Lấy ý kiến doanh nghiệp về tăng mức phí chỉ... trong 3 ngày
Ngày 22/10, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã gửi văn bản 934/BQLVHL- KHTC do Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà ký xin ý kiến cho dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Dù công văn ghi gửi cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch nhưng trên thực tế chỉ các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long nhận được văn bản trên. Còn theo một số doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đến thời điểm này họ chỉ tiếp nhận được văn bản trên từ các doanh nghiệp tàu lưu trú.
Theo nội dung văn bản trên nêu rõ, thực hiện nội dung văn bản số 7497/UBND- TM4 ngày 17/10/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh và văn bản số 1912/SDL-KH ngày 22/10 của Sở Du lịch Quảng Ninh về việc tiếp tục hoàn thiện lấy ý kiến đối với Đề án nói trên và căn cứ Điều 6, Nghị định số 120/2016/ NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; Ban quản lý vịnh Hạ Long đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và dịch vụ du lịch tham gia ý kiến vào Dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (lần 2).
|
Vinh Hạ Long. |
Đáng chú ý, nội dung văn bản trên nêu rõ, “đề nghị các ý kiến tham gia bằng văn bản đề nghị ghi rõ nhất trí hoặc không nhất trí hoặc có ý kiến khác gửi về Ban quản lý chậm nhất đến 16h30 ngày 25/10/2019. Nếu đến thời điểm trên, các đơn vị không có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi về Ban quản lý coi như đã đồng ý với dự thảo Đề án.
Việc này được cho là bất thường và đánh đố doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch khi văn bản ký ngày 22/10 nhưng đến 25/10 là hết thời hạn góp ý và như vậy doanh nghiệp chỉ có 3 ngày để nhất trí hay không nhất trí với mức phí dự kiến trong văn bản. Bởi thực tế, đến chiều 24/10, một số doanh nghiệp kinh doanh tàu trên vịnh Hạ Long mới nhận được văn bản trên.
|
Văn bản 934/BQLVHL- KHTC do Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà ký xin ý kiến cho dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. |
Nhưng mức phí tham quan dự kiến mới thật sự gây… sốc
Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, việc điều chỉnh phí tham quan vịnh Hạ Long nhằm đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế đến tham quan vịnh Hạ Long.
Đồng thời nhằm xây dựng phương án giãn tuyến, giải pháp phân tải khách du lịch tại các tuyến, điểm du lịch trên vịnh Hạ Long đảm bảo khoa học, phù hợp với khả năng tiếp nhận của tứng tuyến du lịch, điểm du lịch, tạo sản phẩm du lịch mới cho du khách có nhiều sự lựa chọn, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái, gìn giữ môi trường du lịch văn minh, thân thiện.
Tuy nhiên, theo dự kiến xây dựng đề án điều chỉnh mức tăng phí tham quan vịnh Hạ Long từ tháng 1/2020 (kèm theo văn bản 934), đáng chú ý là dự kiến tăng mức phí tham quan vịnh Hạ Long mới thật sự khiến doanh nghiệp, người dân…sốc.
Theo đó, dự thảo nêu rõ, mức phí tham quan ban ngày (tàu rời bến tham quan từ 6h30 đến 16h30 cập bến) có mức tăng trung bình 22% (tỉ lệ tăng so với năm 2019).
Đối với mức phí tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long (thời gian lưu trú tối đa 1 đêm là 24 tiếng, thời gian lưu trú tối đa 2 đêm là 48 tiếng kể từ thời điểm xuất bến) có mức tăng trung bình lên đến 63%.
Cụ thể, tham quan tuyến 2 và lưu trú 1 đêm (tham quan điểm lưu trú nghỉ đêm Hang Trống, Trinh Nữ, Hồ Động Tiên, Hòn Lát 690, Ti Tốp 587) tăng từ 550.000 đồng/ người/ đêm lên 950.000 đồng/ người/ đêm (tăng 73% so với mức đang thực hiện năm 2019).
Tham quan tuyến 2 và lưu trú 2 đêm (tham quan điểm lưu trú nghỉ đêm hang Trống, Hồ Động Tiên, Hòn Lát, Ti Tốp) tăng từ 750.000 đồng/ người/ đêm lên 1.200.000 đồng/ người/ đêm (tăng 60%).
