt độ xuống quá thấp.
|
Học sinh lớp 7 đến lớp 12 trường Marie Curie chuyển sang học trực tuyến trong ngày 21 và 22/2 do thời tiết xấu. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Học sinh trung học cũng được nghỉ
Tại Hà Nội, nhiệt độ dự báo trong 2 ngày 21 và 22/2 có thể xuống 8 độ C. Theo hướng dẫn mà sở GD&ĐT ban hành ngày 18/2, trẻ tiểu học chuyển sang học online khi nhiệt độ dưới 10 độ C. Học sinh THCS dừng đến trường, học trực tuyến khi nhiệt độ dưới 7 độ C.
Như vậy, trong 2 ngày tới, nhiều khả năng, học sinh tiểu học ở 18 huyện, thị xã sẽ chuyển sang học trực tuyến sau hơn một tuần đến trường học tập trung.
Căn cứ vào thông báo nhiệt độ ngoài trời khu vực Hà Nội trong những ngày rét đậm, rét hại trên bản tin của Đài Truyền hình Việt Nam, phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các trường được phép quyết định cho học sinh nghỉ học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến.
Nhưng thực tế, không ít trường đã gửi thông báo đến phụ huynh việc cho trẻ học online. Trong đó, Hệ thống giáo dục Alpha (Hoài Đức) cho học sinh học trực tuyến từ ngày 21 đến ngày 27/2.
Ở nội thành, việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 quay trở lại lớp cũng bị tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới do thời tiết rét đậm, rét hại và tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, một số trường cũng cho học sinh lớp 7 đến lớp 12 tạm dừng đến trường vì thời tiết xấu.
Cụ thể, trong ngày 19/2, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, đã đưa ra thông báo khẩn. Trong đó, trường nêu theo dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo thời tiết Quốc gia, mấy ngày tới sẽ có đợt gió mùa Đông Bắc mạnh nhất mùa đông năm nay. Thời tiết Hà Nội rét đậm, rét hại và mưa.
"Để giữ gìn sức khoẻ cho học sinh, nhà trường quyết định ngày 21, 22/2, các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 chuyển sang học trực tuyến tại nhà theo thời khoá biểu hiện hành. Ngày 23/2, các khối lớp nói trên trở lại học trực tiếp tại trường theo thời khoá biểu hiện hành", trích thông báo của trường Marie Curie.
Theo chia sẻ của phụ huynh, trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành cũng đưa ra thông báo tương tự.
Trong khi đó, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh quyết định cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 chuyển sang học trực tuyến trong 3 ngày 21, 22 và 23/2. Từ ngày 24/2, các em trở lại trường học bình thường.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay hiện tại, số lượng học sinh là F0, F1 của trường tăng lên khá nhiều, nhiều lớp có tỷ lệ hơn 50%. Hơn nữa, trời mưa rét.
"Chứng kiến cảnh học sinh lớp 12 đi thi lý thuyết nghề, các em rét cóng. Việc đi lại, nhất là đối với những em tự đi đến trường, rất khó khăn. Vì thế, nhà trường quyết định như vậy để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho các em", thầy Bình cho hay.
|
Nhiều địa phương hướng dẫn cho trẻ nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp. Ảnh minh họa: Phạm Thắng.
|
Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học tránh rét
Cùng với Hà Nội, nhiều địa phương cũng quyết định cho học sinh nghỉ học để giữ gìn sức khỏe trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.
Cụ thể, chiều 19/2, đồng ý với đề xuất của sở GD&ĐT và các địa phương, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra văn bản hỏa tốc điều chỉnh việc dạy và học trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.
Theo đó, học sinh các trường tiểu học, THCS chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới của ban chỉ đạo các huyện/thành phố.
Các trường mầm non tiếp tục mở cửa, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, tạo điều kiện để phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất.
Ngày 19/2, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, cũng ký ban hành văn bản gửi tới các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc về việc đảm bảo sức khỏe và phòng, chống rét cho học sinh.
Sở yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ở vùng nông thôn, các lớp, điểm trường lẻ, địa bàn khó khăn cần chú ý đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng học chức năng đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục mầm non cần đảm bảo có nước ấm để chăm sóc và phục vụ trẻ.
Trong những ngày rét đậm, rét hại, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các cơ sở giáo dục có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến trường muộn do thời tiết, trường cần giải quyết để học sinh không phải nghỉ học.
