Theo đó, Nghị quyết quyết nghị tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỉ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó, tỉ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỉ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước.
|
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
|
Tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.
Tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148.000 tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35,3 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt Nghị quyết cũng nêu rõ sẽ đảm bảo an toàn nợ công với mục tiêu trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Đối với nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Nghị quyết cũng chỉ rõ: Bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ và hệ số tín nhiệm quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, bội chi và nợ của chính quyền địa phương. Kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh.
Việc huy động và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phải bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ. Vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi mới của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
Tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế, ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Công bố danh sách người trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp