Ông trùm Minh Sâm khai gì tại phiên xét xử sơ thẩm?

Google News

(Kiến Thức) - Sáng 1/6, TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" và "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng" với "trùm xã hội đen" Minh Sâm và đồng bọn.

Theo đó, các bị cáo bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản gồm: Nguyễn Ngọc Minh, thường gọi là “Minh Sâm” (SN 1960, ở phường Đông Ngàn, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); Nguyễn Văn Tùng (SN 1966, ở phường Võ Cường, Thành phố Bắc Ninh); Vũ Quốc Khánh (SN 1990, ở phường Đông Ngàn, Thị xã Từ Sơn); Nguyễn Văn Hoà (SN 1974, ở phường Tích Lương, Thành phố Thái Nguyên); Nguyễn Thu Hằng (SN 1992, là con gái Minh Sâm), Trần Thái Sơn (SN 1992, là chồng Hằng, con rể Minh sâm), Nguyễn Hữu Hoàng (AN 1991), Nguyễn Tiến Thắng (SN 1960), cùng ở phường Đình Bảng, Thị Xã Từ Sơn); Phạm Văn Đức (SN 1991, ở phường Châu Khê, Thị xã Từ Sơn); Nguyễn Tiến Thắng (SN 1960). Bị cáo Quách Văn Lộc (SN 1975, ở Phù Khê, Thị xã Từ Sơn ) bị truy tố về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng
Thành phần Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 5 người. Chủ tọa phiên tòa là ông Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, cùng 4 hội thẩm. Đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh là Kiểm sát viên Nguyễn Huy Quang giữ quyền công tố tại tòa. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 3 ngày.
 Bị cáo Minh Sâm và đồng bọn tại phiên xét xử.
Ngay trong sáng 1/6, Công an tỉnh Bắc Ninh đã huy động hơn 40 cán bộ chiến sĩ công an tham gia bảo vệ phiên tòa xét xử Minh Sâm. Ngoài người thân các bị cáo, đông đảo người dân đã đến dự tòa, trong đó nhiều thanh niên xăm trổ.
Trong phần trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Nguyễn Ngọc Minh đã nói về quá trình làm con đường tại thôn Phù Khê Thượng (Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Theo lời bị cáo, toàn bộ số tiền bỏ ra làm con đường này là gần 500 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng và làm đường) là của công ty Đại An. Trước khi thực hiện làm đường này, Công ty Đại An đã có đề nghị với UBND tỉnh Bắc Ninh về việc bỏ vốn. Sau khi dự án hoàn thành, Ủy ban tỉnh sẽ trả bằng đất cho Công ty Đại An. Tuy nhiên đến thời điểm này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa bàn giao đất như thỏa thuận trước đó.
Nói về việc thành lập chợ khi chưa có phép của chính quyền địa phương, Minh đã nhận sai vì chưa xin phép mà đã tự đặt ra các khoản phí rồi cho con cháu mình thu.

"Chỉ nghĩ là bỏ tiền ra, thu để hồi vốn và trang trải những chi phí, do hiểu biết pháp luật kém nên vi phạm. Bị cáo thừa nhận chưa xin phép vì nghĩ không phải đi xin", Minh Sâm khai.

"Để tránh xe có trọng tải trọng làm hỏng đường, bị cáo đã chỉ đạo các cháu thu phí, phân nhỏ số gỗ rồi chở bằng công nông vào trong chợ", bị cáo Nguyễn Ngọc Minh khai nhận.
"Bị cáo không hề chỉ đạo các cháu làm như thế", Minh Sâm khai khi trả lời Thẩm phán phiên tòa về việc có hay không việc dọa nạt, chèn ép các xe gỗ và chủ gỗ.
"Nếu không đóng phí chợ thì yêu cầu chủ xe gỗ phải ra ngoài chứ không được buôn bán trong chợ. Chợ lập ra chúng tôi phải thu phí để điều hành, trông nom. Chợ gỗ lập ra, bà con cũng rất hài lòng bởi ngoài mục đích buôn bán thì chợ còn được dùng làm xưởng trông coi gỗ", bị cáo Nguyễn Ngọc Minh khai nhận.
“Người ta xây đầy chợ chưa xin phép mà vẫn thu phí bình thường kia. Khi xây dựng đã được sự đồng tình và chấp hành của đại đa số bà con, một xe gỗ cả mấy chục tỉ, bị cáo phải điều cả chục bảo vệ trông giữu, thu 1 triệu, 2 triệu như vậy là quá rẻ rồi. Nhà người ta nằm trên đường 217, chưa nghe thấy ai không đồng thuận. Không đồng ý thì đã không vào chợ, đã vào chợ có nghĩa là đồng ý. Không có lí do gì để bị cáo dẫn cả một tập đoàn chiếm đoạt hơn 100 triệu trong vòng 2 năm, trong khi đó bỏ ra cả chục tỉ để làm con đường. Cái sai của bị cáo là không quản lý được nhân viên và hiểu biết pháp luật kém", Minh Sâm khai.
Tuy nhiên, bị cáo Minh cũng thừa nhận: "Bị cáo thấy được mình sai trong việc quản lý nhân viên của Công ty Đại An. Hơn nữa do thiếu hiểu biết pháp luật nên mới phạm tội. Khi bị bắt, bị cáo đã rất hối hận. Xin HĐXX xem xét những gì mà bị cáo đã làm cho tỉnh Bắc Ninh. Tội bị cáo đến đâu, bị cáo sẽ xin chịu đến đó".
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thu Hằng (con gái Minh "Sâm") khai nhận không chỉ đạo nhân viên dọa nạt thu phí mà chỉ làm nhiệm vụ quản lý giờ giấc. "Bị cáo biết việc thu phí là sai khi chưa được cho phép".
Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo Trần Thái Sơn (SN 1991), con rể của Minh Sâm thừa nhận: " Vợ chồng Sơn cùng với một số đối tượng khác kiểm soát toàn bộ các xe chở gỗ đến thị xã Từ Sơn".
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Hữu Hoà (SN 1991, nhân viên văn phòng Ban quản lý chợ gỗ Phù Khê Đông – chợ Đồng Bèo, thuộc Công ty TNHH Đại An) phủ nhận việc đe dọa, gây khó khăn cho các chủ xe.
"Người dân ngoan cố, không nghe và chống lại nên có nóng nảy, có những lời nói nhưng không có chuyện đánh đập, chỉ to tiếng mà thôi", bị cáo Hòa nói.
"Tôi không hề đe dọa mà chỉ về báo cáo cho anh Nguyễn Văn Tùng (SN 1966, ở phường Võ Cường, Thành phố Bắc Ninh) về những trường hợp không chịu đóng lệ phí". Bị cáo Hòa mong muốn xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Chủ tọa: “Các bị cáo không hề có thẩm quyền, chỉ tự nghĩ ra, tự bảo nhau làm.”
 
