Những khu nhà hoang sạt lở đất ở Hòa Bình sau lũ

Google News

Có nhà nhưng không dám ở, hàng chục hộ dân 3 xã Hạ Bì, Tú Sơn, Cuối Hạ (Kim Bôi, Hòa Bình) phải dựng lều ra giữa cánh đồng vì nỗi ám ảnh sạt lở đất.

Trận mưa lớn ngày 13/10 khiến huyện Kim Bôi thiệt hại nặng nề. Tại ba xã Tú Sơn, Hạ Bì, Cuối Hạ, đất đá từ trên cao đổ xuống cuốn trôi những ngôi nhà nhỏ nằm dưới chân đồi.
Lo lắng đất đá tiếp tục lở xuống, hàng trăm người dân hai xã này phải dựng lều bạt ra cánh đồng ở. Trời đông mưa phùn, những đứa trẻ co ro trong căn lều tạm tránh rét.
Khi người dân thành phố chuẩn bị sắm sửa đồ đạc đón Tết thì họ phải dựng lại căn lều tạm của mình…
Sau trận mưa lớn tháng 10, ba xã Hạ Bì, Tú Sơn, Cuối Hạ huyện Kim Bôi xuất hiện nhiều khu vực sạt lở nguy hiểm. Ảnh: Văn Chương. 
Những ngôi nhà hoang
Cứ mỗi sáng sớm, chị Bùi Thị Thiệu (SN 1980, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi) lặng lẽ đứng dưới chân đồi nhìn về ngôi nhà mình. Lấy tay áo chấm vội nước mắt, chị lại tắt cánh đồng về lại nhà văn hóa nơi hai đứa con chị đang ngủ.
Hơn hai tháng nay, vợ chồng chị và các con không dám về lại ngôi nhà của mình.
“Người ra nhà văn hóa tá túc, người phải dựng lều ra giữa cánh đồng ở. Tết nhất đến nơi mà vẫn phải vạ vật. Khổ lắm chú à”, chị Thiệu bắt đầu câu chuyện bằng một tiếng thở dài.
Nhà chị Thiệu nằm ngay dưới chân một quả đồi ở xóm Đúp. Bốn năm trước, vợ chồng chị tích cóp, vay mượn mới dựng được căn nhà cấp bốn.
Người dân dựng lều ở giữa cánh đồng vì không dám về nhà. Ảnh: Văn Chương. 
Nhưng giờ đây, căn nhà đó phải bỏ hoang, mặc cho cỏ dại mọc vì không ai dám ở lại. Cơn lũ tháng 10 đã đi qua nhưng “tử thần” vẫn còn ở lại, có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Lấy tay gạt dòng nước mắt, chị Thiệu kể từ ngày 14/10, vợ chồng chị và hai con phải chuyển ra nhà văn hóa xóm Đúp ở tạm. Căn nhà của vợ chồng chị nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm, sạt lở đất bất cứ lúc nào.
Hai tháng trôi qua, nhà văn hóa thôn trở thành nơi tá túc của gia đình chị và những người hàng xóm cùng cảnh ngộ.
Chị Thiệu kể: “Ở đây cháu bé nhất mới lên 1 tuổi, cụ già nhất năm nay đã ngoài 80. Chúng tôi phải xếp ghế thành giường để ngủ. Đêm đông, nhiều khi không ngủ được vì lạnh, nhớ nhà. Bao năm tích cóp dựng được căn nhà giờ hóa hư không”.
Chỉ tay về phía nhà mình, nơi quả đồi cao án ngự, chị Thiệu cho biết những điểm cắm cờ trắng là nơi có nguy cơ sạt lở. Từ dưới chân đồi có thể nhìn rõ những vết nứt lớn. Có lẽ chỉ cần một trận mưa lớn như tháng 10, nửa quả đồi ụp xuống sẽ nuốt trọng cả xóm Đụp trong lòng.
Lúc chúng tôi đang nói chuyện với chị Thiệu, nghe tiếng khóc ré của một đứa trẻ. Đó là cháu Nhân, con chị Bùi Thị Ba (20 tuổi). Cháu Nhân vừa tròn 1 tuổi.
Chị Nga bảo đến giờ này đã vét đến hạt gạo cuối cùng trong thùng. Mưa lớn, lũ lụt khiến mấy sào lúa nhà chị mất trắng. Vợ chồng chị không biết thời gian tới sẽ sống thế nào.
