Những chuyện kỳ thú về ngày hội cá đường

Google News

“Tui nghe ông bà kể, vào ngày cá hội thì buổi sáng lúc mặt trời lên, mặt nước biển khu vực lòng chảo Khai Long đang im phăng phắc bỗng xuất hiện 1 đợt sóng dài hàng trăm thước nhô lên cao, nắng chiếu vào lấp lánh màu vàng.”

LTS: Cá đường luôn là loài sinh vật biển được các ngư dân săn lùng trong mỗi chuyến ra khơi. Mấy mươi năm trước, loài cá này vẫn thường tập trung thành từng đàn, tạo thành “ngày hội cá đường” ở vùng cực Nam Tổ quốc. Tuy nhiên, ngày nay, loài cá quý mà chỉ cần bán cái bong bóng trong bụng nó người ta cũng sắm được vài lượng vàng này dường như chỉ còn trong ký ức.
Nhung chuyen ky thu ve ngay hoi ca duong
 Ngư dân Cà Mau bắt cá đường lấy bong bóng trong ngày hội cá đường cuối cùng trên bãi biển Khai Long năm 1983.
Đêm cuối năm ở Cà Mau, trời khá lạnh. Tiệc rượu từ chiều gần tàn thì Năm Quý vào bếp nướng thứ gì mà mùi thơm xộc lên như mùi cá nướng. Lát sau, Năm Quý đem ra 1 miếng cá khô vàng ruộm, thơm thơm, giới thiệu là khô cá đường, mời các “chiến hữu”. Nghe vậy, Hai Sang, dân Miệt Thứ Kiên Giang, có thâm niên mấy chục năm đi biển vỗ đùi cái bốp, cười khà khà, nói: “Cái này là khô cá nhám, cá mập chớ khô cá đường cái nỗi gì hả Năm Quý ? Tui đi biển từ hồi 16 tuổi, nay đã bạc đầu mà còn không thấy được mặt mũi con cá đường ra sao, lấy đâu ra cá làm khô ?”. Thấy đám bạn nhậu tròn mắt, Hai Sang tợp 1 ngụm rượu đế, trầm giọng kể…
Ngày xưa ở xứ biển Cà Mau cá đường (hay còn gọi là cá sủ vàng) nhiều vô kể. Cá đường là loài thuộc họ cá đù, hình dáng không khác gì con cá lù đù người ta bày bán ngoài chợ, nhưng to lớn hơn nhiều, con nhỏ nặng 5kg-7kg, con lớn có thể nặng đến 20kg-30kg. Thân cá thon dài, vảy tròn mỏng, màu vàng, nhỏ cỡ đồng xu. Không ai biết loài cá này sinh sống ở vùng biển nào, nhưng mỗi năm họ hàng cá đường lại kéo nhau vào bờ để “khai hội” 1 lần, thật ra là chúng kéo nhau vào vùng bãi bồi ven biển để giao phối, sinh sản duy trì nòi giống.
“Tui nghe ông bà kể lại rất nhiều chuyện thú vị, lạ lùng về ngày hội cá đường. Nhưng ai cũng khẳng định, lần cuối cùng cá đường mở hội là ngày mùng 10/3 âm lịch năm 1983, ngay trên vùng biển Khai Long ở gần chót mũi Cà Mau”, Hai Sang cho biết.
Theo lời Hai Sang, hồi cá đường còn xuất hiện thì ăn Tết Nguyên đán xong là ngư dân vùng mũi Cà Mau và 1 số ngư dân của Kiên Giang lại sắm sửa đồ nghề, chuẩn bị đón ngày hội cá đường trên biển Khai Long. Sở dĩ biển có tên là Khai Long vì chuyện xưa kể: Có một đoàn thuyền từ miền ngoài đi đến khu vực này thì neo lại nghỉ ngơi qua đêm. Trong đêm tối giữa biển, mọi người trong đoàn ghe bỗng nhìn thấy ánh chớp sáng lòa soi rõ một đám mây lớn hình dáng giống hệt con rồng uốn lượn sà xuống mặt nước, từ đó họ đặt tên là biển Khai Long, rồi kéo nhau lên bờ định cư tại đây.
Theo ông bà xưa kể lại, trước đây từ khu vực cửa biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng trên biển Đông chạy dài đến phần biển vịnh Thái Lan ven bờ phía Tây của mũi Cà Mau, có rất nhiều địa điểm cá đường tụ về mở hội sinh sản. Nhưng tập trung với mật độ đông đảo nhất chính là vùng biển Khai Long.
Ở vùng biển này có một nơi rất đặc biệt được gọi là “sân cá hội”. Sân cá hội chỉ rộng chừng 6 km2, biển ở đây khá cạn, giữa sân có cái lòng chảo rộng khoảng 5 km2, độ sâu khoảng 3-4 sải nước. Bao đời nay nước biển nơi đây rất lạ lùng: Nước xanh màu lá mạ vào những ngày thủy triều thấp và đục màu phù sa vào những ngày triều cường. Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm chính là ngày triều thấp, cũng là ngày cá đường về sân tụ hội đông đảo nhất, số lượng đông đến hàng trăm ngàn con lớn, nhỏ.
