Ông lão si tình ở Hà Nội dựng cả khu vườn tình yêu tặng vợ quá cố

Google News

Suốt ba năm qua, từ ngày đón vợ về "nhà mới", ông Nguyễn Tài Thiệp vẫn ngày ngày ra nghĩa địa trò chuyện với vợ và dựng cả một khu vườn tình yêu dành tặng vợ.

Vợ mất, ông Thiệp hoàn toàn suy sụp. Ngày ngày ông cứ thẫn thờ, chẳng buồn trò chuyện với ai. Ông bảo: "Có sống đến tuổi này rồi mới hiểu tình già nó quan trọng đến mức nào. Chả ai hiểu tôi bằng bà ấy, cũng chả ai lo cho tôi bằng bà ấy. Lúc còn sống, hai vợ chồng suốt ngày trò chuyện thủ thỉ, giờ bà ấy mất rồi, tôi cũng như người mất hồn" - ông Thiệp tâm sự.
Ba năm sau ngày vợ mất, ông Thiệp đã chuyển "nhà mới" cho vợ về đặt ở một gò đất của làng - đó là nơi dành cho những nấm mồ đã sang cát. Tới tận khi ấy ông mới thực hiện được ước mơ bấy lâu ấp ủ. Ông chia sẻ: "Để xây được cái khu vườn tình yêu dành tặng vợ, tôi đã phải dốc hết tiền tiết kiệm suốt mấy năm đấy".
 Không chỉ chăm sóc cây cối, ông còn đọc thơ tặng vợ.
Nhìn vào ngôi mộ đủ thấy sự tâm huyết và tốn kém của người quyết tâm xây dựng nó. Mộ được thiết kế hai ngăn, khum hình mái nhà, bên trái dành cho bà, bên phải dành cho ông. "Tôi thiết kế thế để sau này xuống suối vàng rồi vẫn được ở chung nhà với bà ấy" - ông Thiệp tự hào khoe công trình của mình.
Trên phần mộ là tấm bia ghi tên vợ ông, phía dưới, bên trái là tấm gỗ ghi bài thơ lục bát bốn câu có tựa đề "Lời tâm niệm của cụ Thiệp Bùi": "Chữ tình cùng với chữ duyên/ Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền/ Bây giờ cách trở âm dương/ Sau này sum họp lại chung một mồ". Phía bên phải là chiếc chậu nhựa ghi rõ: "Chậu của cụ Bùi rửa mặt".
Mộ xây xong cũng là lúc ông Thiệp xách hành trang ra đó ở cùng vợ. Khi ấy ai cũng nói ông do đau khổ quá nên đã bị "điên". Con cái gàn thế nào ông cũng không nghe.
Ông bảo, vợ chồng thì phải đồng kham cộng khổ, nay bà ấy vì bệnh tật mà mất trước, như thế là rất thiệt thòi nên ông muốn bù đắp, ông không muốn bà cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo. Phải mất tới mấy tháng những người con của ông Thiệp mới khuyên được bố không ngủ lại bên mộ của mẹ. Dù không được ngủ đêm bên mộ vợ nhưng ngày ngày cứ từ tờ mờ sáng người làng đã thấy ông lọ mọ ra khu mộ rồi cặm cụi trồng rau, trồng cây thuốc đến tối muộn mới về.
Bây giờ, quanh mộ vợ ông tứ bề xanh ngắt. Hễ có chỗ đất nào còn trống là ông Thiệp trồng cây. Đó thường là những loại cây khi còn sống bà Bùi rất thích. Mỗi cây ông đều treo lên đó một tấm biển ghi rõ là tặng vợ nhân dịp gì.
Với ông Thiệp, thì cây nào cũng đều mang kỷ niệm để nhắc nhớ tới người vợ hiền. Ông Thiệp nhớ lại: "Hồi còn sống, bà nhà tôi lúc nào cũng ao ước xung quanh ngôi nhà có thật nhiều cỏ cây, hoa lá. Sở thích của con người ta chắc đến khi chết vẫn còn mang theo nên tôi mới ra đây trồng cây, trồng hoa cho bà ấy vui".