“Căn nhà thì coi như đã mất. Bởi quả đồi có thể sạt xuống bất cứ lúc nào, cán bộ xã không cho về nữa. Chúng tôi sống bằng nghề nông nhưng năm vừa rồi không thu hoạch được gì cả. Đến cái ăn còn đang thiếu nói gì đến mua quần áo ấm cho con”, chị Ba ôm chặt bé nhân vào lòng.
Những người chết hụt
Hàng ngày, chị Quách Hoài Thương (SN 1987, xã Cuối Hạ) vẫn về qua căn nhà mái bằng mới xây tại xóm Má cho lợn, gà ăn.
Căn nhà mái bằng đó là thành quả của gần 10 năm tích cóp của vợ chồng chị Thương và cả vốn vay ngân hàng. Trận mưa lớn sáng 13/10 khiến đất đá ập xuống trùm lên phòng ngủ của ngôi nhà.
Vợ chồng chị Thương và con gái 3 tuổi may mắn thoát chết trong gang tấc.
Chị Thương kể lại lúc đó vào khoảng hơn 8h. Hôm ấy trời mưa to nên vợ chồng chị không ra ngoài đi làm được.
Có lẽ do linh tính mách bảo, chị vùng dậy bế con gái ra ngoài phòng khách. Chồng chị Thương là anh Bùi Văn Điều cũng dậy để sang che lại chuồng gà.
Căn nhà của chị Quách Hoài Thương bị đất đá vùi. Vợ chồng chị phải dọn ra nhà văn hóa thôn ở, không dám về nhà. Ảnh: Văn Chương. 
Họ vừa bước ra khỏi phòng ngủ, mặt đất bất ngờ rung chuyển. Đất đá từ trên cao ầm ầm đổ xuống từ phía cửa sổ phòng ngủ. Chiếc giường họ vẫn nằm cách đó vài phút bị đè nát. Khuôn mặt chị Thương tái dại.
Ám ảnh bởi trận sạt lở, vợ chồng chị Thương dọn ra nhà văn hóa thôn để ở. Nhà văn hóa thôn cũ, hỏng mái, nhiều khi mưa xuống nước chảy lênh láng trong nhà.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường đầy đất đá, anh Bùi Văn Cường, Trưởng ban chỉ huy quân sự xã Hạ Bì cho biết tại xóm Má, xóm Mớ Hoắc xuất hiện nhiều vết nứt ở độ cao 200 m, dài hơn 100 m. Tại chân đồi xuất hiện những vết nứt có nguy cơ sạt cả quả đồi.
Trận mưa hồi giữa tháng 10 khiến những tảng đá lớn từ trên cao lăn xuống gây hư hỏng nhiều ngôi nhà. May mắn là không có thiệt hại về người.
Mẹ con chị Dòn may mắn thoát chết vì dọn ra khỏi nhà từ tối hôm trước. Ảnh: Văn Chương. 
“May mắn nhất là mẹ con chị Bùi Thị Dòn, xóm Thượng, xã Cuối Hạ. Tối hôm trước chị về nhà mẹ đẻ ngủ. Sáng hôm sau, căn nhà của chị bị đất đá quét đổ sập tường, mái nhà. Hôm đó họ ở lại, không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, anh Cường nói.
Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Văn Dùm, Chủ tịch huyện Kim Bôi cho biết từ ngày 9/10 đến 13/12, trên địa bàn huyện có mưa lớn. Lượng mưa đo được lên đến 600 mm. Mưa lớn khiến nhiều địa điểm bị sạt lở, ngập lụt.
Ngay trong ngày 14/10, hàng trăm người dân đã được di dời khỏi vùng nguy hiểm. Đối với xã Hạ Bì có 29 hộ dân nằm trong vùng sạt lở phải di dời khẩn cấp. Trong khi đó xã Tú Sơn là 32 hộ dân.
“Chúng tôi đã xin chủ trương của tỉnh xây dựng khu tái định cư cho người dân các xã. Tuy nhiên, kinh phí eo hẹp, huyện không thể hỗ trợ người dân toàn bộ được. Hiện nay một số người dân phải dựng lều sống ngoài đồng, số khác thì ở tạm trong các nhà văn hóa thôn”, ông Dùm chia sẻ.
Theo Văn Chương/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)