Chiều 18/8, Thường trực Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác phòng chống dịch COVID-19, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
“97% tin tưởng Nhà nước sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19”
Tại cuộc họp, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay Mặt trận và các tổ chức thành viên đánh giá rất cao Chính phủ, Thủ tướng đã kiên quyết, kiên trì phòng chống dịch, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là trong đợt bùng phát dịch thứ tư này… “Chiến lược vaccine không thể tốt hơn”- ông Đỗ Văn Chiến nói.
|
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: VGP |
Cũng theo ông Chiến, khảo sát về dư luận xã hội ở 21 tỉnh, thành phố trong 6 tháng đầu năm cho thấy 90% ý kiến đánh giá tốt về việc thành lập Quỹ vaccine COVID-19; 82% đánh giá tốt về chủ trương và việc thực hiện mục tiêu kép…
“Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, lăn lộn ngày đêm, đổ mồ hôi, sôi nước mắt như vậy thì chắc chắn tình hình sẽ còn phức tạp hơn, thiệt hại, mất mát sẽ lớn hơn”- ông Chiến khẳng định và nói thêm điều tra xã hội học cũng cho thấy 97% tin tưởng Đảng và Nhà nước sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cũng bày tỏ rất tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ ngành Trung ương. Bà Hoài đề nghị triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng chống dịch bệnh, tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ TP.HCM và các tỉnh phía Nam sớm vượt qua đại dịch…
Bà Hoài cho biết Ban Dân vận các cấp sẽ tiếp tục tập hợp các kiến nghị, đề xuất để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng phân đánh giá tình hình dịch bệnh
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Ban Dân vận Trung ương, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã vào cuộc rất tích cực, rất tự giác, rất hiệu quả… trong cuộc chiến chống đại dịch.
|
Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài. Ảnh: VGP |
Thủ tướng đánh giá càng trong khó khăn, thách thức, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được phát huy, củng cố; tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn lại càng được khơi dậy mạnh mẽ.
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, “sức dân như nước”...
Dành nhiều thời gian phân tích về tình hình dịch bệnh, Thủ tướng nêu rõ sự cố gắng của cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía Nam là rất cao, rất nỗ lực, nhưng để đáp ứng yêu cầu thì vẫn chưa được như mong muốn.
Bên cạnh nhiều nguyên nhân khách quan, Thủ tướng đánh giá có những nguyên nhân chủ quan như việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch có lúc, có nơi chưa thật nghiêm, thậm chí còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở nhiều nơi còn hạn chế…
Chính phủ, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo rất rõ: Các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 phải dứt khoát đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết, ưu tiên cho phòng chống dịch, trong đó phải tập trung làm bằng được hai việc.
Thứ nhất, phải bảo đảm không để bất kỳ ai thiếu ăn, thiếu mặc, đáp ứng mọi yêu cầu y tế của mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.
Thứ hai, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, với sự tham gia, vào cuộc, giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thủ tướng lưu ý đây là hai mặt của một vấn đề để thực hiện thành công giãn cách xã hội. Để người dân chấp hành theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”, chúng ta phải đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.
Trong thời gian giãn cách, phải bảo đảm người cách ly với người, xét nghiệm thần tốc, toàn diện, rộng rãi để phát hiện và bóc tách F0 khỏi cộng đồng, phong tỏa, bao vây ổ dịch nghiêm ngặt, cùng với các biện pháp khác như 5K, vaccine, thuốc điều trị, ứng dụng công nghệ và các biện pháp khác để ngăn chặn lây nhiễm…
Xem xét sử dụng Quỹ Công đoàn hỗ trợ người lao động
Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu việc khen thưởng, tôn vinh phù hợp về vật chất và tinh thần cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tinh thần là vận dụng tối đa các chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, nếu chưa có quy định hoặc có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP |
Các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các mô hình sản xuất an toàn trên tinh thần “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, giữ vững, bảo vệ vùng xanh để duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ xuất cấp dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân. Ông cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, xem xét sử dụng Quỹ Công đoàn để hỗ trợ người lao động theo các quy định của pháp luật, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh…
- Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến thời điểm hiện tại, gần 13 triệu lượt người lao động, gần 380.000 người sử dụng lao động đã được hỗ trợ gần 6.780 tỉ đồng. Ngày 16-7, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ gần 4.200 tấn gạo cho 247 nghìn nhân khẩu ở các tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục tổng hợp đề xuất hỗ trợ gạo cho các địa phương.
- Theo tổng hợp của Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã vận động tiếp nhận hơn 780 tỉ đồng; phân bổ, hỗ trợ nhân dân hơn 722 tỉ đồng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và ủng hộ Quỹ vaccine ở Trung ương. MTTQ các tỉnh, thành phố đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ số tiền hơn 6.000 tỉ đồng, đã tiếp nhận hơn 2.700 tỉ đồng.
- Công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ gần 418.000 đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 321 tỉ đồng.
- Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam huy động ủng hộ tiền và hàng hóa trị giá 205 tỉ đồng. Riêng đợt cao điểm dịch bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đã vận động, ủng hộ gần 4.300 tấn hàng hóa và tiền, tổng trị giá 138 tỉ đồng….