Để thỏa nguyện ước mơ của người vợ đã khuất, ngày ngày ông Thiệp đi nhặt những que củi, cành cây, cả những đoạn sắt thép người ta bỏ đi để mang ra nghĩa địa làm bờ rào. "Cô chú nhìn xem "vườn yêu" tôi làm tặng vợ có đẹp không. Trong này chả thiếu cây nào mà hồi còn sống bà ấy thích nhé!" - ông Thiệp tự hào khoe.
Mấy năm nay, những người bạn đồng niên của ông Thiệp muốn tìm ông thường chả mấy khi qua nhà mà đến thẳng nghĩa địa. Bởi họ quá quen với thói quen sinh hoạt của ông. Những ngày đầu, mấy người con của ông Thiệp chỉ lo bố lọ mọ nắng mưa ngoài mộ mẹ nhỡ xảy ra chuyện gì không hay nên nhiều lúc còn cử các cháu ra canh chừng.
Sau thấy ông Thiệp không những không bị trầm uất như trước mà tinh thần sảng khoái, sức khỏe lại tốt hơn nên thôi. Thường các buổi trưa, ông Thiệp sẽ ăn cơm và ngả lưng ngay ở phiến đá cạnh mộ vợ. Chiều dậy lại tưới nước cho cây hoặc vun lại cái hàng rào cho chắc chắn.
Em lấy anh chứ còn lấy ai
Buổi sáng đầu hè, trời còn mờ sương, ông Thiệp đã lỉnh kỉnh xô chậu, dây buộc đi ra "khu vườn yêu" của hai người. Ông thật thà: "Đêm nằm chỉ mong trời mau sáng để ra đây với bà ấy, chăm sóc cây cối. Già rồi nằm chẳng ngủ được, nghĩ ngợi linh tinh…". Người ta bảo, người già thường nhìn về quá khứ để sống.
Có lẽ ông Thiệp cũng vậy, hình ảnh bà, những kỷ niệm với người vợ quá cố lúc nào cũng hiển hiện trong đầu ông ngay cả trong mơ. Bốn mươi năm trước, khi ấy ông mới ngoài đôi mươi, đẹp trai, nhiều tài lẻ nên ông được nhiều cô gái thầm yêu trộm nhớ.
Ông cười: "Chẳng biết đúng hay không nhưng mọi người vẫn bảo tôi đẹp trai nhất làng. Ngày ấy có cô còn mua cả xe đạp cho tôi đi học cơ mà". Dù nhiều cô gái để ý nhưng ông chỉ yêu một người con gái trong làng, may mắn người đó cũng được gia đình "dấm" cho từ lâu. Thời gian đi lại cũng đã chín muồi, bố mẹ ông quyết định đến nói chuyện người lớn. Đó cũng là lúc ông không tin vào mắt mình, cô gái ấy "ngoảnh mặt làm ngơ", chỉ nói với ông rằng: coi ông là bạn bè.
Ông buồn chán đến mức bỏ cả ăn. Trong lúc ông Thiệp đớn đau thì một người bạn chuyển đến tay ông một lá thư tình. Đó là những lời ruột gan của một cô gái tự nhận đã thầm yêu trộm nhớ ông từ lâu. Éo le một điều là cô gái viết lá thư ấy lại chính là em họ của người con gái đang khiến ông đau khổ.
Chẳng là, những lần ông sang chơi, cô gái ấy thấy ông đẹp trai, vui tính lại thật thà nên đã đem lòng yêu ông. Yêu trong đau khổ, bởi cô ấy đâu có dám giật người yêu của chị gái mình. "Đúng là lấy nhau cũng vì cái duyên cái số. Nếu như bà kia không từ chối thì chắc gì tôi đã có cuộc sống hạnh phúc thế này. Chẳng ai ngờ được trong lúc tôi đau khổ nhất, bà ấy lại đến bên tôi"- ông Thiệp kể.
