Ông Trầm Bê và "siêu lừa" lại ra tòa

Google News

Trong vụ án này, cơ quan điều tra và VKS có quan điểm khác nhau về tội danh của ông Trầm Bê.
 

Ngày 23/7, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án liên quan đến “siêu lừa” Dương Thanh Cường và Trầm Bê cùng các đồng phạm. Bị cáo Cường (cựu tổng giám đốc Công ty Bình Phát, chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Phát) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 BLHS. Hiện bị cáo thụ án tù chung thân trong nhiều bản án khác nhau về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bất nhất tội danh
Ông Trầm Bê (cựu phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Phương Nam) cùng các đồng phạm khác bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3 Điều 179 BLHS (có khung hình phạt 10-20 năm tù).
Các đồng phạm là ông Phan Huy Khang (cựu phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng (HĐTD) Sở giao dịch NH Phương Nam), Ngô Văn HuổL, Nguyễn Văn Phong (cùng là cựu phó giám đốc kiêm ủy viên HĐTD), Trịnh Bích Nga (cựu trưởng phòng kinh doanh kiêm ủy viên HĐTD Sở giao dịch), Phạm Trường Giang, Trần Quan Thắng (cùng cựu cán bộ tín dụng Sở giao dịch), Phan Thị Hồng Vân (cựu cán bộ pháp chế kiêm ủy viên HĐTD NH) và Trầm Viết Trung (cựu giám đốc trung tâm xét duyệt tín dụng).
Đặc biệt về tội danh của ông Trầm Bê trong vụ án này, cơ quan tố tụng không có sự thống nhất. Tại bản kết luận điều tra ngày 10/9/2019 và bản kết luận điều tra bổ sung ngày 10-2 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển VKS đề nghị truy tố ông Trầm Bê tội vi phạm quy định về hoạt động NH, hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH, theo khoản 4 Điều 206 BLHS 2015 có khung hình phạt 12-20 năm tù.
Tuy nhiên, cáo trạng của VKSND tối cao truy tố ông Trầm Bê tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo khoản 3 Điều 179 BLHS 1999 (giống quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa).
Theo VKS, việc áp dụng tội danh và khung hình phạt đối với ông Trầm Bê là theo điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội khóa 14 về thi hành BLHS 2015 áp dụng những quy định có lợi cho người phạm tội.
Ong Tram Be va
 Dương Thanh Cường và Trầm Bê. Ảnh: HY

“Siêu lừa” không nhớ có gặp Trầm Bê không
Tại tòa, bị cáo Cường thừa nhận thời điểm bị cáo nộp hồ sơ vay vốn có tài sản đảm bảo là 23 giấy đỏ nhưng đất này chưa đăng bộ. Khi mua đất, bị cáo không xác minh thông tin quy hoạch. Sau khi làm hợp đồng chuyển nhượng, bị cáo mới biết khu đất không thể sang tên giấy tờ sở hữu đất. Lúc này, chính quyền địa phương mới có chủ trương thực hiện dự án khu đô thị chứ chưa hề cấp phép thực hiện dự án.
Khi mang 23 giấy đỏ sang NH Phương Nam làm hồ sơ vay vốn, Cường không nói với ai ở NH này việc bị cáo đã thế chấp toàn bộ tài sản trên ở NH khác. Do vụ việc xảy ra đã lâu nên hiện bị cáo không nhớ bị cáo gặp những ai ở NH Phương Nam khi lần đầu làm hồ sơ thế chấp tài sản ở đây.
VKS hỏi bị cáo Cường: “Bị cáo có gặp Trầm Bê không?”. Ông Cường đáp không nhớ rõ mà chỉ nhớ vay NH Phương Nam nhiều lần, mỗi lần hàng trăm tỉ đồng. Bị cáo dùng tiền vay đáo hạn lần vay trước đó, trả lãi NH và mua thêm đất.
Các bị cáo nguyên là cấp dưới của ông Trầm Bê bị HĐXX chất vấn liên quan đến quy chế tín dụng NH. Một số bị cáo cho rằng họ nhận thấy hồ sơ do bị cáo Cường nộp vào đủ điều kiện.
Bị cáo Phạm Trường Giang (cựu phó trưởng phòng kinh doanh) cho rằng đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ trong quá trình xem xét hồ sơ tín dụng có tài sản thế chấp là 23 giấy đỏ. Theo bị cáo, doanh nghiệp do Cường điều hành đủ điều kiện vay vốn. Dù vậy, bị cáo cũng thú nhận bản thân không đích thân đi thẩm định dự án. Sau này bị cáo mới phát hiện hồ sơ vay không đúng quy chế NH.
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.
Nội dung vụ án
Theo hồ sơ, năm 2007 Cường có ý định thực hiện dự án cao ốc căn hộ và biệt thự vườn nên lấy danh nghĩa công ty mua 10,5 ha đất của các hộ dân có 23 giấy đỏ. Cường đem 23 giấy này thế chấp tại NH Agribank Chi nhánh 6 để vay tiền làm dự án.
Ngày 7/4/2008, Cường với tư cách là tổng giám đốc Công ty Bình Phát ký hồ sơ đề nghị vay 200 tỉ đồng tại Sở giao dịch NH Phương Nam. Bốn ngày sau, Nguyễn Thị Xuân Trang, giám đốc Sở giao dịch (đã bỏ trốn, đang bị truy nã), đã chỉ đạo hai cán bộ tín dụng báo cáo thẩm định đề xuất cho công ty này vay 190 tỉ đồng.
Sau đó, HĐTD của NH gồm ông Khang (chủ tịch) đã họp và ký vào biên bản đồng ý cho vay nhưng chỉ giải ngân 130 tỉ đồng. Đồng thời, yêu cầu Sở giao dịch phải thực hiện đầy đủ tám điều kiện trước khi cho vay. Tuy nhiên, ông Trầm Bê đã phê duyệt cho công ty của Cường vay không điều kiện và không theo đề nghị của HĐTD.
Đến tháng 5/2008, ông Bê lại cho Cường vay thêm bằng cách đảo nợ ký hợp đồng vay mới. Sau đó sử dụng tiền giải ngân để tất toán hợp đồng lần một và rút thêm tiền. Trình tự, thủ tục xét duyệt cho vay như lần một.
NH đã giải ngân cho Cường hơn 57 tỉ đồng và 9.000 lượng vàng, tổng cộng là 221,3 tỉ đồng. Cường dùng số tiền này để tất toán khoản vay trước, trả 32 tỉ đồng lãi, còn lại hơn 57 tỉ đồng sử dụng riêng.
Đến ngày 4/6/2009, đến hạn thanh toán hợp đồng vay lần hai, Cường tiếp tục đến gặp Trầm Bê xin gia hạn nợ. Ông Bê đồng ý cho Cường gia hạn nợ bằng cách đảo nợ, ký hợp đồng tiền vay mới lần ba. Đến ngày 11/1/2010, Cường ký giấy gán toàn bộ 23 bất động sản cho NH Phương Nam để thanh lý các khoản nợ.
Theo Hoàng Yến/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)