Hơn 10 người ở các lứa tuổi đang chăm sóc từng ngôi mộ ở nghĩa trang Đường Sắt 17/3/1982. Họ là những người dân địa phương cám cảnh cho những mảnh đời vất vưởng đã đến thắp lên nén nhang trên các mộ vô danh...
Lời kinh buồn trong nghĩa trang mồ côi
Nghĩa trang được xây dựng tường rào kiên cố. Trong nghĩa trang, mọi người đang say sưa công việc. Một cụ già đang phát quang một bụi rậm. Cụ là Nguyễn Kim Hoạt (80 tuổi, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai).
Cụ nhỏ nhẹ cho biết: "Nghĩa trang này không phải của địa phương, cũng không phải của ngành đường sắt. Những người nằm tại nghĩa trang này là nạn nhân trong tai nạn đường sắt xảy ra vào ngày 17/3/1982.
|
Ông Hoạt bên những nấm mộ vô danh. Ảnh: Trần Cẩm |
Ngày đó, lúc 5 giờ sáng, đoàn tàu mang số hiệu 183 xuất phát từ ga Nha Trang đến Km 1668+400 gần ga Bàu Cá (xã Hưng Thịnh, H. Trảng Bom, Đồng Nai) thì bị lật. 10 trong số 13 toa xe đã văng ra khỏi đường ray. Riêng đầu máy văng lên một gò đất cao cách đường ray vài chục mét.
Lái tàu, phụ lái, sinh viên thực tập và hàng chục nhân viên theo tàu thương vong. Số hành khách bị chết lên đến hơn 200 người.
Đến nay, 34 năm trôi qua vẫn chưa có một thông tin chính thức nào về sự cố này được công bố. Tuy nhiên, nguyên nhân tai nạn từng được các giới chức đường sắt xác nhận là mất thắng.
Lúc đó, đoàn tàu tăng tốc có thể lên đến 200km/h nên khi đến cua chữ C gần ga Bàu Cá thì xảy ra tại nạn.
|
Những nấm mồ cô đơn. Ảnh: Trần Cẩm |
Ngành đường sắt đã ra sức khắc phục hậu quả. Số người bị thương được chuyển đến các cơ sở y tế gần nhất. Những người chết được gom lại.
Sau khi thân nhân nhận dạng đưa về mai táng, số còn lại khoảng 113 người được chôn tại một khu đất cách nơi xảy ra tai nạn 3 km thuộc ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, lập thành nghĩa trang với một đặc điểm chưa từng có, toàn bộ là mộ vô danh".
Tôi đảo mắt quanh nghĩa trang. 4 hàng bia bằng xi măng thẳng tắp. Trên những tấm bia đó có cùng một nội dung, vỏn vẹn 3 chữ "Mộ VD". Có lẽ đây là nghĩa trang duy nhất trên cả nước chỉ qui tụ toàn mộ vô danh.
|
Những nén hương được thắp lên. Ảnh: Trần Cẩm |
Cu Hoạt ngưng câu chuyện. Nhiều người đã tụ tập ở gần cổng nghĩa trang. Vài thanh niên đang đốt lửa. Những bó nhang to được mồi từ đốm lửa này chuyền đến tay những người có mặt. Họ tỏa ra, cắm nhang cho mỗi mộ bia. Khói hương bốc lên nghi ngút ...
Cuối cùng họ ngồi lại, nghiêm trang và trầm mặc. Những lời kinh buồn vang lên. Trong làn khói mờ ảo đó dường như vong linh những người bất hạnh đã về.
Nghĩa tình người dân Tây Hòa
"Bà con chúng tôi bàn với nhau, họ là những người xấu số từ các nơi lưu lạc đến đây. Hàng chục năm nay không ai đoái hoài tới họ. Người dân chúng tôi phát tâm sẽ cùng nhau đảm nhiệm việc chăm sóc phần mồ mả để người nằm dưới lòng đất cảm thấy ấm áp hơn. Đây là chút tình người với nhau", ông nói tiếp.
Ông Hoạt tâm sự với chúng tôi trong lúc chờ nhang tàn để hóa vàng. Ông nói thêm: "Chúng tôi đã thực hiện từ nhiều năm nay. Cứ mỗi năm 4 lần nhang khói vào các ngày 17/3; ngày kỷ niệm tàu lật; ngày rằm tháng bảy âm lịch theo Phật giáo; 2/11 là ngày tảo mộ của người công giáo và mùng 2 Tết Nguyên Đán".
|
Sơn lại những dòng chữ bị mờ theo năm tháng. Ảnh: Trần Cẩm |
Có mặt trong buổi lễ, chị Trần Thị Cẩm, 50 tuổi (ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, người anh ruột của chị là Trần Thái Phương cùng vợ đang có thai 4 tháng cũng đi trên chuyến tàu này.
Tai nạn xảy ra nhưng cả nhà chị không ai biết. Mãi vài tháng sau nghe phong thanh vụ lật tàu nhưng cũng không xác định được.
Chờ đợi mãi vẫn không thấy anh chị trở về nên gia đình chị Cẩm cũng nóng lòng. Tuy nhiên lúc này gia đình chị lại xảy ra nhiều biến cố đau lòng và cuộc sống vô vàn khó khăn, muốn đi tìm người thân cũng không có tiền để đi.
Chị kể: "Cha mẹ tôi đành trông vào số phận. Nếu anh, chị không về thì xem như đã chết.
Đầu năm 2014, tôi bắt đầu cuộc tìm kiếm sau 32 năm tai nạn xảy ra. Tôi lần lượt tìm đến cục Đường sắt 3, các cơ quan công an thuộc tỉnh Đồng Nai và phòng TBXH huyện Trảng Bom, UBND xã Hưng Thịnh, xã Tây Hòa nhưng không tìm đuợc một thông tin cụ thể nào.
Tôi ít tin chuyện tâm linh nhưng đã 2 lần nằm mơ nghe giọng nói của anh tôi. Anh nói, anh nằm trong cỏ dại. Trong giấc mơ hiện ra cảnh một bên là cây cỏ hoang tàn, bên kia là đường tàu song song, chính giữa là đường đất đỏ rất giống như vị trí nghĩa trang hiện giờ. Khi tìm ra nghĩa trang tôi hết sức bàng hoàng.
Hiện trường tại đây giống hệt cảnh đã thấy trong mơ. Tôi đốt 3 nén nhang, một điếu thuốc và khấn: "Nếu đúng là anh, chị nằm ở đây thì giữ cho tàn thuốc và tàn nhang không rớt xuống. Khi nào em chào về thì anh hãy cho tàn đổ xuống". Hiện tượng này đã xảy ra y như lời khấn trước mặt mọi người.
Lần nào tôi đến cũng thấy người dân Tây Hòa hết lòng chăm lo cho nghĩa trang. Năm nay cũng thế. Tấm lòng người dân Tây Hòa thật đáng quí và đáng trân trọng. Dẫu không tìm ra chính xác ngôi mộ nhưng tôi vẫn có lòng tin anh chị tôi đã gởi tấm thân nơi đây. Tôi xem cả nghĩa trang này là mộ của anh chị tôi và tôi luôn viếng mỗi khi có dịp".
Cũng như chị Cẩm, chúng tôi ghi nhận tấm lòng bà con nơi đây. Chúng tôi cũng tin rằng nơi xa xăm nào đó, những mảnh đời nghiệt ngã sẽ cảm thấy ấm lòng hơn khi được bà con Tây Hòa chăm sóc.
Mời quý độc giả xem video về tai nạn giao thông (nguồn Youtube):