Nhận lá thư tình, ông chẳng chút mảy may đoái hoài đến tình cảm ấy. Hơn một tháng sau, ông mới biên thư lại để cho phải phép. Ông viết: "Nhà tôi nghèo lắm, chả có gì đâu mà cưới em. Em thích thì tự đi mà lo liệu cuộc sống sau này"…
Những tưởng lời cộc lốc, cục cằn ấy của ông Thiệp khiến cô gái ấy cụt hứng, tự ái mà rút lui. Không ngờ sáng hôm sau, ông Thiệp nhận được một cái hẹn: "Sang nhà em bàn chuyện". Thực tâm ông lúc đó không muốn sang nhưng muốn mọi chuyện dứt khoát nên đành sang nhà cô gái ấy.
Vừa bước vào đến cửa, cô gái liền bảo ông: "Anh chở em ra Hà Nội mua đôi chiếu mới nhé". Ông Thiệp giật mình hỏi lại: "Em lấy chồng à? Lấy ai vậy?". Cô gái mặt lạnh như tiền trả lời ông: "Vâng! Em lấy chồng. Anh không nhớ là anh trả lời thư của em, cho em lo hết mà, em lấy anh chứ còn lấy ai nữa".
Nghe đến đây, ông Thiệp lại giật mình thảng thốt nhưng cũng không tránh được sự xao động trong lòng. Ông tự nhủ với bản thân: Thôi thì tình chị duyên em, coi như số phận an bài, cô ấy dám hy sinh vì mình thì chẳng có lý gì mình lại từ chối một tấm lòng. Thế là ông nhảy luôn lên xe, hai người vi vu ra mãi tận Hà Nội sắm đôi chiếu mới tinh.
Người phụ nữ ấy chính là bà Nguyễn Thị Bùi, người chung sống trọn đời với ông sau này. Ngồi bên mộ vợ, ông Thiệp kể lại mà nước mắt rưng rưng: "Ban đầu lấy vợ để cho có, để đáp lại tấm lòng của bà ấy thôi. Đến lạ, càng ở với nhau, tôi càng yêu thương bà ấy hơn".
Họ cưới nhau được 5 năm, bà sinh cho ông 3 người con thì ông phải lên đường nhập ngũ. Những tháng ngày trong chiến trường Tây Nguyên ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh, đó cũng là lúc ông cảm nhận được tình yêu của người vợ hiền nơi quê nhà.
Hàng trăm nghìn thứ việc bà phải lo nhưng tháng nào bà cũng biên cho ông một lá thư dài dằng dặc. Bà động viên ông giữ gìn sức khỏe, chân cứng đá mềm, bà chúc ông lành lặn trở về rồi bà sẽ sinh cho ông thêm những đứa con kháu khỉnh.
Trong lúc chiến đấu, ông Thiệp bị thương ở đùi, được chuyển về hậu phương chữa trị, hết thời gian điều dưỡng, ông về làm cán bộ xã. Đúng như lời hứa, bà lại sinh cho ông thêm 2 người con khỏe mạnh. Nhưng rồi hạnh phúc chẳng tày gang, ông lại tiếp tục xa vợ con thêm 10 năm nữa khi phải nhận nhiệm vụ lên Mộc Châu (Sơn La) làm kinh tế mới.
Ông bảo: "Tôi thương bà ấy lắm nhưng nhiệm vụ đất nước tôi phải đi. Nghĩ mà thương, một mình bà ấy cáng đáng cả gia đình, có chồng mà cũng như không". Mãi cho đến năm 1987 ông nhận sổ hưu, đó mới là lúc hai vợ chồng trọn vẹn bên nhau. Họ sống trọn vẹn bên nhau ngót nghét hai mươi năm thì bà Bùi lâm trọng bệnh.
Như muốn đáp lại tình yêu, bù đắp những tháng ngày xa cách, ông chẳng rời bà nửa bước. Ông quanh quẩn bên vợ, chăm sóc vợ từng li từng tí. Con cái thương ông vất vả, muốn thuê người chăm sóc thay nhưng ông một mực phản đối.
Ông muốn tự tay mình chăm sóc bà, chỉ có vậy ông mới an tâm. Nhưng rồi bà cũng không qua khỏi. Trước khi mất ba ngày, bà có gọi ông và thì thầm vào tai rằng: "Tôi muốn trọn đời bên ông". Thế là hai người ôm nhau khóc nức nở, ông nói với bà: "Tôi sẽ mãi mãi ở bên bà".
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):
Theo CAND

Bình luận(0)