Đại án năm 2018: Trịnh Xuân Thanh có thoát án tử hình?

Google News

(Kiến Thức) - Ngay những ngày đầu của năm 2018, một loạt quan chức lớn ngành dầu khí, ngân hàng như ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê, Phạm Công Danh sẽ phải hầu tòa.

Mở đầu năm 2018, một loạt các đại án liên quan tới ngành ngân hàng, dầu khí gây thất thoát cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng sẽ được đưa ra xét xử, hứa hẹn thu hút sự chú ý lớn của dư luận.
Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thành đồng loạt hầu tòa
Ngay sau kỳ nghỉ Tết dương chỉ khoảng một tuần lễ, một trong những vụ án có thể nói là sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong năm 2018 là việc xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo TTXVN, từ ngày 8-21/1/2018, TAND Hà Nội sẽ đưa ra xét xử ông Đinh La Thăng và 21 đồng phạm. Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa phiên tòa.
 Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh sẽ cùng hầu tòa ngày 8/1 tại Hà Nội.
Trong vụ án này, có tổng số 22 bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, 12 bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999, gồm: Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN); Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN)….
Đáng chú ý, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã bị tuyên án tử hình trong đại án xảy ra tại ngân hàng OceanBank.
Và 8 bị cáo bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" theo quy định tại Điều 278, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Riêng 2 bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận bị truy tố về cả 2 tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”.
Với hai tội danh này, nếu bị kết luận có tội, Trịnh Xuân Thanh có thể đối mặt với khung hình phạt chung cao nhất là tử hình.
Đang lãnh án 30 năm phải ra hầu tòa cùng “đại gia” ngân hàng
Cùng thời điểm diễn ra phiên xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo khác, tại TPHCM cũng sẽ đưa đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây dựng-VNCB) giai đoạn 2 ra xét xử từ ngày 8/1. Dự kiến, phiên tòa sẽ do thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa.
 Trong khi đó, ở đầu TPHCM, 2 "đại gia lẫy lừng một thời" cũng dắt tay nhau hầu tòa ngày 8/1. 
Ông Phạm Công Danh hiện đang chấp hành bản án 30 năm tù liên quan thất thoát 9.000 tỉ đồng tại VNCB giai đoạn 1. Ông cũng là bị cáo trong đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đang chuẩn bị được đưa ra xét xử phúc thẩm.
Phiên tòa sẽ triệu tập 46 bị cáo, trong đó ngoài Phạm Công Danh, đáng chú ý còn có “đại gia lẫy lừng” Trầm Bê (phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng ngân hàng Sacombank).. cùng 44 bị can bị truy tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan tới các Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo kết luận điều tra bổ sung của vụ án, để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 1.700 tỷ đồng tại ngân hàng BIDV, ông Phạm Công Danh đã đến "gõ cửa" ông Trầm Bê.
Theo lời khai của ông Trầm Bê, khoảng giữa tháng 4/2013, Phạm Công Danh sang Sacombank gặp Trầm Bê và đặt vấn đề vay khoảng 2.000 tỷ đồng. Mặc dù đồng ý cho Phạm Công Danh vay nhưng ông Trầm Bê yêu cầu phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi.
Ông Trầm Bê dẫn Phạm Công Danh xuống phòng làm việc của Phan Huy Khang (thành viên HĐTD, Tổng giám đốc Sacombank). Tại đây, cả ba đi đến thống nhất việc Sacombank cho Phạm Công Danh vay từ 1.300 tỷ đồng đến tối đa 1.800 tỷ đồng, nhưng phải có tài sản đảm bảo.
Đến ngày 19/4/2013, ông Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị nguồn tiền bảo lãnh, lập phương án kinh doanh, hồ sơ vay, theo yêu cầu của phía Sacombank.
Ông Trầm Bê chỉ đạo 6 công ty con của VNCB do ông Danh lập ra để tiến hành việc vay mượn của Sacombank. Với thủ đoạn là lập và ký nhiều tài liệu giả, là bảng cân đối số phát sinh năm 2012; báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh; lưu chuyển tiền tệ; chi tiết tài sản cố định; tổng hợp nợ cuối kỳ…
Cấp dưới của ông Danh đã hoàn tất 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty, kèm bản phân chia vốn vay cho 6 công ty này. Và ông Trầm Bê đã phê duyệt các khoản vay dù hồ sơ chưa đầy đủ. Tuy nhiên quá hạn vay, 6 công ty không trả được nợ, Sacombank đã thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 1.800 tỷ đồng.
Ngoài 2 đại án trên, ngay từ ngày thứ 2 của năm 2018, đại án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2 cũng được đưa ra xét xử với thời gian dự kiến kéo dài 4 ngày.
Hai bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) cùng bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
P.H

>> xem thêm

Bình luận(0)