Liên quan đến vụ việc nữ sinh Trần Thị Tố Uyên tử vong sau truyền nước ở phòng khám đa khoa Thành Mỹ (quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh), dư luận quan tâm nếu quá trình khám chữa bệnh có sai sót thì trách nhiệm của phòng khám đa khoa Thành Mỹ ra sao?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho rằng, để xem xét trách nhiệm của phòng khám đa khoa Thành Mỹ thì phải chờ kết quá khám nghiệm tử thi tìm nguyên nhân nữ sinh tử vong sau truyền nước.
“Nếu bác sỹ tắc trách dẫn đến cái chết cho bệnh nhân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, nếu xác định có lỗi, phòng khám sẽ phải bồi thường theo mức độ gây thiết hại và mức độ vi phạm”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái nêu ý kiến.
|
Phòng khám Đa khoa Thành Mỹ. |
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh nhìn nhận, vụ việc nữ sinh tử vong tại phòng khám Thành Mỹ, tính đến thời điểm hiện tại chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra về nguyên nhân gây tử vong nên rất khó để đưa ra câu trả lời y bác sỹ tại phòng khám đa khoa Thành Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào.
“Trong trường hợp có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về nguyên nhân gây tử vong cho nữ sinh sau khi truyền nước tại phòng khám là do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh thì ngoài trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật, y, bác sỹ đó thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật”, Luật sư Truyền cho biết.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho hay, theo quy định tại Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (LKBCB), các hành vi bị cấm trong hoạt động khám chữa bệnh gồm: “từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh; vi phạm quyền của người bệnh; không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh…”.
Ngoài ra, tại Điều 36, Điều 37 LKBCB năm 2009 cũng quy định rõ nghĩa vụ của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh, với nghề nghiệp như sau: “Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật này; tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh; tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 11 của Luật này; thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật; chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình; tận tâm trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 73,74 LKBCB năm 2009, khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, để xác định được trách nhiệm của những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì phải dựa vào kết luận của một Hội đồng chuyên môn. Hội đồng chuyên môn được thành lập bởi người đứng đầu cơ sở khám bệnh nếu có yêu cầu giải quyết tranh chấp; hoặc nếu người đứng đầu cơ sở khám bệnh không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập. Trong trường hợp vụ việc liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh được giải quyết theo thủ tục tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế thành lập hội đồng chuyên môn để tiến hành giám định.
Hội đồng chuyên môn xác định y, bác sỹ có sai xót về chuyên môn kỹ thuật khi đã thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;
- Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;
- Xâm phạm quyền của người bệnh;
Luật sư Truyền dẫn giải một số điều luật áp dụng làm căn cứ xử lý nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận về nguyên nhân gây tử vong cho nữ sinh khi truyền nước tại phòng khám là do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra. Cụ thể, Điều 30, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật, trong đó mức phạt cao nhất có thể phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây tai biến cho người bệnh. Khoản 2 Điều 31 Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không theo dõi tác dụng và không xử lý kịp thời tai biến do dùng thuốc ở người bệnh do mình trực tiếp điều trị và chỉ định dùng thuốc….
Ngoài ra, Điều 99 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định:
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
"Ngày 01/07/2016 tới đây, tội Vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định cụ thể tại Điều 129 Bộ luật hình sự 2015", Luật sư Truyền thông tin.