Trước đó, Kiểm sát viên Nguyễn Huy Quang, VKSND tỉnh Bắc Ninh đã công bố cáo trạng. Theo cáo trạng nêu rõ, vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 13/8/2014, tại chợ gỗ Phù Khê Đông (thuộc xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn), công an bắt quả tang Nguyễn Hữu Hoàng, nhân viên của Ban Quản lý chợ Đồng Bèo thuộc Công ty Đại An, có hành vi cưỡng đoạt 1,2 triệu đồng của anh Đ.B.L. (ngụ huyện Gia Lâm, Hà Nội). Từ đó, lực lượng công an bóc gỡ đường dây tội phạm do Minh Sâm cầm đầu, núp bóng dưới vỏ bọc Công ty Đại An. Năm 2000, Minh Sâm thành lập Công ty Đại An, hoạt động kinh doanh các ngành nghề như: sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản; xây dựng hạ tầng; buôn bán bất động sản; cho thuê kho, bãi đỗ xe… Năm 2010, Công ty Đại An được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt đầu tư dự án kinh doanh 2 chợ gỗ Phù Khê Đông (chợ Đồng Bèo) và Phù Khê Thượng thuộc xã Phù Khê (thị xã Từ Sơn). Từ khi 2 chợ này đi vào hoạt động (tháng 5-2012) đến nay, Minh Sâm chưa đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập ban quản lý chợ cũng như các nội quy liên quan đến hoạt động của chợ, mà tự lập Ban Quản lý chợ Đồng Bèo và tuyển 6 nhân viên, trong đó có con gái là Hằng và con rể Trần Thái Sơn (cũng là bị can trong vụ án, bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”). Minh Sâm giao Hưng Sóc quản lý chợ Phù Khê Thượng và chợ Tiến Bào.
Để lấy tiền chi phí hoạt động cho Ban Quản lý chợ Đồng Bèo, Minh “Sâm” ban hành quy chế về phí, lệ phí lưu bãi khu vực chợ gỗ Phù Khê, trong đó quy định: các loại xe trọng tải lớn phải nộp phí từ 1-3 triệu đồng/lần lưu bãi; ô tô không chở hàng mà đi vào chợ cũng phải nộp 50.000 đồng… Ngoài ra, Minh Sâm còn chỉ đạo nhân viên Ban Quản lý chợ Đồng Bèo buộc các ô tô chở gỗ trước khi vào chợ hoặc nhà riêng, kho bãi của các hộ kinh doanh thì phải vào ban quản lý chợ để hạ gỗ xuống rồi mới tiếp tục cho vận chuyển về điểm tập kết, thông qua đó để thu phí bốc xếp, bến bãi… Nếu các xe không chịu trả phí thì đàn em của Minh Sâm không cho vào chợ hoặc báo lại cho Minh Sâm xử lý. Tổng cộng có 12 bị hại từng bị Minh Sâm và đàn em cưỡng đoạt tài sản, bắt nộp các loại phí với tổng số 184 triệu đồng. Đáng chú ý, số tiền này đã giảm nhiều so với kết luận điều tra của Bộ Công an trước đó cho rằng Minh Sâm cùng đồng bọn cưỡng đoạt gần 460 triệu đồng của hàng trăm lượt người ở các chợ gỗ tại thị xã Từ Sơn.
Kết thúc điều tra, Minh Sâm và con gái là Nguyễn Thu Hằng cùng 8 đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; Quách Văn Lộc (ngụ tỉnh Bắc Ninh) bị truy tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Ngoài ra, còn có đối tượng Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng “Sóc”) nhưng đã chết trong quá trình điều tra nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đình chỉ điều tra bị can về các tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.
Vào 14h chiều ngày 1/6, phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo.
Hải Ninh

Bình luận(0)