Mời độc giả xem lại "Khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông": (Nguồn PLO) |
|
Số phận đắng cay sau vụ nổ kinh hoàng
Gần hai năm nay, đều đặn hằng ngày người thân phải túc trực, chăm sóc cho chị Nguyễn Thị Lệ (25 tuổi, trú tại thôn Rùa Hạ 2, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Chị Lệ là một trong những nạn nhân vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) hồi tháng 3/2016.
|
Khoảnh khắc hạnh phúc của vợ chồng chị Lệ nhưng giờ chị phải sống đời thực vật. |
Dù may mắn giữ được tính mạng nhưng suốt phần đời còn lại, mọi sinh hoạt của chị đều phải phụ thuộc vào người khác và không biết thế giới bên ngoài đang tồn tại ra sao dù đã được điều trị khắp các bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội.
Trong căn phòng rộng 10m2 nhà ông bà Nguyễn Văn Hải, gần 2 năm qua đã được dành riêng cho cô con dâu ốm yếu, tay chân co quắp nằm bất động trên giường với ống hút, dây nhựa và bông gạc.
|
Gần hai năm qua chị Lệ phải sống đời sống thực vật. |
Chăm con dâu bên giường bệnh, bà Nguyễn Thị Hồng (mẹ chồng chị Lệ) không khỏi đau đớn khi nhớ về những gì đã xảy ra. Theo bà Hồng, chiều ngày con dâu gặp nạn, chị Lệ đang cùng một thanh niên trong xóm chạy ô tô chở hàng từ Thạch Thất về nhà.
Không may, khi đi đến khu đô thị Văn Phú, Hà Đông do sức ép của vụ nổ đã khiến chiếc ô tô của chị lao thẳng vào nhà dân, cả hai người ngồi trên xe phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Chị Lệ bị chấn thương sọ não nặng, dập não xuất huyết, máu tụ thái dương và hàng chục vết thương khác, tình trạng sức khỏe thì hôn mê sâu, nguy cơ nhiễm trùng cao…
Không lâu sau đó, nam thanh niên đi cùng chị Lệ do vết thương quá nặng đã không qua khỏi. May mắn hơn, chị Lệ giữ lại được tính mạng nhưng từ đó đến nay chị rơi vào cảnh sống thực vật.
Theo bà Hồng, chị Lệ lập gia đình cùng con trai bà là anh Nguyễn Văn Âu (28 tuổi) từ năm 2013, vợ chồng chị Lệ đã mở được một xưởng sắt thép và có với nhau 2 con - 1 gái 1 trai.
“Lệ là đứa con dâu đảm đang, bà con trong xóm ai cũng tấm tắc khen nhà tôi có người con dâu tốt. Lệ cao 1m65, xinh đẹp. Vợ chồng nó yêu nhau lắm, khi Lệ đang học năm thứ hai Học viện Tài chính thì chúng tôi tổ chức đám cưới cho các cháu, dự định khi nào có điều kiện thì học tiếp. Nhưng rồi cuộc sống mưu sinh cứ cuốn lấy, đến khi gặp nạn, cháu chưa thực hiện được ước mơ” - bà Hồng buồn rầu chia sẻ.
Từ ngày vợ gặp nạn, anh Nguyễn Văn Âu thêm phần lo lắng. Mọi công việc, chăm sóc con cái… đều đổ dồn lên vai. Anh đi làm từ sáng tinh mơ đến tối muộn để kiếm tiền chữa trị cho vợ. Cơ ngơi vợ chồng anh vừa tạo dựng cũng đã bán, anh còn phải vay mượn thêm.
Hằng ngày bà Hồng và mọi người trong gia đình thay nhau chăm sóc cho con dâu.
“Tuy con tôi sống cuộc đời thực vật, nhưng tôi tin rằng, sâu thẳm trong nội tâm nó vẫn còn chút tỉnh táo, chỉ là không thể nói. Mỗi lần tôi nắm tay, gọi tên con dâu thì gương mặt Lệ lại cử động, thở dốc bật rít thành tiếng, cơ thể vặn vẹo. Đối với gia đình, như thế là vẫn còn hy vọng”, bà bày tỏ.
Theo lời mách của thầy thuốc Đông y, ngày ngày bà đun 2 nồi nước 70 lít, chuẩn bị bồn tắm xoa bóp cho con dâu. Với việc ăn uống, bà cũng cất công chuẩn bị. “Ngày 6 lần tôi cho con ăn, cách 3 tiếng một lần, dùng ống xilanh truyền cho cháu, có hôm cháu ăn được 1 bát cháo to, tôi cũng mừng” - bà nói.
Trong căn nhà nhỏ, hai con thơ của chị Lệ vẫn hồn nhiên nô đùa… Bà Hồng cho biết, hồi mẹ gặp nạn, khi được đưa về nhà, cả hai đứa bé khóc thét lên vì sợ hãi bởi chị Lệ khi ấy người chỉ còn bộ xương, không cử động được. Tuy nhiên, dần dần cả hai đã biết hơn, thường hỏi “Bao giờ mẹ cháu tỉnh lại?”, những câu hỏi ngô nghê không có lời đáp, bà Hồng lại gượng bảo “mẹ các cháu sắp tỉnh rồi”.