“Thông thường trước ngày cá đường vào hội 2-3 hôm, những ngư dân từ các cửa biển Kinh Năm, Rạch Gốc, Kiến Vàng, Ông Trang, Bồ Đề, Hố Gùi… và nhiều tàu cá ở Kiên Giang đã o bế lại dàn lưới, tra cán và mài giũa lưỡi câu sắt, sửa lại ghe máy, tuyển chọn ngư phủ cừ khôi có tay nghề lão luyện, để chuẩn bị đợt “bắt cá sắm vàng”. Lưới để bắt cá đường là lưới gộc có dạo dài ba sải, cước đan lưới to cỡ đầu đũa ăn, lỗ lưới mười phân chuyên dùng bắt cá gộc, cá sủ, cá sóc, cá sạo…”, Hai Sang kể.
Từ ngày mùng 7, trễ lắm là mùng 9 tháng 3, những đoàn ghe bắt cá đường từ các nơi lũ lượt nối nhau tụ họp ở vàm sông Ông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) rồi kéo nhau ra biển Đông trực chỉ xuống mũi Cà Mau. Các ngư phủ cơm đùm, cơm nắm đưa hàng trăm chiếc ghe ra neo đậu ở các khu vực xung quanh lòng chảo biển Khai Long để chờ cá vào.
Ðêm xuống, các ghe lưới mở đèn sáng choang, nhìn chẳng khác nào 1 thành phố nổi trên biển. Đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, ai có ghe cũng đều đưa ra biển Khai Long chờ ngày hội cá. Mỗi buổi sáng, đám ngư phủ đều lo cơm nước no nê để sẵn sàng “chiến đấu” với bầy cá đường nếu chúng xuất hiện.
“Tui nghe ông bà kể, vào ngày cá hội thì buổi sáng lúc mặt trời lên, mặt nước biển khu vực lòng chảo Khai Long đang im phăng phắc bỗng xuất hiện 1 đợt sóng dài hàng trăm thước nhô lên cao, nắng chiếu vào lấp lánh màu vàng. Đợt sóng màu vàng đó chính là bầy cá đường đông đúc đang quấn lấy nhau vùng vẫy, ở xa hàng cây số các ngư phủ vẫn nghe tiếng kêu “cục cục” của hàng trăm ngàn con cá đường thi nhau gọi bạn tình vang động khắp mặt biển. Lúc đó mặt biển bắt đầu vang dậy tiếng hò reo “cá đường hội, cá đường hội” của các ngư phủ”, Hai Sang nhớ lại.
Khi cá nổi lên, ngay lập tức những chiếc ghe bủa vây theo vòng tròn xung quanh bầy cá đường, ngư phủ thi nhau quây lưới rồi mạnh ai nấy dùng câu, móc để bắt cá; tiếng la hét, chửi thề vang động cả một vùng biển rộng, sóng nước văng tung tóe khắp nơi. Cá bị sa lưới nổi lên trên mặt nước biển một dải vàng óng, ngư phủ người nhào xuống biển giữ lưới bất chấp nguy hiểm, người lo ở trên ghe phóng lao, câu móc kéo cá lên.
Nhiều bà nhiều cô bị nước táp, cá quẩy tuột cả quần áo ngoài mà vẫn không hay biết, cố sức nhào vô ôm bắt cho bằng được những con cá sa lưới, đưa lại cạnh ghe cho mấy anh ngư phủ dùng câu móc giựt lên. Những người tham gia ngày hội cá đường lúc đó ai cũng khỏe như lực sĩ, con cá nặng cả chục ký mà họ kéo lên ghe liên tục không biết mệt. Mê bắt cá, chẳng ai chú ý đến chuyện gì, đến khi xong việc thì anh mất quần, chị mất áo, ai nấy xấu hổ vội vàng chui vô mui ghe để lấy quần áo khác mặc lại.
Nhung chuyen ky thu ve ngay hoi ca duong-Hinh-2
Con cá đường nặng 30 kg bị sa lưới ở huyện Năm Căn hôm tháng 8/2018 làm rúng động ngư dân Cà Mau. 
Theo lời Hai Sang, ngày cá hội, cá nhiều đến mức có những người không cần dùng lưới mà chỉ cần 1 cây móc câu cán dài, cứ đâm xuống nước là kéo được cá lên ghe.
“Sau năm 1975, nhiều ngư phủ ở vùng Rạch Gốc-Tân Ân xúm nhau xây nò ngoài biển để đón bắt cho bằng hết cá đường vào mùa hội nhưng chỉ khai thác được vài năm thì cá đường không còn vào hội nữa. Tui nghe ông bà nói, lần cuối cùng cá đường vào hội ở biển Khai Long là ngày mùng 10/3 âm lịch năm 1983. Từ đó đến nay cá đường không còn hội trên vùng biển này, con cá đường cũng vắng bóng trên biển, nên ngư dân nói chúng đã tuyệt chủng”, Hai Sang bùi ngùi cho biết.
Theo An Hòa/Tuổi Trẻ Đời Sống

>> xem thêm

Bình luận(0)