Chiều 12/4, sau 3 ngày xét xử, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng cùng 12 bị cáo khác trong vụ án Mua bán hóa đơn trái phép, Đưa và Nhận hối lộ, Trốn thuế,...
Theo đó, bị cáo Đỗ Hữu Ca bị tòa tuyên với mức án 10 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
|
Bị cáo Đỗ Hữu Ca |
Bị cáo Trương Xuân Đước bị phạt 24 tháng tù cho tội 1 và 7 năm tù cho tội 2, tổng hình phạt là 9 năm tù. Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ Đước) bị phạt 18 tháng tù cho tội 1 và 3 năm tù cho tội 2, tổng hình phạt là 4 năm 6 tháng tù.
Ở nhóm tội nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Đình Đương, cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải (TP Hải Phòng), bị phạt 6 năm 6 tháng tù; Đỗ Thanh Hoài, cựu công chức Chi cục Thuế huyện Cát Hải (Hải Phòng), bị phạt 4 năm 6 tháng tù. Hai bị cáo này bị cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Ở nhóm tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, bị cáo Đặng Khắc Thành (SN 1971, lao động tự do), bị phạt 18 tháng tù; Hà Thị Bích Nhàn (SN 1975, lao động tự do), bị phạt 15 tháng tù
6 bị cáo phạm tội Trốn thuế, không bị áp dụng hình phạt tù, chỉ phạt hành chính. Cụ thể bị cáo Đỗ Thị Đua bị phạt 2,5 tỷ đồng; Hà Thị Trang bị phạt 1,5 tỷ đồng; Vũ Ngọc Tú bị phạt 1,2 tỷ đồng; Chu Thị Thu Hiền bị phạt 800 triệu đồng; Nguyễn Hiền Tài bị phạt 350 triệu đồng; Ngô Văn Tuyên bị phạt 300 triệu đồng.
Hội đồng xét xử đánh giá vụ án Trương Xuân Đước và đồng phạm là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đa phần người phạm tội là những người có hiểu biết pháp luật nhưng vì động cơ vụ lợi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại tài sản nhà nước nên cần phải xử phạt nghiêm, có tính răn đe.
Vụ án là điển hình cho lợi ích nhóm, nhóm lợi ích; có sự cấu kết, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, vì lợi ích vật chất mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Vụ án này các bị cáo đã xâm phạm tính đúng đắn của cơ quan, tổ chức và cá nhân, làm cho bộ phận cán bộ bị thoái hóa biến chất. Từ vụ việc này đã làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, tại Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, các bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh đã quản lý điều hành 26 công ty để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, nhằm chiếm lời bất chính.
Kết quả điều tra xác định, số lượng hóa đơn vợ chồng Đước mua bán trái phép là hơn 15.674 hóa đơn, thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng. Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đưa hối lộ Nguyễn Đình Đương, Đỗ Thanh Hoài số tiền 362 triệu đồng, để được tạo điều kiện thành lập công ty mua bán trái phép hóa đơn.
Để che giấu hành vi phạm tội, trốn tránh trách nhiệm hình sự, trong khoảng thời gian tháng 10-12/2022, vợ chồng Đước đã đưa cho Đỗ Hữu Ca 35 tỷ đồng để nhờ Ca chạy tội.
Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng chạy án giúp vợ chồng Đước nhưng đã gian dối, hứa hẹn giúp được; nhận và chiếm đoạt 35 tỷ đồng của vợ chồng Đước. Ông Ca đã nộp lại toàn bộ số tiền 35 tỷ đồng và bản thân có nhiều thành tích trong công tác, được nhiều ban ngành ở Hải Phòng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong khoảng thời gian tháng 8/2021-8/2022, Nguyễn Đình Đương, Đỗ Thanh Hoài, đã nhận hối lộ của Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh 362 triệu đồng. Từ đó Đương, Hoài tạo điều kiện cho vợ chồng Đước thành lập 3 công ty để mua bán trái phép hóa đơn trên địa bàn huyện Cát Hải (Hải Phòng).
Các bị cáo Đặng Khắc Thành, Hà Thị Bích Nhàn, đã làm trung gian mua bán hóa đơn trái phép của vợ chồng Đước, sau đó bán lại cho người khác với giá cao hơn để hưởng chênh lệch. Quá trình điều tra vụ án cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, đồng ý với bản cáo trạng truy tố tội danh của mình là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
HĐXX đánh giá, hành vi phạm tội của bị cáo Đỗ Hữu Ca là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ, gây ảnh hưởng xấu cho dư luận.
Đối với bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Đình Đương, Đỗ Thanh Hoài, bị truy tố tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây mất uy tín của nhân dân với cơ quan nhà nước.
Đối với tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Các bị cáo đã vì động cơ vụ lợi, mắc ngoặc với nhau để hình thành lợi ích nhóm thực hiện hành vi vi phạm nhiều tội.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bị bắt vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Hòa thượng “dởm” khai gì?