Ngày 14/12, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng (cựu bộ trưởng Bộ GTVT), Nguyễn Hồng Trường (cựu thứ trưởng Bộ GTVT) cùng năm đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
|
Bị cáo Đinh La Thăng bị dẫn giải đến tòa sáng 14/12. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Ông Thăng được VKS ghi nhận tình tiết giảm nhẹ
Liên quan đến vụ án, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cùng 12 đồng phạm bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Bộ GTVT được tòa triệu tập với tư cách bị hại. HĐXX cũng triệu tập 14 pháp nhân và 11 cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như Bộ Tài chính và 13 doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty TNHH Phát triển đầu tư Thái Sơn, Công ty CP BOT và BT quốc lộ 20…
Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức không đến dự tòa. Đại diện VKS nhận thấy việc những người này vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Trong phần thủ tục, bị cáo Thăng bị thẩm vấn lý lịch đầu tiên. Ông Thăng trả lời rõ ràng sau khi học xong hệ 10/10, ông học đại học, sau khi ra trường ông làm nghề kế toán, về sau thì làm quản lý. Tuy nhiên, ông Thăng trả lời không nhớ mình bị khai trừ Đảng lúc nào.
Ông Thăng cũng trả lời là mình bị hai bản án tuyên phạt chung 30 năm tù nhưng không nhớ rõ ngày, tháng nào bị tuyên phạt. Theo giải thích của chủ tọa, hai bản án này không được xem là tiền án đối với bị cáo Thăng.
Trong vụ án này, ông Thăng được VKS ghi nhận có các tình tiết giảm nhẹ vì thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác, được tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen.
Đinh Ngọc Hệ phủ nhận tên Út “trọc”
Đáng chú ý, bị cáo Hệ nói rằng mình không có tên gọi khác ngoài tên Đinh Ngọc Hệ và phủ nhận tên Út “trọc”. Bị cáo cũng khai đang chịu hai bản án với hình phạt chung là 30 năm tù.
Tại cơ quan điều tra, bị cáo này không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, phủ nhận vai trò chủ yếu trong việc thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản…
Sau phần thủ tục, chủ tọa hỏi có bị cáo nào vì lý do sức khỏe cần phải ngồi nghe cáo trạng. Ông Thăng nhanh chóng giơ tay cùng nhiều bị cáo khác. Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng chỉ những người có chứng nhận y tế về sức khỏe thì mới được xem xét việc cho ngồi nghe cáo trạng. Sau đó, ông Thăng và các bị cáo khác đều phải đứng nghe đại diện VKS công bố cáo trạng dài 80 trang.
Luật sư của bị cáo Hệ đề nghị HĐXX triệu tập giám định viên để làm rõ thiệt hại trong vụ án. Liên quan tới vấn đề kê biên tài sản của thân chủ, luật sư đề nghị HĐXX triệu tập thêm hàng loạt người liên quan. Chủ tọa phiên tòa cho rằng trong quá trình xét xử nếu xét thấy cần thiết thì sẽ triệu tập bổ sung.
Cáo trạng xác định với vai trò bộ trưởng, là người đứng đầu tại Bộ GTVT, được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TP.HCM / Trung Lương, ông Thăng đã ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí.
Ông Đinh La Thăng nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn. Tuy nhiên, ông Thăng đã làm trái với quy định của Nhà nước dẫn đến sai phạm gây thiệt hại hơn 725 tỷ đồng do bị Hệ chiếm đoạt.
Phiên tòa dự kiến diễn ra đến hết ngày 25/12.
Ông Đinh La Thăng án chồng án
Trước đó, ông Đinh La Thăng bị tòa tuyên phạt 18 năm tù vì gây thiệt hại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 800 tỉ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng OceanBank (thời ông Thăng làm chủ tịch HĐQT PVN).
Ông còn bị tòa tuyên phạt 13 năm tù vì hành vi cố ý làm trái xảy ra tại PVN và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam. Ông Thăng phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù cho hai bản án.
Sau phiên xử tại TP.HCM, dự kiến trước tết Nguyên đán, ông Thăng còn phải hầu tòa tại Hà Nội liên quan đến vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ethanol Phú Thọ.