Trường hợp thời tiết rét đậm, rét hại, các nhà trường cần linh hoạt hình thức dạy học. Cụ thể, trẻ em mầm non nghỉ học, học sinh tiểu học chuyển sang học trực tuyến khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C. Học sinh THCS, THPT chuyển sang học online khi nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ C.
Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng yêu cầu các trường cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C. Học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7 độ C.
Đối với học sinh độ tuổi trung học phổ thông không quy định, cha mẹ học sinh, thủ trưởng các đơn vị giáo dục chủ động theo dõi thông tin về nhiệt độ ngoài trời khu vực thành phố Hải Phòng, căn cứ nhiệt độ được dự báo để quyết định cho học sinh nghỉ học theo quy định trên.
Ở Lạng Sơn, sở GD&ĐT đã yêu cầu các phòng GD&ĐT, trường học, trung tâm trên toàn tỉnh theo dõi các bản tin thời tiết, căn cứ vào điều kiện thực tế của trường, diễn biến thời tiết từng vùng để xem xét cho học sinh nghỉ học.
Trẻ mầm non, học sinh tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Học sinh THCS tạm dừng đến trường ở thời tiết dưới 7 độ C. Học sinh THPT có thể nghỉ học khi nhiệt độ dưới 6 độ C.
Không chỉ tại Lạng Sơn, học sinh tại các tỉnh miền núi phía Bắc khác như Lào Cai, Cao Bằng cũng có thể nghỉ học trong ngày 21/2 khi nền nhiệt xuống mức thấp.
|
Một số địa phương điều chỉnh phương án dạy học khi số ca mắc Covid-19 tăng cao. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.
|
Học sinh tạm dừng đến trường do dịch Covid-19
Ngoài nguyên nhân thời tiết, một số địa phương cũng điều chỉnh phương án dạy học do số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng cao.
Cụ thể, UBND thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) cho phép học sinh các trường mầm non công lập, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn nghỉ học, học sinh tiểu học học trực tuyến tại nhà từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.
UBND thành phố cũng chỉ đạo các trường THCS có học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 tiếp tục học bình thường, nếu lớp phát hiện ca F0, tất cả học sinh của lớp đó được nghỉ học trực tiếp một tuần để theo dõi sức khỏe (thực hiện học trực tuyến).
Sau một tuần, các em phải được test Covid-19, kết quả âm tính thì tiếp tục đi học bình thường, nếu dương tính, xử lý như trường hợp F0.
Riêng khối 6, học sinh THCS chưa được tiêm, các trường thông báo học sinh nghỉ học, học trực tuyến từ ngày 21/2 cho đến khi có thông báo mới.
Sở GD&ĐT Quảng Ninh vừa có chỉ đạo mới về việc tổ chức dạy học cho học sinh, trẻ mầm non trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời tiết rét đậm, rét hại.
Theo đó, các trường tạm thời cho trẻ em nghỉ học từ ngày 21/2 đến hết ngày 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và phòng, chống rét đậm, rét hại.
Tuy nhiên, sở lưu ý các cơ sở giáo dục mầm non khi thông báo chủ trương này đến phụ huynh, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của phụ huynh.
Nếu gia đình trẻ không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà, có nguyện vọng vẫn đưa trẻ đến trường, cơ sở giáo dục phải bố trí đón trẻ đến trường, tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ đảm bảo an toàn.
Với cấp tiểu học, căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn và trong cơ sở giáo dục của đơn vị mình, hiệu trưởng xem xét, quyết định tạm thời cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ ngày 21/2 đến hết ngày 25/2 để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và phòng, chống rét đậm, rét hại.
Sở khuyến khích các trường, các lớp học nếu chưa có ca F0 và vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh tiếp tục duy trì học trực tiếp để đảm bảo tiến độ chương trình, chất lượng giáo dục. Trong quá trình tổ chức học trực tiếp cho học sinh, trường cần thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch và phòng, chống rét đậm, rét hại.
Đối với cấp THCS và THPT, các trường tiếp tục duy trì tổ chức học trực tiếp. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức học trực tiếp, trường cần tăng cường, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhằm kiểm soát hiệu quả, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh.
Khi xuất hiện ca F0, trường cần phối hợp với ngành y tế đánh giá đúng nguy cơ, mức độ lây lan dịch bệnh để kịp thời xem xét tạm thời chuyển sang học trực tuyến cho học sinh.
Ngày 20/2, UBND thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) quyết định tạm dừng dạy học trực tiếp đối với bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 từ ngày 21/2 do trên địa bàn ghi nhận gần 500 giáo viên và học sinh mắc Covid-19.