Theo đó, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một loạt nghị quyết quan trọng, gồm Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; các Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025); Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết kỳ họp thứ 2.
Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc kỳ họp.
Lễ bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
|
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV.
|
Buổi chiều hôm qua (12/11), Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày các báo cáo: i) Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; ii) Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; iii) Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua nội dung các văn bản này, kết quả cụ thể như sau:
Đối với Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Có 465 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 460 đại biểu tán thành (bằng 92.18% tổng số ĐBQH), có 02 đại biểu không tán thành (bằng 0.40% tổng số ĐBQH), có 03 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.60% tổng số ĐBQH).
Đối với Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022: Có 472 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 472 đại biểu tán thành (bằng 94.59% tổng số ĐBQH).
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê: Có 473 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 462 đại biểu tán thành (bằng 92.59 % tổng số ĐBQH), có 05 đại biểu không tán thành (bằng 1.00% tổng số ĐBQH); có 06 đại biểu không biểu quyết (bằng 1.20% tổng số ĐBQH).
Tiếp đó, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua nội dung các văn bản này, kết quả cụ thể như sau:
Đối với Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến: Có 475 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 468 đại biểu tán thành (bằng 93.79% tổng số ĐBQH), có 03 đại biểu không tán thành (bằng 0.60% tổng số ĐBQH), có 04 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.80% tổng số ĐBQH).
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự: Có 469 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 466 đại biểu tán thành (bằng 93.39% tổng số ĐBQH), có 02 đại biểu không tán thành (bằng 0.40% tổng số ĐBQH); có 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.20% tổng số ĐBQH).
>>> Xem thêm video: Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ Phát Biểu Khai Mạc Kỳ Họp Thứ 2, Quốc Hội Khóa XV