Chuyến đi ăn cưới định mệnh
Hơn 10 năm qua, câu chuyện về bà Nguyễn Thị Dưỡng (65 tuổi, trú tại xóm 4, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định) sống đơn côi trong căn nhà cấp bốn sập xệ ngóng chờ tin con trai mất tích khiến người dân nơi đây không khỏi xót xa. Có lẽ, họ không chỉ thương cho số phận hẩm hiu, khốn khó về lúc tuổi già của bà mà xót xa với cuộc sống hiện tại.
Trong căn nhà hơn chục mét vuông không có gì đáng giá ngoài đống quần áo cáu bẩn, cũ kỹ và ít đồ đạc vất ngổn ngang, bà Dưỡng vẫn không tin con trai của mình cho đến lúc này vẫn chưa về nhà sau chuyến đi ăn cưới người thân và bà tin rằng, con trai mình sẽ trở về, nhưng sự chờ đợi ấy gần như trong vô vọng.
|
Bà Dưỡng trong căn nhà xập xệ trông ngóng sự trở về của người con trai. Ảnh: Đức Tùy |
Bà Dưỡng kể, năm 2003, bà nhận được điện thoại của cô em chồng nói tổ chức đám cưới cho con nên mời mẹ con bà lên Vĩnh Phúc dự. Đợt đó đúng vào vụ cấy nên bà Dưỡng không đi được mà để cho anh Bùi Văn Thu (SN 1975, con trai bà Dưỡng) đi. “Lúc Thu đi, tôi đưa tiền, vừa để mừng đám cưới vừa để đi tàu xe. Thu cầm tiền thì bảo với tôi: “Con chỉ đi hai hôm thôi rồi sẽ về cấy cùng mẹ. Nhà mình không nhiều ruộng nên mẹ không phải cố quá đâu”. Vậy mà Thu đi miết hơn 13 năm rồi chưa về. Ai mà tin được đó lại là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy mặt con”, bà Dưỡng cho biết.
Đám cưới đã xong được 2 ngày mà vẫn chưa thấy con trai trở về, bà Dưỡng đã đánh điện lên nhà cô em chồng để hỏi thì nhận được câu trả lời, Thu đã về từ hôm trước rồi. Nghe vậy, lòng bà Dưỡng như lửa đốt nhưng vẫn tự trấn an rằng: “Biết đâu Thu tạt ngang tạt dọc vào nhà ai đó chơi, bởi vì có mấy khi nó được đi xa đâu nên chắc tranh thủ”. Nhưng đợi thêm tới 2 ngày nữa mà vẫn không thấy con về, bà Dưỡng đứng ngồi không yên. Bà vay mượn tiền bạc rồi nhờ mấy người họ hàng cùng mình lên quê cô em chồng tìm con. Đến nơi, bà được mọi người kể lại, dù đã mời Thu ở lại rất nhiều nhưng anh một mực từ chối với lý do phải về nhà để kịp cấy cùng mẹ. Sau đó, một người nhà của cô đã chở anh Thu ra bến đò sang bên kia sông để bắt tàu về quê. Từ thời điểm đó, mọi người hoàn toàn không biết tin gì về anh Thu nữa.
Con trai đột nhiên mất tích khiến bà Dưỡng gần như phát điên. Nhiều ngày sau đó, bà cứ tha thẩn ra đường quốc lộ, miệng liên tục gọi tên con. Nhiều lúc bà lại tỏ ra cứng rắn, trấn an những người họ hàng, làng xóm đến chia sẻ cùng mình rằng: “Thu cũng đã 26-27 tuổi rồi chắc không sao đâu. Cháu sẽ về với tôi bởi cũng năm hết Tết đến rồi”.
Mong ước của người mẹ đơn côi
Ngày còn trẻ, bà Dưỡng xin làm công nhân thuộc Công ty Đường sắt số 6 (tuyến đường Hà Nội - Yên Bái) và sau đó xây dựng gia đình với người làm cùng đội sản xuất. Sau khi kết hôn, vợ chồng bà sinh được hai người con (một trai, một gái). Thời gian sau, cuộc sống của hai vợ chồng gặp khó khăn khi công ty tinh giản biên chế và vợ chồng xin nghỉ sớm.
Công việc khó khăn khiến chồng bà chán nản, sa đà vào rượu chè, chơi bời trai gái. Người đàn ông ấy còn ngang ngược đến mức dẫn luôn người phụ nữ “ngoài luồng” về sống ngay trong ngôi nhà vợ chồng bà đang ở. Không những thế, ông ta còn thường xuyên đánh đuổi mẹ con bà Dưỡng, bắt bà phải ký vào đơn ly hôn. Không chịu nổi cảnh “chồng chung” và những trận đòn roi nên bà đã đưa hai con về quê ngoại ở Nam Định sinh sống.
Ban đầu không có nhà cửa, ba mẹ con bà phải ở nhờ nhà nhiều người thân, mỗi nhà ở một thời gian ngắn. Thấy gia cảnh ba mẹ con quá bi đát nên chính quyền địa phương đã quyết định cấp cho bà mấy chục mét vuông ruộng phần trăm dựng nhà và 3 sào ruộng khoán để sinh sống. Để nuôi các con, bà Dưỡng đã phải làm đủ thứ nghề, từ cấy thuê, gánh nước thuê đến mò cua bắt ốc và làm phu hồ.
Bà Dưỡng bảo: “Chỉ cần có các con ở bên thì dù vất vả đến thế nào tôi cũng chịu được. Cho nên, khi thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên các con chăm ngoan và chịu khó, hiếu thuận. Thậm chí, Thu lúc nào cũng nói với tôi rằng, sau này lấy vợ, vợ chồng con sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để mẹ đỡ vất vả. Rồi bọn con sẽ sinh cho mẹ thật nhiều cháu để mẹ tha hồ bế bồng, chăm sóc”.
Ông Bùi Văn Tư, Trưởng xóm 4 cho biết: “Câu chuyện về gia đình bà Dưỡng đợi chờ con trai mất tích hơn 10 năm nay khiến ai ở địa phương cũng xúc động và đau xót. Hiện nay, ngoài bệnh già và cuộc sống khốn khó, thì chúng tôi rất mong mọi người tạo điều kiện giúp đỡ bà để bà bớt đi khổ cực và cũng mong sự may mắn đến với anh Thu trở về”.