Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách về Kế hoạch hành động quốc gia, đánh giá hiện trạng, khó khăn trong thu hoạch dữ liệu về rác thải nhựa tại Việt Nam.
|
Toàn cảnh hội thảo.
|
Từ các đóng góp khuyến nghị bằng phương pháp khoa học nhằm tạo nguồn dữ liệu trong công tác quản lý rác thải nhựa, cơ quan chức năng có sơ sở khoa học để bản kế hoạch quốc gia trình Chính phủ ban hành kịp thời, tạo bước thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của Bộ Tài nguyên & Môi trường là đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch
Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho biết, rác thải nhựa là hiểm họa đối với môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái, chất lượng nước cũng như sinh kế của người dân.
|
Phó Chủ tịch VUSTA Nghiêm Vũ Khải phát biểu tại hội thảo.
|
Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên & Môi trường nhiệm vụ xây dựng "Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030". Dự thảo Kế hoạch đã đặt ra các mục tiêu lớn, trong đó bao gồm việc tạo nguồn dữ liệu về rác ở đất liền và nguồn thải. Đây là nội dung cốt lõi nhằm triển khai thành công các kế hoạch hành động.
Theo TSKH. Nghiêm Vũ Khải, những giải pháp công nghệ là cơ sở dữ liệu để đánh giá thực trạng nguồn rác thải, đồng thời có biện pháp tái chế, tái sử dụng các chất thải nhựa. Vì lượng rác thải nhựa hàng triệu tấn một năm là nguồn cần tận dụng và sử dụng có mục đích.
Đưa ra giải pháp, ông Nghiêm Vũ Khải cho rằng cần xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia, cốt lõi là nâng cao khoa học công nghệ để xử lý rác thải nhựa bởi đây là vấn đề toàn cầu. Đặc biệt, giải quyết rác thải nhựa ở Việt Nam là câu chuyện lớn, không thể giải quyết đơn lẻ bởi riêng cơ quan ban ngành nào.
|
Ông Vũ Sĩ Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi Trường phát biểu tại buổi lễ.
|
Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ cho biết, để quản lý nguồn rác thải nhựa tại Việt Nam cần có đánh giá cụ thể về số liệu. Đến nay, các phương pháp thu thập số liệu từ nhiều đơn vị, tổ chức ở Việt Nam và quốc tế là khác nhau.
“Vấn đề thu thập số liệu về rác thải nhựa ở Việt Nam là cần thiết để xây dựng kế hoạch hành động, đánh giá hiệu quả của các chương trình hành động giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam”, ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo PGS. TS. Hoàng Thị Thu Hương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng từ 3,8kg/năm/người (1990) lên 41,3kg/năm/người (2018). Tỷ lệ nhựa được tái chế: 27%.
"Rác thải nhựa là một loại tài nguyên quý giá khi biết tái chế và sử dụng nó. Tuy nhiên, việc tái chế rác thải không nên được thực hiện ở quy mô làng nghề vì cơ chế kiểm soát rất khó khăn. Đồng thời, việc tái chế ở các làng nghề sẽ ảnh hưởng đến môi trường, gây độc hại cho chính những người lao động ở các làng nghề này cũng như người dân địa phương", bà Hương nhận định.
Do đó, theo bà Hoàng Thị Thu Hương, cần tập trung khuyến khích các hoạt động tái chế rác thải nhựa để đảm bảo các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm nhưng phải đảm bảo môi trường.
Thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho thấy, chỉ tính riêng Hà Nội và TP. HCM, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, thải ra 4.000 – 5.000 tấn rác rác mỗi ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7-8%.