Tuyến 3, 1 đêm và tuyến 4, 1 đêm, tăng từ 500.000 đồng/ người/ đêm lên 800.000 đồng/ người/ đêm (tăng 60%); tuyến 3, 2 đêm và tuyến 4, 2 đêm, tăng từ 650.000 đồng/ người/ đêm lên 1.050.000 đồng/ người/ đêm (tăng 62%).
Cùng với đó, dự thảo cũng đề xuất bổ sung danh mục các mức thu phí theo văn bản số 1505/UBND-XD2 ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, tham quan vịnh Hạ Long ban ngày, khách được tham quan tuyến 1,2,3,4 và các điểm thuộc tuyến, mức thu 900.000 đồng/ lần/ người (chỉ thực hiện thu phí khi có đủ điều kiện phê duyệt cấp phép của cơ quan có thẩm quyền).
|
Mức phí tham quan vịnh Hạ Long dự kiến sẽ tăng. |
Khách tham quan 2 ngày 1 đêm tuyến 2 (tham quan ban ngày tuyến 1,2,3,4 và lưu trú 1 đêm tại tuyến 2) thu 1.500.000 đồng/ lần/ người; tham quan 3 ngày 2 đêm tại tuyến 2 (tham quan ban ngày tuyến 1,2,3,4 và lưu trú 2 đêm tại tuyến 2) thu 1.700.000 đồng/ lần/ người; tham quan 2 ngày 1 đêm tại tuyến 3 (tham quan ban ngày tuyến 1,2,3,4 và lưu trú 1 đêm tại tuyến 3) thu 1.400.000 đồng/ lần/ người; tham quan 3 ngày 2 đêm tại tuyến 3 (tham quan ban ngày tuyến 1,2,3,4 và lưu trú 2 đêm tại tuyến 3) thu 1.600.000 đồng/ lần/ người.
Doanh nghiệp…kêu trời?
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Lê Văn Lên, Công ty LV Travel cho rằng, với mức phí dự kiến thu như trong dự thảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành bởi mức phí quá cao và quá vội vàng.
“Thông thường các công ty lữ hành làm khách Châu Âu bán tour series đã báo giá hết năm 2021 mà không thể thay đổi được. Bởi vậy, nếu có thay đổi thì phải thông báo và thay đổi ít nhất trước 1 năm và không quá 20% giá vé. Trong khi đó mức thu phí tham quan hiện tại ở vịnh Hạ Long đã là quá cao. Mỗi một vé khách đi hai ngày ngủ một đêm trên vịnh Hạ Long bằng vé máy bay từ Hà Nội – TP HCM”, ông Lê Văn Lên cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Văn Lên cho rằng, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã không gửi công văn trực tiếp cho các doanh nghiệp lữ hành mà chỉ gửi cho các doanh nghiệp tàu du lịch.
“Công ty du lịch là đơn vị làm giá tour và chịu phí thanh toán vé thắng cảnh. Trong khi thời gian ra công văn ngày 22/10 mà đến 24/10, các doanh nghiệp tàu du lịch mới nhận được văn bản. Trong khi trước 16h30 ngày 25/10 nếu không có phản hồi từ doanh nghiệp du lịch là coi như y án đồng ý. Trong khi công văn ghi cả gửi doanh nghiệp lữ hành nhưng thực tế chỉ doanh nghiệp tàu du lịch nhận được văn bản. Như vậy, có phải Ban quản lý vịnh Hạ Long không lấy ý kiến mà mang tính áp đặt, trong khi người chịu chính là công ty kinh doanh lữ hành”, ông Lê Văn Lên cho biết.
Giống như ông Lên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hiện đang lo lắng vì uy tín, công việc kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và dịch vụ du lịch đều cho biết, nếu tăng cũng tăng ở mức hợp lý chứ không thể quá sốc như trong dự thảo được.
Liên quan sự việc trên, chiều tối ngày 24/10, PV Kiến Thức đã liên hệ qua điện thoại với ông Phạm Hồng Hà, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, người ký văn bản trên. Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Hà không bắt máy.
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên để có thông tin đa chiều đến độc giả…